Nhiều phụ huynh đầu tư cho con học thêm nhiều môn, tốn kém hơn học ở trường. Ảnh: Pexels. |
"Con tôi có học thêm chứ, thời buổi này hiếm nhà nào không cho con học thêm lắm. Con học thì mình tốn tiền, nhưng con không học thì ảnh hưởng cả tương lai của con”.
Đây là điều mà chị P.L., phụ huynh ở Hà Nội, trả lời khi được hỏi về việc có cho con đi học thêm hay không. Người mẹ nói rằng không chỉ đầu tư cho con học các môn quan trọng phục vụ thi cử như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, chị còn cho con tham gia các khóa học mang tính kỹ năng như cầu lông và digital art (nghệ thuật số).
Nỗi sợ vô hình khi không cho con học thêm
Gia đình chị L. có hai con, con lớn đang học lớp 10 và con út mới học lớp 2. Người mẹ nói con út đang ở độ tuổi tiểu học nên gia đình chưa cho học thêm nhiều, chỉ tham gia học Tiếng Anh ở trung tâm, nhưng con lớn phải học nhiều hơn vì càng lên bậc học cao, áp lực cạnh tranh lại càng lớn.
Dù mới học lớp 10, con chị L. đã xác định được trường và ngành học đại học mong muốn nên em chủ động đề nghị với bố mẹ tham gia lớp học thêm để trau dồi nhiều hơn. Nếu chỉ học kiến thức trên lớp, con chị L. e rằng bản thân không đủ “mạnh” để tranh suất vào đại học.
“Hiện tại, con mới học thêm Toán, Văn, Tiếng Anh. Toán và Văn mỗi tuần 2 buổi còn Tiếng Anh thì con học IELTS, mỗi tuần 3 buổi. Con cũng từng nói với tôi là có thể khi lên lớp 11, con sẽ bắt đầu học thêm SAT và luyện thi đánh giá năng lực”, chị L. nói.
Còn về việc học digital art, chị L. cho biết việc tham gia khóa học này cũng bắt nguồn từ nguyện vọng và sở thích của con. Hiện, con chị theo học tại một trung tâm chuyên đào tạo cho trẻ dưới 17 tuổi, mỗi tuần chỉ học 2 buổi trong thời gian 1,5 giờ.
Dù con mới ở độ tuổi tiểu học, nhiều gia đình đã cho con học thêm. Ảnh minh họa: Pexels. |
Chị Giang Q. (phụ huynh tại Hà Nội) cũng giống chị L., có hai con đang ở độ tuổi đi học là lớp 6 và lớp 9. Chị kể hiện tại, con trai lớn đang học 5 buổi học thêm mỗi tuần với 3 môn Toán, Lý, Văn. Trước đó, chị cũng cho con học thêm Tiếng Anh nhưng đã nghỉ vì sợ con căng thẳng.
Trong khi đó, con gái thứ hai học ít hơn, chỉ một buổi Tiếng Anh, một buổi Toán và 2 buổi học nhảy.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Q. cho biết hai con chị không học kém, lực học tốt nhưng muốn thi chuyển cấp được vào trường tốt, các con buộc phải học thêm bởi không phải học sinh nào cũng đủ giỏi để tự học và tự tổng hợp kiến thức ôn luyện chỉ sau những giờ học ít ỏi trên lớp.
Chị Q. lấy ví dụ với con trai cả. Hiện tại, mục tiêu của con là thi vào trường THPT chuyên. Nếu chỉ học trên lớp, kiến thức chỉ đảm bảo ở mức cơ bản, xét trong đề thi vào trường chuyên chỉ chiếm khoảng 50%.
Trong khi đó, khi học thêm, con được bổ trợ kiến thức nâng cao, được rèn luyện với nhiều dạng đề mà học ở trường không có. Nếu không đi học, chị sợ con sẽ không cạnh tranh được để vào trường tốt, lớp tốt.
Chị Q. đánh giá lịch học thêm của con như vậy có phần hơi căng thẳng nhưng phải chấp nhận cố gắng để có kết quả tốt.
“Tất nhiên vẫn phải tôn trọng, dựa trên ý kiến của con. Tôi vẫn cố gắng cân bằng để con có thời gian nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa”, chị Q. nói.
Trong khi đó, chị Hoài Linh (phụ huynh có hai con tại Hà Nội) lại lo ngại con không theo được, sợ con học chậm hơn các bạn nếu không đi học thêm.
