Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loại đái tháo đường thường tấn công người trẻ

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhiều bệnh nhân đái tháo đường type I nhập viện trong tình trạng đã có biến chứng, phần lớn là người trẻ hoặc trẻ em.

Đái tháo đường tuýp I là bệnh lý mạn tính, cần được điều trị suốt đời. Ảnh: Freepik.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Tạ Thùy Linh, Phụ trách khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết đái tháo đường tuýp I là bệnh lý mạn tính, cần được điều trị suốt đời.

Bệnh khởi phát nhanh

Bệnh do hệ thống miễn dịch phá hủy các tế bào Beta sản xuất insulin của tuyến tụy. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng như kiểm soát đường huyết chặt chẽ, bệnh sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh yếu tố di truyền, môi trường sống cũng có thể góp phần kích hoạt bệnh.

Không giống như đái tháo đường type II vốn tiến triển âm thầm, đái tháo đường type I thường khởi phát nhanh với các triệu chứng rõ rệt như khát nước liên tục, đi tiểu nhiều lần, sụt cân nhanh, mệt mỏi.

Nếu không phát hiện kịp thời, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng hôn mê do nhiễm toan ceton - một biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhiều bệnh nhân type I nhập viện trong tình trạng đã có biến chứng, phần lớn là người trẻ hoặc trẻ em.

Bác sĩ Linh chia sẻ: "Không giống với người trưởng thành, bệnh nhân trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ thường khó tuân thủ điều trị, dễ bỏ sót mũi tiêm insulin hoặc ăn uống thiếu kiểm soát. Việc giáo dục sức khỏe định kỳ và phối hợp chặt chẽ với gia đình là chìa khóa giúp cải thiện hiệu quả điều trị".

dai thao duong anh 1

Bác sĩ Linh thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Lý do biến chứng sớm

Theo bác sĩ Linh, với bệnh nhân type I, insulin là yếu tố sống còn. Việc ngừng insulin đột ngột hoặc sử dụng sai cách có thể khiến đường huyết tăng vọt hoặc tụt quá mức, dẫn đến biến chứng cấp tính và mạn tính như hôn mê, suy thận, mù lòa, nhồi máu cơ tim… sẽ thúc đẩy nhiễm toan ceton do đái tháo đường.

Đây là biến chứng nặng thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type I và có thể để lại các di chứng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nhiều biến chứng mạn tính khác của bệnh cũng có thể xảy ra như mạch máu nhỏ, suy thận, võng mạc dẫn đến mù lòa.

Các biến chứng mạch máu lớn có thể gặp như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, bệnh động mạch chi dưới... gây ảnh hưởng sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ.

"Bệnh nhân đái tháo đường type I cũng dễ bị hạ đường huyết do sử dụng insulin không phù hợp. Phác đồ thường được bác sĩ cá thể hóa từng bệnh nhân. Tuy nhiên, một số bệnh nhân ăn quá ít tinh bột hoặc hoạt động thể chất quá mức có thể gây hạ đường huyết", bác sĩ Linh cho hay.

Một nguyên nhân thường gặp khác có thể gây hạ đường huyết ở người bệnh là tiêm sai insulin. Bệnh nhân có thể tiêm liều quá cao, quá xa bữa ăn hoặc kỹ thuật tiêm sai dẫn đến việc hấp thu insulin vào cơ thể quá nhanh cũng dẫn đến hạ đường huyết. Điều này càng khẳng định việc người bệnh cần phải có đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực hành sử dụng insulin trong điều trị bệnh.

Ngoài thuốc, dinh dưỡng đóng vai trò thiết yếu trong điều trị. Người bệnh cần chế độ ăn đủ chất, cân đối tinh bột - chất đạm - chất béo và ưu tiên thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như gạo lứt, bánh mì đen, trái cây ít ngọt.

Trường hợp bệnh nhân ăn quá nhiều hoặc quá ít đều ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị bệnh. Vì vậy, để có chế độ ăn phù hợp, bệnh nhân cần được thăm khám và tư vấn dinh dưỡng bởi các chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng.

Cuối cùng, theo vị chuyên gia, dù đã kiểm soát tốt, người bệnh type I vẫn cần theo dõi sát và tái khám định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra.

Nhớ sống hạnh phúc nhé!

Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.

Những dấu hiệu âm thầm của mỡ máu cao không nên bỏ qua

Theo bác sĩ Hoa, điều đặc biệt ở rối loạn lipid máu là bệnh có thể âm thầm diễn tiến trong nhiều năm mà không có triệu chứng rõ ràng.

Dấu hiệu tăng huyết áp ở người trẻ

Huyết áp cao, hay tăng huyết áp, thường được xem là bệnh của người già. Tuy nhiên, căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại.

6 lợi ích bất ngờ khi ăn dứa

Dứa là một trong những loại trái cây phổ biến vào mùa hè. Ăn dứa thường xuyên có tốt cho sức khỏe hay không là thắc mắc của nhiều người.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm