Lô tô lấy cảm hứng từ bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm. Tôi ban đầu vốn nghi ngờ, cũng hài lòng khi xem được một phiên bản điện ảnh, vừa tôn vinh được tác phẩm gốc, vừa là một tác phẩm riêng biệt, có máu thịt.
Một bộ phim điện ảnh Việt về những thân phận người mà lâu lắm tôi mới được xem. Với tôi, đây là một nỗ lực vượt thoát thành công của điện ảnh Việt.
Cần phải nhắc lại một chút về phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, tác phẩm mà Lô tô lấy cảm hứng. Bộ phim tài liệu đó, với tôi là một road-movie được thực hiện bằng phong cách kể chuyện tài liệu trực tiếp.
Bộ phim mô tả một xã hội thu nhỏ của gánh lô tô với 35 con người, đa phần là người đồng tính, những “bóng lộ” dưới sự dẫn dắt của chị Phụng, một người phụ nữ lớn tuổi vẫn mang cái xác đàn ông, lang bạt qua những tỉnh nghèo của miền Trung trôi dạt về tận miền Tây.
Bộ phim diễn tả sống động và chân thực cái xã hội thu nhỏ, cái cộng đồng trôi dạt đó. Những bộ xống áo xanh đỏ, kim sa hột lựu rẻ tiền, những phấn son vụng về lên mặt, những cái vú độn silicon hay đang bơm dở đều khiến ta thấy cảm thông. Cảm thông mà không bi lụy, bởi thấy phần nào họ đang được sống với giấc mơ của mình, được là mình.
Lô Tô là phim Việt thành công trong nỗ lực vượt thoát. |
Vai diễn để đời của Hữu Châu
Trong Lô tô, đoạn dẫn chuyện đầu phim của Lệ Liễu, cái giọng đọc trầm tĩnh, khoan thai của “dì” - qua đài từ của Hữu Châu - dẫn dắt người xem vào hành trình của Đực, một gã trai sinh ra với khao khát được làm con gái.
Đực bị người cha hành hạ đánh đập vì cho anh ta là bệnh hoạn, biến thái, bị ép gã với một đám cưới với hy vọng Đực sẽ chữa hết bệnh. Nhưng Đực chỉ có một giấc mơ duy nhất. “Giấc mơ chết là cuộc đời cũng hết”, vì thế mà Đực vượt thoát khỏi làng, chạy theo ánh đèn xanh đỏ của gánh Lô tô, cho dù từ năm 17 tuổi, anh ta biết “từ đây tôi chỉ biết làm bạn với chiếc bóng của mình”.
Đoạn dẫn chuyện được kể nhanh nhưng kịp đọng lại vài chi tiết đắt giá. Một cú máy đặc tả Đực với môi son và giấc mơ làm con gái nhưng bị giết chết bởi sự bạo hành của người cha và những lời đay nghiến của bà dì ghẻ.
Một cú travelling dài đặc tả ánh mắt của con bò rồi lia sang Đực, đang bị bố trói tay lên cao và đánh đập; sau đó ông bắt Đực phải dùng búa đánh chết con bò để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông của mình. Một cú máy toàn lia theo những bước chạy sấp ngửa trên cánh đồng của Đực sau đêm tân hôn phải mượn rượu và nước mắt để hoàn thành nghĩa vụ, rồi anh ta thấy gánh lô tô sáng rực đèn bên kia sông.
Từ ánh nhìn của Đực, chúng ta biết từ đây anh ta đã tìm được nơi chốn để sống giấc mơ của mình. Và cũng từ đây, anh ta sẽ phải sống kiếp người trôi nổi. Nước và những cảnh đêm được sử dụng rất nhiều trong phim, tôi nghĩ đấy là sự lựa chọn có chủ ý của đạo diễn để xây dựng thân phận của những kẻ trôi dạt, những người “pê đê bóng gió” bên lề xã hội.
Gánh lô tô Phù Hoa cưu mang Đực và đặt cho anh ta một danh phận để núp bóng cả đời - Lệ Liễu. Cho đến khi Lệ Liễu trở thành nữ hoàng Bolero và tiếp quản gánh lô tô sau khi ông chủ Lê Minh qua đời là cả một chuỗi hành trình làm người gian khó.
NSƯT Hữu Châu có vai diễn để đời. |
Cái lúng liếng đưa mắt khi nhìn bức hình ông bầu cũ, dáng ngồi xổm thất thần trên đất khi gánh lô tô bị đốt cháy, sự rắn rỏi quyết liệt khi sắp xếp lại trật tự trong đoàn, cái mấp máy môi và mắt đánh sang hướng khác để cố nén cảm xúc khi các thành viên trong đoàn “hụ hạp” tiền sau đám cháy, vị thế người quán xuyến tất cả nhưng vẫn e ấp đặt tay mình vào tay gã trai trẻ đang cáu gắt...
