Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lo ngại nguy cơ sốt rét quay trở lại

Theo CDC Đắk Lắk, một vấn đề đáng quan tâm là sốt rét ngoại lai từ các nước châu Phi, trong đó có Angola đang là mối nguy cơ làm cho sốt rét có thể quay trở lại.

Bệnh nhân là L.D.H (39 tuổi, trú tại huyện Ea Kar), làm việc tại Angola, khi trở về Việt Nam được 2 ngày thì có dấu hiệu sốt, rét run, vã mồ hôi. Nghĩ bị sốt siêu vi nên bệnh nhân tự đi truyền nước và tiêm thuốc ở một phòng khám tư nhân nhưng vẫn không có dấu hiệu hạ sốt.

Sau đó, ngày 25/3, anh H. đến tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium Falciparum thể thông thường có dấu hiệu cảnh báo sốt rét ác tính.

Theo điều tra dịch tễ, trước đó, anh H. cũng đã bị sốt rét 2 lần tại Angola và đã được điều trị khỏi bệnh.

Tại huyện Ea Kar, theo bà Nguyễn Thị Mỹ Vy, phụ trách Chương trình phòng, chống sốt rét Trung tâm Y tế huyện Ea Kar, cho biết trên địa bàn hiện có nhiều người dân đi làm ăn, sinh sống ở Angola.

Trường hợp sốt rét ngoại lai được ghi nhận vào tháng 11/2023 tại xã Xuân Phú và trường hợp ghi nhận vào tháng 3/2024 ở xã Ea Kmút, đều từ Angola trở về.

sot ret quay lai anh 1

Cán bộ CDC Đắk Lắk lấy máu xét nghiệm kịp thời đối với trường hợp về từ vùng sốt rét lưu hành hoặc nghi mắc sốt rét để ngăn chặn nguy cơ lây lan.

Để hạn chế bệnh sốt rét, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Ea Kar đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, huyện đã cấp phát 3.000 chiếc màn đôi, 800 chiếc võng tẩm hóa chất diệt muỗi cho người dân ở 2 xã có nguy cơ cao như Ea Sar và Ea Sô. Đồng thời, xét nghiệm máu cho 389 người nghi ngờ sốt rét và thường xuyên theo dõi, giám sát để nắm tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

“Thời gian tới, trên địa bàn huyện Ea Kar sẽ còn người lao động từ Angola về thăm quê nên mầm bệnh sốt rét ngoại lai có thể sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Nguy cơ sốt rét quay trở lại là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra với khả năng lây truyền tại chỗ từ ký sinh trùng sốt rét ngoại lai.

Do vậy, Trung tâm y tế cũng đã chỉ đạo cho cán bộ y tế, khi thu dung bệnh nhân điều trị các trường hợp sốt cần khai thác có yếu tố dịch tễ sốt rét nhằm phát hiện sớm, điều trị đúng. Đặc biệt, tăng cường quản lý người dân di biến động, người nhập cư trên địa bàn. Khi phát hiện bệnh nhân nghi ngờ sốt rét, ngành y tế sẽ kịp thời tiến hành giám sát, điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập dịch, không để lan rộng trên địa bàn”, cử nhân Vy chia sẻ.

Theo CDC Đắk Lắk, trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 9 trường hợp sốt rét. Trong đó, 3 trường hợp là sốt rét ngoại lai từ Angola trở về Việt Nam.

sot ret quay lai anh 2

CDC Đắk Lắk tổ chức truyền thông phòng chống bệnh sốt rét trong cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, CDC Đắk Lắk, sốt rét là bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây nên, bệnh do muỗi Anophen truyền từ người bệnh sang người lành.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt rét bao gồm các cơn sốt điển hình trải qua 3 giai đoạn: Rét run, sốt cao, vã mồ hôi. Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng đi kèm khác như: Nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa…

Đối với sốt rét ngoại lai, mầm bệnh sốt rét sẽ lây truyền bằng nhiều con đường khác nhau. Muỗi truyền bệnh sốt rét có cơ hội và điều kiện phục hồi phát triển hoạt động để truyền bệnh sau khi biện pháp tác động can thiệp diệt muỗi được thu hẹp dần. Nguy cơ sốt rét quay trở lại là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra với khả năng lây truyền tại chỗ từ ký sinh trùng sốt rét ngoại lai.