Chị Linh kể với con gái lớn đang học lớp 6, ngoài học chính và 3 buổi học bổ trợ trên trường, chị đăng ký cho con học thêm 5 buổi/tuần với ba môn Văn, Toán, Tiếng Nhật.
Con chuyển cấp học mới, chương trình học thay đổi, nhiều môn học mới cũng như phương thức học và thi khác nhau, chị cảm nhận con đang “hụt hơi” so với các bạn.
“Ví dụ, cấp 2 con học lớp Tiếng Nhật, bây giờ con mới bắt đầu học nhưng nhiều bạn trong lớp đã học từ tiểu học. Đầu vào chênh lệch nên tôi sợ con không theo kịp, thi điểm kém, dần dần có thể mất động lực học. Ngoài ra, tôi cũng muốn chuẩn bị đường dài cho con nếu sau này muốn thi vào trường THPT chất lượng”, chị Linh lo lắng.
Trong khi đó, với con thứ hai đang học lớp 1, chị Linh chỉ cho học thêm Tiếng Anh tại trung tâm và một buổi học bổ trợ các môn văn hóa để con được rèn luyện nâng cao và luyện viết đẹp hơn.
Tiền học thêm nhiều hơn học chính
Với gần chục buổi học thêm mỗi tuần của hai con, hiện tại hàng tháng, chị Giang Q. chi thêm hơn 10 triệu đồng học phí ngoài tiền học chính khóa. Chị kể năm nay con chuẩn bị chuyển cấp nên tiền học thêm cũng nhiều hơn, bố mẹ phải cố gắng hơn, sắp xếp chi tiêu để đảm bảo đủ chi phí.
Trong khi đó, chị Hoài Linh dành khoảng 12 triệu đồng/tháng cho hai con học thêm. Có lần thống kê lại, chị “sốc vì nhiều quá”. Tính cả tiền học chính khóa, hai vợ chồng chị phải dành riêng thu nhập của một người để đóng học phí cho con. Tuy vậy, chị Linh cho rằng con số này vẫn ít bởi nhiều gia đình còn đầu tư nhiều hơn với những lớp học chất lượng hơn.
Ngoài học phí, các gia đình tốn thêm khoản đưa đón con đi học thêm. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Chi phí học thêm đắt đỏ nhưng cả hai phụ huynh đều cho rằng đây là khoản chi tự nguyện của gia đình để đầu tư cho tương lai của con.
“Trước khi đăng ký học, phụ huynh đều biết trước kinh phí, đồng ý thì cho con học, không ai ép buộc cả. Để được học, các con cũng phải thi chứ không phải cứ có tiền là học được”, chị Q. cho biết.
Ngoài học phí, theo chị Q., các gia đình cũng phải đầu tư thêm cả thời gian, công sức đưa đón con. Ví dụ như nhà chị, hàng ngày hai vợ chồng đều phải sắp xếp đưa đón, chờ đợi con đi học. Cả tuần, gia đình chị chỉ có 2 buổi tối là ăn cơm cùng nhau để con đảm bảo lịch học.
Chị L. không tiết lộ số tiền mà gia đình chị đã chi cho việc học của con, chỉ nói là "khá lớn" vì con học nhiều, một số khóa học về IELTS hay digital art cũng đắt hơn so với việc học các môn văn hóa quen thuộc. Dù tốn kém, chị và chồng vẫn cố gắng gồng gánh để không làm gián đoạn việc học của con.
Khác với một số gia đình còn phải tốn thêm một khoản tiền đưa đón con đi học, gia đình chị L. bớt được khoản tiền này vì con cả đã lớn, có thể tự đến trường bằng xe đạp điện. Còn với con út, rất may gia đình chị sống cùng ông nội nên ông nội phụ trách đưa đón cháu đi học mỗi ngày.
“Con học thêm tốn kém là điều dễ hiểu. Bây giờ học thêm ở quê cũng lên đến 50.000-70.000 đồng/buổi rồi, ở thành phố lớn như Hà Nội sẽ còn đắt hơn. Tốn thì tốn, chúng tôi vẫn muốn đầu tư cho con học vì không muốn con thua thiệt bạn bè. Hơn nữa, việc học cũng tốt cho tương lai của con, để con sau này đi học, đi làm đỡ chật vật”, chị L. chia sẻ.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.