Cụ thể, nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội về thông tin công bố trên website chính thức của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Theo đó, từ ngày 1/1 đến 11/4, cơ sở này tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho hơn 50 học viên các ngành Nhân học, Khảo cổ học, Tâm lý học, Ngôn ngữ học...
Trên mạng xã hội, có người làm phép tính cơ học và đưa ra kết quả: Trung bình một tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ. Nếu tính ngày làm việc, chỉ 1 ngày một tiếng, 15 phút, cơ sở này cho “ra lò” một tiến sĩ.
Không chỉ bất ngờ với tốc độ “sản xuất” của “lò tiến sĩ” này, người dùng Facebook còn bàn tán về những đề tài được cho rằng chưa xứng tầm với luận án tiến sĩ, như: Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã, Câu bị động trong Tiếng Anh và các phương thức dịch sang Tiếng Việt, Hành vi nịnh trong tiếng Việt, Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm, Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề...
Chia sẻ trên mạng xã hội về "lò sản xuất" tiến sĩ với những đề tài khiến cư dân mạng thắc mắc. Ảnh cắt màn hình. |
Trả lời VietNamNet, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: “Đó là do quan niệm của mọi người. Nhiều người nghĩ rằng luận án tiến sĩ làm về những thứ cao siêu, trên trời chứ không mang hơi thở cuộc sống. Hiện nay, luận án tiến sĩ đã đi vào với những đề thiết thực với cuộc sống như vậy, thì lại có ý kiến này khác…
Cũng theo ông Thắng, đây là đợt bảo vệ tiến sĩ của 44 mã ngành. Sau 3 năm làm luận án, các nghiên cứu sinh đến hạn bảo vệ. Mỗi mã ngành chỉ có 1, 2 luận án được bảo vệ, có ngành không có người nào.
Nói về quy trình đào tạo, ông Thắng cho hay, thời gian đào tạo từ 3 – 4 năm. Sau khi thông qua đề cương, học viên học các môn bổ trợ để hoàn chỉnh khung chương trình, rồi phải bảo vệ 3 chuyên đề cấp cơ sở, hoàn thành luận án, bảo vệ cấp cơ sở. Sau khi nhận được ý kiến từ hội đồng, học viên phải sửa chữa, hoàn chỉnh theo yêu cầu của rồi mới bảo vệ chính thức.
Chiều 21/47, trao đổi với báo chí về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Việc xác định chỉ tiêu, quy trình tổ chức đào tạo, bảo vệ luận án tiến sĩ phải tuân thủ đúng các qui định hiện hành.
Theo bà Phụng, Học viện Khoa học Xã hội là sự hợp thành của 17 viện nghiên cứu, đội ngũ tiến sĩ gồm 380 người, trên 170 giáo sư và phó giáo sư. Chỉ tiêu đào tạo xác định theo quy định hiện hành là 1 tiến sĩ có thể hướng dẫn cùng lúc 3 nghiên cứu sinh, 1 phó giáo sư hướng dẫn cùng lúc 5 nghiên cứu sinh và 1 giáo sư hướng dẫn cùng lúc 7 nghiên cứu sinh, thì năng lực đào tạo của học viện hoàn toàn đáp ứng được.
Còn về các đề tài nghiên cứu, bà Phụng cho hay, không phải nhà chuyên môn nên không thể nói được có cần thiết hay không.
“Tất cả những bình luận trên mạng xã hội, tôi tin rằng đó là cảm nhận của bất cứ thành viên nào trong xã hội, còn không phải đánh giá chuyên môn. Còn khi nói đến chất lượng thì phải căn cứ đánh giá chuyên môn, không căn cứ vào xã hội nhìn nhận thế nào.
Xã hội nhìn nhận thế nào có thể cũng quan trọng nhưng quan trọng ở việc khác. Không phải xã hội phản đối đề tài đó mà không nghiên cứu, nếu cần vẫn phải nghiên cứu và phải làm sao để xã hội hiểu nó cần thiết như thế nào” – bà Phụng khẳng định. Do đó, các cơ sở đào tạo khi đưa thông tin lên mạng phải viết kỹ mục đích của đề tài.
Cũng theo bà Phụng, hàng năm, Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xác định chỉ tiêu và báo cáo Bộ GD&ĐT theo quy định. Từ năm 2012 đến nay, Bộ đều tổ chức thẩm định với tỷ lệ gần 10%, theo xác xuất, ưu tiên chọn những đề tài có nhiều ý kiến phản biện khác nhau, đề tài sớm hoặc muộn quá, đề tài giống đề tài đã bảo vệ của cơ sở khác…
Học viện Khoa học xã hội được thành lập theo Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 10/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ, là cơ sở giáo dục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Học viện có chức năng và nhiệm vụ chính: Đào tạo và cấp văn bằng thạc sĩ và tiến sĩ về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật; quản lý thống nhất các hoạt động đào tạo sau đại học của các cơ sở đào tạo thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Nghiên cứu khoa học; bồi dưỡng chuyên môn về khoa học xã hội, nhân văn cho cán bộ, công chức, viên chức; Tư vấn về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.