Ảnh nóng của 101 ngôi sao nữ bị lấy trộm qua iCloud, dữ liệu máy tính và thư điện tử bị đánh cắp khiến hãng phim Sony điêu đứng - 2 câu chuyện văn hóa nổi cộm của năm có điểm chung gì? Đó chính là hiểm họa “lộ bí mật” - điều các chuyên gia công nghệ hàng đầu đã cảnh báo nhân loại nhiều năm nay.
“Lộ bí mật”, hoặc đúng hơn là “sẽ sớm không còn cái gọi là bí mật nữa”, như hai nhà lãnh đạo Google đã viết trong cuốn Sống sao trong thời đại số? (The New Digital Age). Tương lai đang đến nhanh hơn lúc nào hết, khi những gì xảy ra trong phim viễn tưởng, tưởng chừng như sẽ đến trong vài chục hay vài trăm năm nữa, lại diễn ra chỉ trong vài năm.
Ảnh hưởng bao trùm của công nghệ số, thế giới mạng từ ảo trở thành thực hơn cả đời thực, Google, Facebook và các ứng dụng tương tự đặt cuộc sống của chúng ta trong một vòng kiềm tỏa chặt chẽ, tất cả đều đã diễn ra rồi. Ngày trước, nổi tiếng không dễ; ngày nay, vô danh mới khó.
Hàng loạt bí mật bị đánh cắp, tội phạm vẫn nhơn nhơn
Tháng 8, người dùng nặc danh đã dẫn lên mạng xã hội 4Chan hàng loạt đường link tải hàng nghìn ảnh nóng bị tin tặc đánh cắp từ dịch vụ lưu trữ đám mây iCloud của Apple. Các nạn nhân nổi tiếng gồm Jennifer Lawrence, Rihanna, Kate Upton, Kirsten Dunst... Đến nay, vẫn chưa có cá nhân hay tổ chức nào bị xử phạt, bồi thường. Những tên tin tặc vẫn yên ổn ở tình trạng nặc danh.
Tháng 10 tiếp tục có một vụ lộ ảnh tương tự nhưng liên quan đến dân thường: 200.000 ảnh nóng các kiểu thuộc dạng “tự hủy sau 10 giây” bị ăn cắp qua ứng dụng di động Snapchat. Đây là những bức ảnh riêng tư nhạy cảm nên người dùng để chế độ tự hủy, mặc dù vậy, tin tặc đã dùng mánh khóe để lưu lại được và tập hợp thành một kho ảnh khổng lồ và tung lên mạng.
Đến tháng 11 diễn ra vụ ăn cắp dữ liệu số lớn và nghiêm trọng nhất trong năm của làng giải trí: tin tặc đã đột nhập máy chủ của các nhà lãnh đạo Hãng phim Sony, lấy đi nhiều dữ liệu ổ cứng và nội dung thư điện tử quan trọng, trong đó có nhiều bí mật nghề nghiệp như kịch bản bộ phim chưa quay về James Bond, thông tin cá nhân và hồ sơ y tế của hàng trăm nhân viên Sony, những thư từ trao đổi riêng tư giữa các lãnh đạo Sony gây mích lòng nhiều người nổi tiếng.
Quan trọng hơn hết, vụ ăn cắp dữ liệu Sony nhằm một mục đích cụ thể: khiến choThe Interview, bộ phim liên quan nói về vụ ám sát Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, không được ra rạp. Với việc bộ phim lần lượt hủy lễ ra mắt ở New York và hủy lịch chiếu phim ở Bắc Mỹ, nhóm tin tặc (mang cái tên trớ trêu “Guardians Of Peace” - Người bảo vệ hòa bình) đã đạt được mục đích.
Tháng 12, thêm một câu chuyện nữa nằm trong dòng sự kiện “lộ bí mật”: toàn bộ bài hát trong album mới Rebel Heart (Trái tim nổi loạn) của nữ ca sĩ Madonna bị đánh cắp và tung lên mạng khiến “nữ hoàng nhạc pop” phải ra quyết định bất đắc dĩ: phát hành 6 ca khúc mới trên iTunes và nhiều dịch vụ nhạc số khác để làm quà Giáng sinh.
Trước nguy cơ bị mất cắp đủ thứ và lộ đủ loại bí mật vì Internet, pháp luật, an ninh mạng, chính quyền và nhất là công chúng đều không/chưa thể làm gì. Không có chiến dịch lớn nào được phát động để chống lại các tin tặc. Tại sao tồn tại bất công này?
Đó là bất công và phải có ai nhân danh luật pháp ngăn kẻ đó lại? Điều đó nghe đẹp đẽ và lý tưởng, nhưng lý tưởng lại có ý nghĩa phụ là “ít khi có thật”. Và trong thực tế, ở trường hợp của Sony, kẻ ăn cắp coi như đã thành công.
