Trong một tháng, dịch bạch hầu đã lan rộng đến 4 tỉnh Tây Nguyên với 68 trường hợp dương tính, 3 ca tử vong. Tình hình dịch tại đây còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Các chuyên gia nhận định tỷ lệ tiêm chủng thấp, không bao quát chính là nguyên nhân lớn khiến dịch bùng phát tại các khu vực này.
Lỗ hổng tiêm chủng
Trao đổi với Zing, ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, Phó giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, cho biết việc kiểm soát và khống chế những dịch bệnh phòng chống được bằng vaccine có liên quan đến độ bao phủ của vaccine trong cộng đồng.
“Nếu miễn dịch cộng đồng giảm, những bệnh tưởng chừng như không còn nữa sẽ quay trở lại. Do vậy, nguyên nhân khiến dịch bạch hầu bùng phát phần nhiều do vấn đề tiêm chủng hiện nay”, bác sĩ Minh cho biết.
Theo bác sĩ Minh, một trong những lý do dẫn đến thực trạng này là một số địa phương có độ bao phủ vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng thấp (thường là vùng núi cao, địa hình hiểm trở, khu vực sinh sống của đồng bào dân tộc…).
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh. Ảnh: BSCC. |
Những người không thuộc nhóm đối tượng của Chương trình Tiêm chủng mở rộng thường chưa được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ. Do đó, nhóm này hầu như không có hoặc có rất ít khả năng miễn dịch vi khuẩn gây bệnh.
Ngoài ra, một số trường hợp đã tiêm vaccine mũi cơ bản nhưng không tiêm những mũi nhắc lại. Do đó, hiệu lực của vaccine giảm, không đủ kháng thể phòng bệnh.
Bên cạnh đó, bác sĩ Minh cho rằng người lớn trong gia đình không tiêm vaccine nên không bảo vệ được trẻ em (khi trẻ chưa đến độ tuổi tiêm vaccine). Người mẹ không tiêm vaccine trước mang thai hoặc trong giai đoạn mang thai không truyền được miễn dịch thụ động sang con.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, bộ phận không nhỏ người thuộc nhóm anti-vaccine đưa những thông tin sai lệch cũng khiến cộng đồng mất niềm tin vào tiêm chủng nên không tiêm vaccine phòng bệnh.
“Việc bệnh bạch hầu quay trở lại cũng là điều bất thường, tuy nhiên, điều này cũng phản ánh mầm bệnh vẫn còn trong cộng đồng, tỷ lệ tiêm vaccine thấp, chỉ chờ cơ hội là bùng phát”, bác sĩ Minh nhấn mạnh.
Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất giúp trẻ phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: B.Huệ. |
Vaccine không thể bảo vệ 100%
Lý giải về vấn đề nhiều bệnh nhân dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu dù đã tiêm vaccine trước đó, TS.BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết về nguyên tắc, tiêm ngừa không thể bảo vệ 100%.
Trẻ tiêm phòng đầy đủ, khả năng bảo vệ chỉ đạt khoảng 95-97%. Lý do là khả năng miễn dịch, chất lượng vaccine, thời điểm tiêm khác nhau.
Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là không phải 100% người tiêm vaccine có kháng thể như nhau. Thực tế, người tiêm vaccine nhưng cơ địa không đáp ứng miễn dịch vẫn có khả năng mắc bệnh.
Yếu tố thứ hai là hiệu quả miễn dịch của vaccine thay đổi theo thời gian. Nếu không tiêm nhắc lại định kỳ, cơ thể dễ bị xâm nhập bởi vi trùng, virus. Theo nghiên cứu năm 1995 đăng trên tạp chí Lancet, khi đo nồng độ kháng thể của 1.000 người có độ tuổi từ 20-59, chỉ 1/3 trong số này được bảo vệ hoàn toàn, 1/3 được bảo vệ một phần và 1/3 không được bảo vệ.
Thứ ba, bản chất của tiêm vaccine phòng bạch hầu là tiêm giải độc tố nhằm trung hòa độc tố của vi trùng. Do đó, bệnh nhân vẫn có thể mắc bạch hầu, gây bệnh nhẹ như viêm họng thông thường hoặc không biểu hiện bệnh. Như vậy, vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể tồn tại trong một số người gọi là người lành mang trùng.
TS Quí cho biết đây cũng là nguồn bệnh do người mang trùng có thể lây truyền cho những người có miễn dịch thấp hơn hoặc không có. Tuy nhiên, về bản chất, người lành mang trùng có tần suất truyền bệnh thấp.
Đồng quan điểm, TS.BS Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết một số trường hợp hiếm gặp vẫn mắc bệnh dù đã tiêm phòng trước đó. Nguyên nhân là cơ địa khiếm khuyết trong hệ miễn dịch nên không tạo được khả năng miễn dịch.
Đối với người lớn, khả năng miễn dịch suy giảm dần theo thời gian, nếu không tiêm nhắc lại cũng có nguy cơ tái nhiễm, trở thành nguồn lây trong cộng đồng.
Đặc biệt, người mẹ nếu không có miễn dịch trước sẽ không thể truyền kháng thể thụ động sang con, không bảo vệ con được trong những tháng đầu đời do trẻ từ 6 đến 8 tuần tuổi mới có thể tiêm vaccine phòng bệnh.
Đối tượng là người lớn tiêm vaccine bạch hầu tăng đột biến thời gian gần đây. Ảnh: VNVC. |
Người dân đổ xô đi tiêm vaccine bạch hầu
Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh cho biết trước tình hình xuất hiện những ca bệnh rải rác tại TP.HCM và khu vực Tây Nguyên, người dân đang rất quan tâm tới việc tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu.
Nếu thời gian trước, những vaccine này chỉ được các gia đình tiêm nhắc lại cho nhóm trẻ tiền học đường. Khoảng một tuần trở lại đây, lượng khách hàng có nhu cầu tiêm loại vaccine này tăng đột biến.
Cụ thể, mỗi ngày, trung tâm tiếp đón hàng chục nghìn lượt khách hàng tiêm vaccine phòng bạch hầu trên toàn hệ thống, tăng gấp ba lần so với trước. Số cuộc gọi về tổng đài tư vấn tăng 2.000 lần, trước đây chỉ vài cuộc gọi về bạch hầu, nay tăng đặc biệt.
Đối tượng chủ yếu là gia đình cùng đi tiêm và nhóm người đang đi làm, di chuyển nhiều và tiếp xúc với nhiều người. Nhóm gia tăng chủ yếu là người lớn vì họ đã có những khoảng trống trong tiêm chủng trong thời gian dài.
“Như bài học bạch hầu, chúng ta không thực sự biết tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng là bao nhiêu, mầm bệnh còn trong cộng đồng hay không. Do đó, chủ động tiêm vaccine cho bản thân, trẻ em và gia đình rất quan trọng”, bác sĩ Minh nói.