Tất cả những chi tiết, những tình huống tâm lý của Lệ Liễu đều được nghệ sĩ Hữu Châu hóa thân một cách tài tình và xuất sắc. Lâu lắm rồi tôi mới thấy một vai diễn đầy đặn và diễn xuất tinh tế đến thế trên màn ảnh Việt. Lối diễn xuất hoàn hảo đó, ánh mắt đó, cái cách nhã thoại đó luôn giúp anh làm chủ khuôn hình mỗi khi xuất hiện.
Ở Lệ Liễu, chúng ta thấy sự cương đó mà nhu đó, rắn đó mà mềm đó, dịu dàng lúng liếng e thẹn đó mà cũng quyết liệt dữ dội sống mái đến cùng đó khi bị dồn vào chân tường và bị chà đạp nhân phẩm đó. Và tôi có thể tự tin nói rằng Lệ Liễu của Hữu Châu là một trong những nhân vật và vai diễn hay nhất của điện ảnh Việt.
Đó là một vai diễn để đời, có thể so sánh với Lê Vân trong Bao giờ cho đến tháng Mười hay Chị Dậu, với Minh Châu trong Cô gái trên sông, với Mai Hoa và Hồng Ánh trong Đời cát...
Diễn viên đó làm nên vai diễn đó. Và nhờ nhân vật đó mà diễn viên thăng hoa. Đó cũng là những nhân vật mà tôi thấy được cả một tâm hồn của người Việt Nam.
Những diễn viên phụ ăn vai
Nhưng không chỉ Hữu Châu tỏa sáng, Lô tô còn có một dàn diễn viên phụ “ăn vai”. Tôi luôn tin điện ảnh Việt luôn có nhiều diễn viên giỏi, nhưng quan trọng là họ phải tìm được những kịch bản tốt, đạo diễn có tài, có tầm để cho họ được sống với nhân vật đó.
Khi xây dựng những nhân vật đồng tính, đặc biệt là những người “bóng lộ”, phim Việt dễ rơi vào phản cảm với những màn lố lăng, chọc cười của nhân vật. Nhưng điều đó không xảy ra. Hai vai phụ đáng nhớ nhất là Minh Dũng với vai Lệ Tú Nhàn và Hải Triều với Lệ Sa Sa.
Minh Dũng, một diễn viên sân khấu kịch gần như sống trong vai diễn Lệ Tú Nhàn: ồn ào, đốp chát, đồng bóng và thích giỡn hớt. Hải Triều vào vai rất ngọt cái vẻ dịu dàng đằm thắm. Họ, cùng với những thành viên trong cái gánh Lô tô đó, luôn nghĩ đến người khác, luôn nghĩ đến cái chung.
Họ, những thân phận trôi dạt bấp bênh đó, lại mang đến cho người xem một cái tình, sự nghĩa khí của những con người sống trong một cộng đồng nhỏ bé với nhiều phấp phỏng lo toan.
Dàn diễn viên phụ, đặc biệt là Hải Triều và Minh Dũng, cũng kịp tỏa sáng. |
Lô tô còn là một bộ phim điện ảnh nhất mà tôi được xem gần đây, với sự dụng công về bối cảnh, về trang phục, hóa trang và đặc biệt là quay phim. Sử dụng nhiều kỹ thuật quay phim, từ travelling, chuyển động zoom, panorama, những cú đặc tả cận cảnh... và đều cho thấy ý đồ rõ nét.
Chỉ cần vài phút, những cú lia máy và kỹ thuật cắt dựng chuyển cảnh nhanh hiện lên sự sinh động nhộn nhạo vui mắt của một gánh lô tô ở đoạn dẫn chuyện đầu phim. Sự mô tả sinh động và có phần phù hoa của gánh lô tô ở đoạn đầu như là một giấc mơ của Đực.
Nhưng cũng với những cú lia máy và cắt dựng nhanh đó, đã mô tả thành công sự gấp gáp của đoàn lô tô khi thu dọn, dẹp gánh để di chuyển trong đêm trước sự tấn công của đám du côn. Máy quay cầm tay được sử dụng tạo nên sự chao đảo, nghiêng ngã của khung hình, thể hiện nỗi sợ hãi bao trùm.
Góc máy của DOP Lê Hoàng Hữu Nam còn cho thấy sự tìm tòi giàu chất điện ảnh khác, nhưng tôi nghĩ phải từ ý đồ có sẵn của đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn. Một cú máy từ trên cao mô tả cảnh Lệ Liễu đi tìm Thương ở bến xe, chiếc xe buýt tách đôi màn hình, tách hai nhân vật ra hai hướng.
