Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lo rối vì điều chỉnh nguyện vọng

Việc cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi THPT quốc gia đang khiến nhiều trường lo lắng, đặc biệt là giải pháp kỹ thuật để chống ảo.

Một điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm nay là thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng, đăng ký nguyện vọng xét tuyển khi đăng ký dự thi và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi.

Điểm mới này dù được đánh giá có lợi cho thí sinh nhưng lại gây nhiều khó khăn, lo lắng cho các trường.

Nhiều nguyện vọng, dễ phân tâm

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo, ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng năm nay, khi thí sinh làm hồ sơ thi tốt nghiệp THPT cũng đồng thời đăng ký xét tuyển ĐH. Đây chưa phải là kết quả đăng ký cuối cùng vì thí sinh còn được điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết kết quả thi THPT quốc gia.

Sự thay đổi này thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh vì nếu như không cho điều chỉnh nguyện vọng thì quả là sự đánh đố, bởi kỳ thi năm nay có 2 bài thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Với cách thi mới này, thí sinh rất khó đoán điểm của mình. Với các trường ĐH, việc cho thí sinh đăng ký xét tuyển ngay khi đăng ký thi THPT quốc gia cũng giúp các trường nắm được thông tin số lượng thí sinh, ngành đăng ký xét tuyển.

Dieu chinh nguyen vong anh 1
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển vào ĐH Công nghệ TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.

 

TS Nguyễn Chí Thông, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng quy chế không giới hạn số nguyện vọng, đồng thời cho điều chỉnh giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường phù hợp. Bởi trước đây, khi đang làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia, chưa chắc các em đã có sự lựa chọn ngành nghề hợp lý.

Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm tuyển sinh ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, việc điều chỉnh nguyện vọng là cần thiết trong thời điểm hiện tại bởi các em chưa có thói quen tự chủ lựa chọn ngành nghề, chọn trường.

Việc lựa chọn giúp các em có cơ hội sửa sai. Việc chọn trước và cho điều chỉnh cũng giúp thí sinh có thời gian xem xét và điều chỉnh ngành nghề.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn. PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng có quá nhiều nguyện vọng cũng không phải tốt đối với thí sinh bởi các em sẽ phân tâm.

Thêm vào đó, việc cho các em thay đổi nguyện vọng trong thời gian ngắn cũng không chắc chắn sẽ có quyết định đúng đắn.

Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, thí sinh cần có sự lựa chọn thông minh để không bị rối khi có kết quả điểm thi THPT quốc gia. Không nên ghi quá nhiều lựa chọn trong phiếu đăng ký để không bị rối khi có kết quả và chuẩn bị xét tuyển.

Thí sinh nên lựa chọn các ngành theo nhóm ngành phù hợp và chọn không quá 3 trường theo điều kiện điểm trúng tuyển của mình và điều kiện kinh tế của gia đình.

Lo phần mềm xét tuyển chung

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng thay vì sau khi có kết quả thi THPT quốc gia mới cho thí sinh đăng ký xét tuyển như 2 năm trước thì nay thí sinh đăng ký ngay từ đầu. Việc này giúp các trường nắm trước được lượng thí sinh.

Sau khi có kết quả thi, thí sinh có thể điều chỉnh nhưng cũng không nhiều, chừng vài chục phần trăm nên tính chủ động của người quản lý dữ liệu cao hơn.

Khi có kết quả thi, bộ cũng cần công bố phổ điểm để thí sinh điều chỉnh sẽ phù hợp hơn. Điều cần lưu ý là bộ phải chuẩn bị tốt hạ tầng để không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, trục trặc.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đức Minh lại nhận xét dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển khi làm hồ sơ thi THPT quốc gia thực ra không có giá trị gì vì khi có kết quả thi, thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng nên dữ liệu thay đổi.

Điều khiến các trường đang lo lắng lúc này là không biết sau khi có kết quả thi, Bộ GD&ĐT sẽ cung cấp dữ liệu gì để các trường sử dụng cho mục đích xét tuyển.

Bên cạnh đó, vì có quá nhiều nguyện vọng nên tính ảo sẽ rất cao, không rõ phần mềm xét tuyển của bộ có bảo đảm trong khi chỉ cần một sự thay đổi nhỏ của một trường là ảnh hưởng đến toàn hệ thống.

Theo TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng đào tạo ĐH Sài Gòn, thí sinh có nhiều nguyện vọng ảo cao thì cần giải pháp kỹ thuật tốt từ Bộ GD&ĐT. Nếu không, việc xét tuyển sẽ vô cùng phức tạp.

Thí sinh không sử dụng hết các nguyện vọng

Việc không giới hạn các nguyện vọng là không cần thiết. Thực tế, nhiều em không sử dụng hết những nguyện vọng tối đa.

http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lo-roi-vi-dieu-chinh-nguyen-vong-20170216221138912.htm

Theo Huy Lân / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm