Loại hình: Live concert
Giám đốc âm nhạc: Hồng Kiên
Trình diễn: Ngọt
Hỗ trợ: Dàn dây, dàn kèn, piano, nhóm bè VK
Nhạc trưởng: Đức Trí
Zing.vn đánh giá: 8/10 điểm.
Sơ mi trắng, quần đen, giày thể thao, Ngọt bước lên sân khấu Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) đúng nghĩa những cậu học trò.
Bỏ qua tất cả hoài nghi về một ban nhạc indie trong không gian nhà hát sang trọng, Ngọt tự tin giới thiệu: “Xin chào các bạn, anh chị, cô chú! Chúng tôi là Ngọt”.
Thắng và những cộng sự của mình là “spotlight” làm chủ hoàn toàn sân khấu. |
Chỉ có thể là Ngọt
Vũ Đinh Trọng Thắng (sáng tác, hát chính, guitar) đứng giữa. Hai bên là Phan Việt Hoàng (bass) và Nguyễn Chí Hùng (guitar). Đằng sau là Nguyễn Hùng Nam Anh (trống). Cách bố trí tương đồng so với những buổi biểu diễn thông thường của Ngọt.
Khác biệt là ở chỗ, lần này Ngọt không đứng một mình. Phía sau của Ngọt là cả một dàn nhạc với nhạc trưởng Đức Trí, dàn dây, dàn kèn, piano, nhóm bè. Nhìn vào khung cảnh ấy, cảm giác lo lắng cho Ngọt ở khán giả là dễ hiểu. Những chàng trai không học nhạc bài bản liệu có bị “ngợp” trước sự hoành tráng và chuyên nghiệp ấy?
May thay, suốt gần 2 tiếng của đêm nhạc, Ngọt đã không bị làm khó. Thắng và những cộng sự của mình vẫn là “spotlight” làm chủ hoàn toàn sân khấu. Trong khi dàn nhạc đóng vai trò như một bệ đỡ, vừa tôn vinh, vừa khắc phục những non nớt còn tồn tại của Ngọt.
Những màn kết hợp giữa Ngọt với saxophone hay dàn dây, tựa như cuộc đối thoại thế hệ, giữa hàn lâm, sang trọng, học thuật, lành nghề với thanh âm của tuổi trẻ, tự do, hồn nhiên, phóng khoáng.
Âm nhạc không còn khoảng cách. Không còn khái niệm indie hay mainstream, trên sân khấu chỉ có Ngọt và những nghệ sĩ chơi nhạc. Khoảnh khắc Đức Trí và dàn nhạc solo bản Em dạo này thực sự gây mê hoặc. Một bản phối hoàn toàn khác, chỉn chu và trọn vẹn đến từng đường nét.
Có cả tăm tối và dễ thương
Nếu lần đầu xem Ngọt biểu diễn, nhiều người sẽ kết luận Ngọt một màu, một vị. Thực tế, Ngọt không chỉ có “ngọt”. Ngọt có đủ dư vị “đắng, cay, ngọt, bùi”. Như Thắng từng nói với Zing.vn “Chúng tôi có cả tăm tối và dễ thương”.
Vũ Đinh Trọng Thắng (sáng tác, hát chính, guitar) đứng giữa. Hai bên là Phan Việt Hoàng (bass) và Nguyễn Chí Hùng (guitar). Đằng sau là Nguyễn Hùng Nam Anh (trống). |
Tất nhiên, dễ thương vẫn là chủ đạo. Ngọt là những thành viên 9X, mang trong mình những dễ thương, đáng yêu của tuổi trẻ. Có một chút trong trẻo, nhưng trên hết là cách nhìn đời tự do, lạc quan, không bi lụy, sầu thảm.
Âm nhạc của Ngọt có đầy tăm tối, đầy triết lý về tuổi trẻ. Ca từ trong những sáng tác của Thắng mang nhiều tầng nghĩa mà có lẽ nếu chỉ nghe một lần khó lòng có thể thấu tỏ hết được.
Tình yêu, dù được yêu thích, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ, thậm chí mờ nhạt trong âm nhạc của Ngọt. Em dạo này hay Một ngày không mưa, chỉ là những phút lãng mạn hiếm hoi. Nói đến Thắng phải nói đến Kẻ thù, đến Bartender hay Xin cho tôi. Đó là những tuyên ngôn về tự do, về tuổi trẻ.
Âm nhạc của Ngọt chẳng cầu kỳ, phức tạp. Chính Thắng cũng không định nghĩa được chính xác thể loại âm nhạc của mình. Người ta bảo đó là “rock nước ngọt”, thứ âm nhạc mang thanh âm của rock nhưng lại có cả sự nhẹ nhàng của ballad. Thi thoảng, âm nhạc của Ngọt lại có cả dân ca. Tất cả trở thành một chỉnh thể “rất Ngọt”, không quá gai góc, mới lạ nhưng lại rất riêng biệt.
Ngọt dành cho ai?
Ngọt, tất nhiên dành cho tuổi trẻ, đó là những cô cậu học trò, những bạn trẻ sinh viên, những thuở đầu đời xanh mơn mởn. Bởi lẽ, âm nhạc của Ngọt nói lên những buồn vui, tiếng lòng của tuổi trẻ.
Đêm nhạc của Ngọt vào tối 24/11 tại Cung Việt Xô gây bất ngờ khi có những chiếc ghế trống. |
Nhưng đêm nhạc của Ngọt vào tối 24/11 tại Cung Việt Xô đã không kín chỗ. Những chiếc ghế trống gây bất ngờ vì những live show trước đó của Ngọt, diễn ra tại không gian kiểu indie luôn luôn cháy vé, các Kẹo (cộng đồng fan của Ngọt) phải xếp hàng mua vé, và chờ vào xem.
Sân khấu nhà hát dường như vẫn xa lạ với Kẹo. Và đó là điều các thành viên phải chấp nhận khi đặt mình vào một cuộc chơi mới. Sự cộng hưởng của khán giả trong đêm diễn gần như không có nhiều, bởi lẽ sát sân khấu những khán giả trung niên, đôi khi chỉ đến nghe vì tò mò hoặc vì những tấm vé mời. Họ quen nghe nhạc bằng thái độ thưởng thức, và có thể Ngọt chưa thuyết phục được hoàn toàn.
Nghe nhạc của Ngọt, khán giả trẻ quen nhún nhẩy và hát theo, nhưng trong không gian nhà hát, điều ấy khó xảy ra. Thế nên, trong khi nghệ sĩ trên sân khấu tự nhiên biểu diễn, chính một bộ phận khán giả ở dưới lại thiếu thoải mái.
Không ít bạn trẻ muốn đứng dậy, hò hét nhưng e những khán giả trung tuổi xung quanh. Ngược lại, không ít khán giả trung tuổi chê Thắng hát không rõ lời.
Ngọt với không gian sang trọng Nhà hát rõ ràng là một cuộc chơi mạo hiểm. |
Rõ ràng, Ngọt đã chia khán giả thành hai phe rõ rệt “trẻ và già”. Không phải ai cũng nghe được Ngọt, nhưng nếu đã thích thì dễ nghiện.
Ngọt với không gian sang trọng Nhà hát rõ ràng là một cuộc chơi mạo hiểm. Cuộc chơi ấy thành công về âm nhạc, về biểu diễn, nhưng lại thiếu đi sự cộng hưởng tự lượng fan đông đảo của Ngọt như những đêm nhạc trước. Đó có lẽ cũng là một bài toán, không hẳn khó, nhưng cũng không dễ giải với Ngọt nếu ban nhạc vẫn tiếp tục chọn hướng đi này.