Một cú travelling dài khác, tạo nên một tam giác điểm nhìn giữa ba nhân vật diễn tả ba tâm trạng khác nhau: nụ cười sáng bừng có chút e thẹn của Thương khi bắt gặp cái nhìn của Quân, gã trai cũng đang đê mê trong cái tình mới chớm, rồi lia nhanh về góc tam giác, nơi Lệ Liễu chứng kiến cả hai cái nhìn ấy, giữa sự nhộn nhạo của gánh lô tô. Một cảnh dài đã đặc tả được ba trạng thái và dự báo cả điều chẳng lành sắp diễn ra.
Tôi khá ngạc nhiên khi ở ngay bộ phim đầu tay, đạo diễn trẻ Huỳnh Tuấn Anh đã cho thấy không chỉ khả năng làm chủ đạo diễn của mình, mà còn là sự phối hợp nhịp nhàng với các ê kíp khác trong đoàn phim để làm nên một bộ phim chỉn chu.
Vắt kiệt để tạo một tác phẩm hay
Đạo diễn người Pháp Claude Miller có một chia sẻ rất thú vị về nghề đạo diễn: “Tôi hút máu hút mủ tất cả mọi người: tác giả tiểu thuyết, quay phim, diễn viên, kỹ thuật viên... Tôi vắt kiệt mỗi người để họ đem đến cho tôi cái tốt nhất trong tài năng của mình”.
Xem Lô tô, tôi cũng thấy được sự “vắt kiệt”, “hút máu hút mủ” người khác của các thành viên trong đoàn làm phim để làm ra một phiên bản khá hoàn chỉnh cuối cùng ký tên đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh.
Tất nhiên, bộ phim không phải không có những điểm yếu về kịch bản (nhân vật tay trùm bệnh hoạn của diễn viên Lê Bình vừa thiếu vừa thừa), diễn xuất đôi chỗ vẫn còn kiểu tấu hài sân khấu và hơi ồn ào (diễn xuất của Huỳnh Lập), quay phim đôi chỗ lạm dụng về travelling và những khuôn hình flycam cũ kỹ sáo mòn...
Nhưng những điểm hạn chế đó không làm tôi khó chịu, không phá vỡ tổng thể, không làm nhịp phim bị vỡ. Điều khiến tôi hơi hụt hẫng duy nhất là cái kết hơi nhẹ, thiếu sự dụng công về góc máy. Trong bộ phim tài liệu của Nguyễn Thị Thắm, cảnh đáng nhớ nhất ở cuối phim là đoàn Lô tô của chị Phụng lại di chuyển đến một vùng đất khác.
Chiếc xe tải chạy trong đêm, phía sau thùng xe vừa chất đồ vừa có người đang gà gật ngồi ngủ. Xe chạy trên con đường làng chật hẹp, những tán cây lòa xòa hai bên đường va đập vào thùng xe, ánh trăng mờ ảo cuối tháng... Tất cả những hình ảnh ấy một lần nữa diễn tả cái hành trình trôi dạt bấp bênh của những thân phận bên lề, lại có chút gì đó huyền hoặc, siêu thực về sự cô đơn và nhỏ bé của kiếp người.
Nhưng những hạn chế đó không làm tôi mất cảm xúc với Lô Tô, không làm tôi mất tin tưởng và hy vọng về một đạo diễn mới, một ê-kíp mới có thể làm được những bộ phim về thân phận con người vừa giàu cảm xúc mà vẫn lôi cuốn, hấp dẫn được khán giả đại chúng.
Một trong những phát ngôn hay nhất mà tôi muốn dành tặng ê-kíp làm Lô tô là lời của đạo diễn người Mexico Alejandro Gonzalez Inarritu: “Thật ngu ngốc nếu nói rằng tôi chỉ làm phim cho mình. Nhưng cũng không thể nói tôi làm phim chỉ để dành cho khán giả”.
“Tôi nghĩ tôi làm những bộ phim mình yêu thích, nhưng luôn hi vọng khán giả cũng sẽ thích nó, rằng tôi sẽ chia sẻ hạnh phúc với họ. Tôi luôn nghĩ tới khán giả và làm mọi thứ để chạm được vào cảm xúc của họ, nhưng cũng không bao giờ tới mức phản bội lại ý tưởng của mình. Tôi sẽ chẳng chống lại những cảm xúc cá nhân để có thêm công chúng. Tôi muốn khán giả yêu thích bộ phim nhưng tôi phải là người đầu tiên yêu nó”.