Giáng sinh bị đánh cắp và “món quà” nỗi sợ
Với vụ việc của Sony, Thư ký báo chí của Nhà Trắng là ông Josh Earnest thừa nhận đây là một “vấn đề nghiêm trọng về bảo mật quốc gia”. Uy tín của Amy Pascal, đồng Chủ tịch Hãng Sony và cũng là người có nhiều thông tin bị rò rỉ nhất, bị tổn hại nghiêm trọng.
Vụ việc này gây ra rất nhiều hậu quả, trong đó có việc hủy hoại kỷ nghỉ Giáng sinh còn chưa kịp đến của hàng trăm con người. Nhưng hậu quả lớn nhất, vừa mơ hồ vừa hiện hữu, đó chính là phát tán một nỗi sợ.
Khủng hoảng truyền thông lớn nhất ngành giải trí trong năm thuộc về Hãng Sony. |
Vì mục tiêu vụ tấn công công nghệ trừng phạt Sony này xuất phát từ một bộ phim nói về Triều Tiên, nên các hãng phim khác cũng trở nên e dè. Các hãng New Regency và Fox quyết định hủy luôn một dự án phim về Bắc Triều Tiên mang tên Pyongyang, còn Hãng Paramount cũng có kế hoạch xem xét lại bộ phim Team America có tính chất chế giễu cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il.
Truyền thông vẫn đưa tin, vì sao?
Trong cả vụ lộ ảnh nóng 101 sao nữ lẫn vụ ăn cắp thông tin Sony, những bên bị hại (các ngôi sao, Hãng Sony) hướng lời công kích vào giới truyền thông, cả truyền thông đại chúng lẫn truyền thông xã hội, khi không ngừng cập nhật diễn biến về vụ việc. Các ngôi sao nữ trong vụ ảnh nóng tập trung lại kiện Google đòi bồi thường 100 triệu USD vì vẫn đăng các bức ảnh trong kết quả tìm kiếm qua trang web này. Còn Sony lên tiếng yêu cầu, gần như là van nài, các tờ báo và kênh truyền thông ngừng đăng tải những thông tin bị tung lên mạng của họ.
Nhưng truyền thông không nghe theo.
Cả hai vụ việc, bên bị hại đều đánh vào đạo đức của truyền thông. Luật sư hàng đầu Hollywood, Marty Singer, đã thay mặt hơn 10 ngôi sao nữ trong vụ ảnh nóng, gửi một lá thư tới Larry Page và Sergey Brin, hai nhà đồng sáng lập Google, trong đó nói đây là “hành vi kinh doanh thiếu đạo đức trắng trợn” của Google khi kiếm hàng triệu USD từ những bức ảnh ăn cắp. Nhưng đến tận hôm nay, những bức ảnh khỏa thân của Jennifer Lawrence vẫn dễ dàng được tìm thấy sau vài giây tìm kiếm.
Còn luật sư David Boies của Sony gửi thư đến các báo lớn New York Times, Hollywood Reporter và Variety thông báo các hãng tin này đều nhận được thư từ, luật sư của Hãng Sony, yêu cầu các báo này ngừng đăng và ngay lập tức hủy những tài liệu chứa nội dung bị đánh cắp. Nhiều ngôi sao như biên kịch Aaron Sorkin, các diễn viên Brad Pitt, George Clooney... cũng chỉ trích đạo đức của truyền thông đại chúng khi không hề ngừng đăng tin về các vụ việc này.
Những bức ảnh của Lawrence và đồng nghiệp, những thông tin của Sony đều bất tử trên mạng Internet. Những thông điệp đánh vào đạo đức không thể đẩy lùi được chúng, vì sao vậy?
Lời bình luận này của một độc giả New York Times có lẽ là lời giải đáp: “Ở thế kỷ 21, các tờ báo không còn quyền lựa chọn. Chúng ta không còn có thể kiểm soát thông tin được nữa. Nếu một tờ báo chôn vùi một thông tin, một tờ báo khác sẽ đăng nó. Còn nhớ vụ bê bối Monica Lewinsky? New York Times đã chôn vùi câu chuyện này khi họ phát hiện ra nó nhưng Matt Drudge (ông trùm của Hãng tin Drudge Report) lại nhờ nó mà dựng được cả một đế chế truyền thông”.
“Vậy hãy ngừng bưng bít thông tin. Mỗi lần ai đó cố gắng bưng bít những thông tin công chúng muốn nghe, họ chỉ khiến công chúng đổ xô đi tìm những nguồn tin khác có đăng tải nó mà thôi”.