Phụ huynh lo con em sẽ áp lực nên phải chờ các Sở GD&ĐT bốc thăm chọn môn thi. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Mới đây, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT trong đó có việc góp ý cho phương án thi tuyển lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo dự thảo, Bộ GD&ĐT đưa ra hai phương án xét tuyển hoặc thi tuyển. Nếu xét tuyển, các địa phương căn cứ vào học bạ THCS.
Trường hợp thi tuyển, kỳ thi diễn ra với 3 môn, gồm Toán, Văn và một môn được bốc thăm ngẫu nhiên trong các môn cho điểm, thuộc chương trình mới. Môn thứ 2 sẽ được công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Những học sinh thi trường chuyên sẽ thi thêm môn chuyên tương ứng.
Phụ huynh phản đối
Có con đang học lớp 9, chị Nguyễn Hải (sống tại Hà Nội) sốt ruột khi nghe tin Bộ GD&ĐT đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10.
Chị Hải cho hay dù là đề xuất, hai mẹ con chị vẫn “lo lắng, đứng ngồi không yên". Sức học của con chỉ ở mức vừa phải, dù không bỏ bê, vẫn học đều, song vẫn có môn con yếu hơn như Vật lý.
“Nếu chẳng may bốc thăm trúng môn Khoa học Tự nhiên, bao gồm Lý, Hóa, Sinh, con ‘vắt chân lên cổ' cũng không kịp ôn. Như vậy rất bất lợi", chị Hải nói.
Chung quan điểm, chị Giang Quỳnh nhìn nhận quá trình học của trẻ là lâu dài, trong khi đó, bốc thăm môn thi lại rất may rủi. Nếu chẳng may bốc thăm trúng môn tổ hợp, chị Quỳnh cho rằng rất ít học sinh nào học tốt toàn diện các môn, dù có giỏi đều thì cũng có môn thế mạnh hơn các môn còn lại.
“Các thầy cô dạy học cũng chỉ dạy được một môn, người lớn đi làm cũng cần chuyên môn hóa, cớ sao lại bắt trẻ giỏi toàn diện", chị Quỳnh nói.
Phụ huynh cũng nhắc đến việc năm nay là năm đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, có nhiều điểm mới hơn các kỳ thi trước. Ví dụ, với môn Ngữ văn, đề thi rất mở, ngữ liệu có thể không nằm trong sách giáo khoa, trong khi đó, đề Toán thay đổi cấu trúc, để thi tốt, các con phải học mở rộng rất nhiều.
Nếu bốc thăm môn thi, học sinh sẽ tăng thêm áp lực, căng thẳng. Không những thế, tình trạng học thêm, dạy thêm cũng gia tăng nếu không biết môn thứ 3 là môn gì.
Chị Quỳnh kể hiện tại, ngoài học 2 buổi/ngày trên trường, con chị kín lịch học thêm buổi tối và cuối tuần, chỉ được nghỉ một buổi.
“Con thi vào trường chuyên, nên phải cố gắng hơn. Do không rõ có thi môn Tiếng Anh không, mới đây, tôi cho con nghỉ học thêm môn này, chờ phương án của Bộ GD&ĐT", chị Quỳnh chia sẻ.
Chị Nguyễn Hà, phụ huynh tại Hà Nội, cho biết chị không đến mức sốc hay bất ngờ như các phụ huynh khác, nhưng chị cảm thấy khá thất vọng nếu bộ thực sự “chốt” kế hoạch này.
Là phụ huynh có hai con đang học THCS (con lớn học lớp 9 và con út học lớp 7), chị Hà cho rằng việc bốc thăm ngẫu nhiên để chọn môn thi thứ ba vào lớp 10 là điều không nên vì có thể khiến trẻ thấp thỏm, căng thẳng.
Người mẹ phân tích để thi lên lớp 10, trẻ phải dành rất nhiều năm học và ôn tập mới có đủ kiến thức. Với những em muốn vào trường tốp đầu, áp lực ôn thi lại càng căng thẳng hơn.
Nếu Bộ GD&ĐT có ý định "chốt" môn thi thứ ba trước ngày 31/3 hàng năm, người mẹ lo rằng trẻ sẽ không kịp chạy đua với thời gian để ôn tập vì chỉ còn lại 2 tháng. Điều này vô hình trung cũng tạo ra áp lực cho trẻ, thậm chí bị ảnh hưởng tâm lý học hành.
“Tôi lấy ví dụ, con tôi được học thêm 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh ngay từ khi lên lớp 6 để có nền tảng vững chắc, phục vụ cho việc thi cấp 3. Nếu giả sử năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội bốc thăm ra môn thi khác không phải Tiếng Anh, vậy thì công sức con tôi ôn thi môn Tiếng Anh lại không thể dùng cho việc thi vào lớp 10”, chị Hà nêu quan điểm.
Phụ huynh mong chốt môn thi lớp 10 từ sớm để con yên tâm ôn luyện. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn. |
Nên chốt chọn môn từ sớm
Từ những quan điểm trên, chị Nguyễn Hà cho rằng thay vì bốc thăm theo kiểu “may rủi”, các địa phương nên chốt môn thi ngay từ đầu, ít nhất cũng nên chốt từ đầu năm lớp 9 để trẻ có đủ thời gian ôn thi và trau dồi kiến thức.
Người mẹ cũng đề cập đến việc thi lớp 10 tại TP.HCM, từ trước đến nay vẫn luôn cố định 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ nên trẻ có thể xác định mục tiêu học tập ngay từ đầu mà không phải thấp thỏm đoán môn thi thứ 3. Với chị Hà, đó là phương án thi cử thiết thực và được lòng phụ huynh nhất.
Ngoài ra, vị phụ huynh đề xuất thêm một phương án mới là chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn. Theo chị, cách làm này có thể tiết kiệm nguồn lực, đồng thời giảm áp lực cho học sinh, không gây ra tình trạng mất cân đối giữa khối tự nhiên và khối xã hội.
“Cứ đổi mới phương án liên tục sẽ rất phiền phức, muốn đổi cũng nên báo trước ít nhất 2 năm để trẻ thay đổi phương hướng học tập và chuẩn bị tinh thần. Thay đổi nhanh chóng không mang lại hiệu quả, ngược lại chỉ khiến con em chúng ta mệt mỏi”, chị Hà đề xuất.
Trong khi đó, chị Giang Quỳnh đề xuất kỳ thi lớp 10 nên giữ ổn định với ba môn thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh bởi đây là các môn nền tảng. Chị cũng cho rằng ngoài 2 môn thi cố định, để học sinh tự lựa chọn môn thi thứ 3 phù hợp với năng lực bản thân cũng là phương án hay. Điều này cũng giúp học sinh định hướng sớm, chọn đúng tổ hợp môn học lựa chọn khi trúng tuyển vào lớp 10.
"Tuy nhiên, phương án này cũng có thể làm tăng áp lực cho cơ quan quản lý trong quá trình tổ chức", vị phụ huynh nói.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.