Một số bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh hơn ung thư. Ảnh: AHA. |
Chia sẻ tại lễ thành lập Chương trình Bệnh phổi kẽ sáng 19/12, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho hay bệnh phổi kẽ là nhóm bệnh lý rất phức tạp.
"Dù không phải nhóm bệnh mới xuất hiện, trên thực tế, bệnh lý này vẫn chưa được quan tâm và hiểu biết một cách cặn kẽ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới", ông nói.
Các chuyên gia nhận định một số bệnh phổi kẽ, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tổn thương phổi có thể không hồi phục và tiến triển thành mạn tính, gây xơ phổi, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp, cuộc sống của người bệnh.
"Có những bệnh tiến triển nhanh, tiên lượng còn xấu hơn cả ung thư", vị chuyên gia nhận định.
Về mặt dịch tễ, tỷ lệ mắc của từng bệnh phổi kẽ không cao. Tuy nhiên, tổng hợp chung cả nhóm bệnh phổi kẽ cũng gây ảnh hưởng lên một số lượng lớn người bệnh với tần suất mắc lên tới 76/100.000 dân tại châu Âu và 74,3/100.000 dân ở Mỹ.
Trong đó, đáng chú ý có 3 bệnh phổi kẽ phổ biến nhất là Sarcoidosis, bệnh phổi kẽ liên quan đến bệnh mô liên kết và xơ phổi vô căn với tỷ lệ tương ứng là 30,2; 12,1; 8,2 ca trên mỗi 100.000 dân.
Tại Việt Nam, khoa Hô hấp của Bệnh viện Phổi Trung ương hàng ngày điều trị cho từ 70 đến 100 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ khoảng 6-7% tổng số bệnh nhân trong khoa.
Bệnh nhân được điều trị phổi kẽ tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: BVCC. |
Bất chấp tỷ lệ phát hiện bệnh nhân viêm phổi kẽ tăng lên đáng kể, do các biểu hiện của bệnh phổi kẽ trên lâm sàng không đặc hiệu, việc chẩn đoán căn nguyên và phân loại bệnh phổi kẽ còn là thách thức lớn với các bác sĩ trên lâm sàng.
Mặt khác, Việt Nam hiện chưa có nhiều hội đồng đa chuyên khoa trong chẩn đoán điều trị bệnh phổi mô kẽ. Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh phổi kẽ như chẩn đoán hình ảnh, nội soi... chưa được thực hiện thường quy trong mạng lưới chuyên khoa lao và bệnh phổi.
PGS Nhung cho biết thêm người bệnh phổi kẽ tại Việt Nam thường được phát hiện muộn khi đã có biến chứng của bệnh như suy hô hấp, tâm phế mạn với các biểu hiện xơ hóa nhu mô phổi không hồi phục trên phim chụp HRCT.
Điều trị bệnh phổi kẽ đối với người bệnh phổi kẽ giai đoạn cuối ở Việt Nam hiện nay cũng chủ yếu dựa trên các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ như thở oxy dài hạn tại nhà, phục hồi chức năng hô hấp, dự phòng nhiễm khuẩn.
Trong bối cảnh đó, việc chẩn đoán sớm và chính xác giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, tăng hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh là rất cần thiết.
Từ đây, chương trình bệnh phổi kẽ được xây dựng triển khai dựa trên mạng lưới phòng chống lao và bệnh phổi để người dân tiếp cận với dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho bệnh viện thuộc mạng lưới, thúc đẩy hợp tác quốc tế, đánh giá tình tình dịch tễ bệnh phổi kẽ của Việt Nam.
Chương trình cũng vận động chính sách, truyền thông và huy động xã hội để người dân biết tiếp cận bệnh phổi kẽ và bảo hiểm y tế hỗ trợ cho các kỹ thuật chẩn đoán và thuốc điều trị bệnh phổi kẽ.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.