Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố đã ghi nhận gần 2.000 trường hợp mắc sởi. Đặc biệt, số ca mắc bệnh gia tăng nhanh từ tuần 38 đến những tuần cuối năm 2018 (ước tính khoảng 300-400 ca mỗi tuần). Số ca bệnh tập trung nhiều ở trẻ dưới 10 tuổi và độ tuổi từ 26-34.
Tại cuộc họp với lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) tại TP.HCM chiều 21/1, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, bày tỏ lo ngại: "Trong dịp Tết Nguyên đán 2019, người dân từ TP.HCM trở về quê có thể sẽ là nguồn phát tán virus sởi. Đặc biệt, hiện nay TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương có số ca mắc sởi cao nhất tại khu vực Đông Nam Bộ. Điểm chung ở những địa phương này chính là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp. Bệnh sởi tại TP.HCM không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà còn gia tăng ở người lớn”, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết.
Trong số 2.000 trường hợp mắc bệnh sởi, ngoại trừ những trẻ dưới 9 tháng tuổi, 95% bệnh nhân sởi còn lại đều không được tiêm chủng. Đây chính là lỗ hổng tiêm chủng khiến bệnh sởi gia tăng nhanh.
Ngoại trừ những trẻ dưới 9 tháng tuổi thì 95% bệnh nhân sởi còn lại đều không được tiêm chủng. Ảnh: Liêu Lãm |
Số ca bệnh sởi đang gia tăng và chưa có dấu hiệu giảm, trong khi đó, khi cán bộ y tế dự phòng khảo sát nhiều người dân, công nhân lao động về vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ, kết quả cho thấy nhiều người không biết đến việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Một số phụ huynh chỉ cho con tiêm sởi mũi 1 lúc 9 tháng tuổi mà không chịu đưa con đi tiêm mũi 2. Do đó, sắp tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ đề xuất các biện pháp chế tài xử phạt nếu các cơ sở tiêm dịch vụ tư vấn sai khiến người dân không đưa trẻ đi tiêm sởi mũi nhắc lại.
“Quy định trẻ đến tuổi là phải đi tiêm phòng đầy đủ, nhưng nhiều người lại vi phạm không đưa trẻ đi tiêm do không có một chế tài nào xử lý các hành vi vi phạm. Chính vì vậy, cần phải có quy định rõ ràng về vấn đề này mới nâng cao được tỷ lệ tiêm chủng”, bà Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết bệnh sởi thường tập trung tại các địa phương có sự biến động dân cư. Vì vậy, nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp, sau nhiều năm các ca không được tiêm chủng này tích lũy sẽ có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, hiện tại số ca nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn vẫn chưa lắng xuống, mỗi ngày số ca dao động trên khoa hiện nay ít nhất là 20 ca. Bệnh sởi là bệnh nhiễm lây qua đường hô hấp do virus sởi gây ra. Bệnh đặc trưng chủ yếu sốt, biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, mắt đỏ,… Khi thấy các dấu hiệu sốt cao không hạ, phát ban đỏ, nôn ói, co giật, lơ mơ,… phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị.
Khi gia đình có người mắc bệnh sởi, người dân cần tránh quan điểm sai lầm là kiêng gió kiêng nước, phải cho bệnh nhân tắm rửa, mặc đồ thoáng mát, rửa tay sạch sẽ và cách ly người bệnh để tránh lây nhiễm.