Bộ GD&ĐT lấy ý kiến bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10. Ảnh: Phương Lâm. |
Bộ GD&ĐT đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế Thông tư số 11 năm 2014.
Bộ GD&ĐT vừa đề nghị các Sở GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến từ các cơ sở giáo dục phổ thông đối với một số nội dung liên quan.
Về phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra phương án xét tuyển và thi tuyển.
Trong đó, căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh. Nếu học sinh lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Về thi tuyển, phương án đưa ra lấy ý kiến của các nhà trường, Sở GD&ĐT là sẽ tổ chức thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi thứ ba do Sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Như vậy, các môn còn lại cụ thể là: Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Hoá học, Vật lý, Sinh học), Lịch sử - Địa lý, Tin học, Công nghệ…
Thời lượng dành cho các môn thi cũng được quy định cụ thể đó là môn Ngữ văn, thí sinh làm bài 120 phút; môn Toán 90 phút; môn thi còn lại không quá 90 phút; môn thi chuyên 150 phút.
Thành phần tổ chức bốc thăm gồm lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc sở, thanh tra và các thành phần có liên quan khác do sở mời. Biên bản bốc thăm phải có chữ ký của các thành viên tham gia.
Môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Đối với việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên, mỗi môn chuyên có thêm một môn thi chuyên.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9.
Mỗi môn thi chuyên được thi bằng một đề thi riêng theo chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Tuy nhiên, đề thi đối với môn chuyên phải bảo đảm lựa chọn được những học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 thi tuyển lớp 10 THPT theo chương trình GDPT 2018. Trước đây, đa số tỉnh, thành phố tổ chức kỳ thi tuyển sinh này với 3 bài thi gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ. Tuy nhiên, chương trình mới có thể có những thay đổi đáng kể.
Thời điểm này, các nhà trường, phụ huynh, học sinh lớp 9 mong ngóng phương án thi sớm được công bố để có kế hoạch học tập. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn đang lấy ý kiến các địa phương.
Về động thái chuẩn bị cho kỳ thi vượt cấp có tính chất quan trọng, đến thời điểm này, mới chỉ Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở GD&ĐT TP.HCM công bố cấu trúc, định dạng đề thi các môn.
Trong đó, TP.HCM chỉ xây dựng cấu trúc đề thi 3 môn (Toán, Văn, Ngoại ngữ); Hà Nội xây dựng thêm đề minh họa của cả các môn tích hợp là Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý.
Ngoài ra, hồi tháng 8, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt phương án tuyển sinh lớp 10 năm 2025-2026, trong đó Sở GD&ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi tuyển sinh với 3 bài thi Toán, Văn, Ngoại ngữ và kết hợp với việc xét học bạ bậc THCS của học sinh.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.