Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lo ngại gia tăng thí sinh ảo khi thời gian xét tuyển kéo dài

Hầu hết cụm thi do các trường đại học (ĐH) chủ trì trên toàn quốc đều đang tăng tốc để hoàn thành công tác chấm thi trước 20/7 theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Trước kết quả sơ bộ sau một tuần chấm thi đầu tiên với tỷ lệ thí sinh (TS) đạt điểm trung bình khá chiếm tỷ lệ áp đảo, nhiều ý kiến dự đoán rằng, điểm sàn và điểm chuẩn xét tuyển của nhiều trường ĐH năm nay sẽ cao hơn năm ngoái.

Tuy nhiên, do thời gian xét tuyển kéo dài trong 3 tháng (từ 1/8 đến 1/11) và TS có quyền rút hồ sơ xét tuyển từ trường này sang trường khác nên sẽ gây khó khăn cho các trường, đặc biệt là các trường top giữa và cuối vì tỷ lệ TS ảo sẽ rất cao.

Chưa chấm thi xong đã loạn tin có điểm ĐH trên mạng

Công tác chấm thi vẫn chưa hoàn tất nhưng có diễn đàn đăng tin "đã có điểm thi tốt nghiệp THPT" nhằm dụ thí sinh nhắn tin, tra cứu điểm với mức phí 15.000 đồng.


TS Nguyễn Hồng Vinh, giảng viên Khoa Lịch sử, trường ĐH Vinh (Nghệ An) cho biết: Sau 1 tuần chấm thi, tại cụm thi do ĐH Vinh chủ trì, đã có 1 TS đạt điểm 9,75 môn Lịch sử, nhưng cũng có TS chỉ đạt 1 điểm dù viết hết cả 6 mặt của 2 tờ giấy thi.

Nhận xét chung về bài thi môn Lịch sử năm 2015, TS Nguyễn Hồng Vinh cho biết: Phổ điểm trung bình năm nay trải đều từ 5-7 điểm nên nhiều khả năng TS đạt 7 điểm trở lên mới có khả năng trúng tuyển vào Khoa Lịch sử trường ĐH Vinh. 

Tương tự, một cán bộ chấm thi của ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng cho biết: Với điểm bài thi khối A khá cao như hiện nay, các TS đạt điểm 7 chưa chắc đã đỗ vào ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Việc thí sinh được tự do rút hồ sơ xét tuyển từ trường này sang trường khác trong khi thời gian xét tuyển kéo dài sẽ làm gia tăng tình trạng thí sinh ảo. Ảnh: CAND.
Việc thí sinh được tự do rút hồ sơ xét tuyển từ trường này sang trường khác trong khi thời gian xét tuyển kéo dài sẽ làm gia tăng tình trạng thí sinh ảo. Ảnh: CAND.
Cũng theo vị cán bộ này, do việc xét tuyển dự kiến sẽ khó khăn vì tỷ lệ TS đạt điểm trung bình khá cao nên ngoài các tiêu chí chung của Bộ GD&ĐT, nhà trường cũng sẽ tính đến việc xét tuyển thông qua một số tiêu chí phụ như điểm học ba năm THPT, đặc biệt là các môn mà TS đăng ký thi theo khối. 

PGS.TS Lê Minh Thái, Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự nhận định, các trường tốp đầu điểm chuẩn năm nay sẽ cao hơn năm ngoái, còn các trường tốp giữa và tốp dưới thì điểm chuẩn sẽ tương đương mọi năm.

Cũng theo ông Thái, đã có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, với tình hình nhiều TS cùng đạt điểm cao cùng nộp hồ sơ xét tuyển trong khi chỉ tiêu của trường có hạn sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc xét tuyển. Lo lắng trên là hoàn toàn có cơ sở. 

Tuy nhiên, hầu hết trường ĐH đều đã lường trước được vấn đề này và có phương án để ứng phó như đặt thêm các tiêu chí phụ, phù hợp với nhu cầu đào tạo của nhà trường. Đơn cử với Học viện Kỹ thuật quân sự, có thể  sẽ lấy môn Toán làm môn chính, TS điểm toán cao hơn sẽ trúng tuyển.

Một trong những điểm mới trong tuyển sinh ĐH năm 2015 là Bộ GD&ĐT sẽ cho phép TS nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường sau khi đã có điểm thi và được phép rút hồ sơ xét tuyển từ trường này sang trường khác, thời gian xét tuyển kéo dài trong 3 tháng, từ 1/8 đến hết 1/11.

Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, điều này sẽ tạo thuận lợi và tăng thêm cơ hội trúng tuyển cho TS. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục lại bày tỏ lo ngại, việc xét tuyển kéo dài và TS được tự do thoải mái rút hồ sơ sẽ gây khó khăn cho các trường ĐH, đặc biệt là các trường top giữa và cuối.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho rằng:  Bộ GD&ĐT cho xét tuyển nhiều đợt kéo dài đến tháng 11 sẽ làm cho các trường phải quay cuồng, thậm chí là có thể dẫn đến rối loạn trong cuộc đua giành TS, nhất là đối với các trường tốp giữa, tốp dưới.

Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian xét tuyển đến 1/11 cũng sẽ ảnh hưởng kế hoạch và hoạt động của các trường. Cũng theo phân tích của ông Lê Viết Khuyến, quy định cho phép TS tự do nộp và rút hồ sơ trên thực tế có thể sẽ tăng thêm cơ hội trúng tuyển cho TS.

Tuy nhiên điều này lại gây ra tình trạng gia tăng TS ảo, đi ngược lại mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đặt ra trong kỳ thi tích hợp “2 trong 1” này là giảm tỷ lệ TS ảo; đồng thời, tăng áp lực không đáng có cho các trường ĐH trong việc tuyển sinh. 

“Bởi lẽ TS nộp hồ sơ rồi, thấy trường khác lấy điểm thấp lại rút hồ sơ. Trường lẽ ra đã đủ chỉ tiêu rồi lại phải gọi thêm… Tình trạng này nếu cứ kéo dài đến tháng 11 không chỉ sẽ gây khó khăn, mệt mỏi cho các trường ĐH mà có thể còn dẫn đến việc rối loạn nếu như xảy ra tình trạng TS đồng loạt rút hồ sơ từ 1 trường ĐH này để chuyển sang 1 trường ĐH khác” - ông Khuyến cho biết.

http://cand.com.vn/giao-duc/Lo-ngai-gia-tang-thi-sinh-ao-khi-thoi-gian-xet-tuyen-keo-dai-357988/

Theo Huyền Thanh/Báo CAND

Bạn có thể quan tâm