Nguyên nhân làm cho tình hình sốt rét không ổn định với những diễn biến bất thường đã được biết rõ từ thực trạng sốt rét ngoại lai nhưng giải pháp xử trí trên thực tế không phải là việc dễ dàng, đơn giản.

Vấn đề khó khăn hiện nay là làm thế nào để phát hiện, quản lý được bệnh nhân sốt rét ngoại lai nhằm có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời, không cho mầm bệnh có cơ hội và điều kiện lây lan ra tại địa phương qua trung gian muỗi truyền bệnh được phục hồi hoạt động hoặc muỗi không bị tiêu diệt bởi kháng hóa chất can thiệp.

Vấn đề sốt rét ngoại nhập cũng cần được quan tâm để phát hiện, quản lý và chủ động xử trí biện pháp can thiệp phù hợp. Những người nước ngoài hoặc Việt kiều ở nước ngoài đến từ các quốc gia có bệnh sốt rét lưu hành rất dễ có nguy cơ mang mầm bệnh xâm nhập vào nội địa để lây truyền tại chỗ qua trung gian của muỗi truyền bệnh có sẵn tại cơ sở, biến sốt rét có yếu tố ngoại nhập thành sốt rét nội địa.

Trường hợp này khác sốt rét ngoại lai với đặc điểm người trong nước đi ra nước ngoài có bệnh sốt rét lưu hành trong một thời gian hạn định bị lây nhiễm và mang mầm bệnh trở về.

Cũng theo khuyến cáo của ông Nguyễn Tuấn Anh, người mắc bệnh sốt rét có thể bị thiếu máu, da xanh, niêm mạc mắt nhợt, người gầy yếu. Sốt rét lâu ngày có thể làm cho lách to, phù nề do suy dinh dưỡng.

Phụ nữ có thai mắc sốt rét dễ sinh non, sảy thai, thai chết lưu. Trẻ em mắc sốt rét dễ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn. Người mắc sốt rét không được điều trị sẽ chuyển thành sốt rét ác tính và tử vong.

Bệnh sốt rét được chữa khỏi hoàn toàn nếu dùng đúng thuốc, đủ liều và không bị muỗi truyền bệnh đốt lại. Nếu người bệnh không uống thuốc đúng và đủ liều sẽ xuất hiện lại các triệu chứng bệnh sốt rét từ đó gây ra sốt rét kháng thuốc (nhờn thuốc).

Do đó, khi thấy các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt rét, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được lấy lam máu, thử test để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

“Thời gian ủ bệnh sốt rét trung bình 7-21 ngày. Sau thời gian ủ bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình như rét run, sốt, vã mồ hôi. Đối với những bệnh nhân sốt rét, nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thì trong vòng 3 ngày sẽ thuyên giảm và trong vòng 1 tuần, các chỉ số sẽ trở lại bình thường.

Hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa bệnh sốt rét. Phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất vẫn là ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh bằng việc phun hóa chất, tẩm màn bằng hóa chất để diệt muỗi, mắc màn mỗi khi đi ngủ, mặc áo dài tay, quần dài khi đi làm rừng, làm nương; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà, ông Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Có thể nói, để ngăn chặn sự lây lan của sốt rét và các loại bệnh truyền nhiễm khác, cần phải tăng cường hơn nữa công tác phòng chống và tuyên truyền giáo dục cộng đồng. Việc tiến hành các chiến dịch phòng chống muỗi và cung cấp kiến thức về cách phòng tránh bệnh tật là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe của mọi người.

Để con được ốm

Cuốn sách Để con được ốm giúp các bậc phụ huynh trang bị kiến thức trong việc chăm sóc trẻ một cách khoa học. Trong sách, tác giả chỉ ra những lầm tưởng của cha mẹ khi chăm sóc con. Đó có thể là những vấn đề phổ biến, trở thành thói quen thường nhật, song thực ra là lầm tưởng tai hại với các hiện tượng sức khỏe của trẻ như: Táo bón, tắm nắng, dùng kháng sinh, chảy mũi xanh…

Những vấn đề bệnh tật cụ thể trẻ thường gặp như ho, sốt, cảm lạnh… được nêu trong sách. Với mỗi bệnh thường gặp đó, sách phân tích nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị khoa học.

Em bé chào đời trong bọc điều hiếm gặp

Theo quan niệm dân gian, "đẻ bọc điều" được xem là điều may mắn, tốt lành và em bé sẽ được bảo vệ, che chở về sau.

Bảo Trọng

Sở Y tế Đắk Lắk

Bạn có thể quan tâm