Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loại rau vị đắng mọc dại nhưng là dược liệu quý cho sức khỏe

Rau má có vị đắng, tính hàn, không chỉ thích hợp để thanh nhiệt, giải độc mà còn hiệu quả trong điều trị táo bón, đau bụng hay đau lưng.

Trong dân gian, rau má rất hiệu quả trong việc điều trị một số chứng bệnh thông thường như táo bón, trúng thực, đi phân lỏng... Ảnh: Goodpprice.

Rau má là loại rau thông dụng, mọc dại và thường được dùng để chế biến sinh tố, nước ép hay canh rau má. Đây là thực phẩm được nhiều người ưa thích để thanh nhiệt trong mùa nắng nóng.

Lợi ích bất ngờ từ rau má

Chia sẻ với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết theo các sách thuốc cổ như Bản thảo cương mục, Dược tính luận, Nam dược thần hiệu, rau má có vị đắng và tính hàn.

Công dụng của nó gồm thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng (thũng là tình trạng ứ nước trong cơ thể, gây sưng phù), giải độc, chữa các chứng tiết tả (tiêu chảy) mùa hè, bệnh lỵ, vàng da do thấp nhiệt, sỏi đường tiết niệu, bỏng, khái huyết (ho ra máu), thổ huyết (nôn ra máu), đau mắt đỏ, dị ứng…

Qua nghiên cứu thực nghiệm trên chuột bạch và chuột cống, các nhà khoa học nhận thấy rau má có tác dụng trấn tĩnh, an thần thông qua cơ chế tác động trực tiếp lên hệ thống thần kinh trung ương.

Ngoài ra, nó còn có khả năng điều trị vết thương ở da và niêm mạc do chứa các saponin. Chất này kích thích quá trình sinh trưởng của tế bào da, giúp cho các mô tái tạo nhanh chóng và khiến vết thương mau lành.

Mặt khác, rau má có tác dụng kháng khuẩn rõ rệt, làm giảm trương lực cơ trơn ở ruột (chống co thắt), hưng phấn nhẹ hô hấp và hạ huyết áp. Trên lâm sàng, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy uống bột rau má khô 3 lần/ngày, mỗi lần 5-7 gram có tác dụng giảm đau khá tốt.

loi ich cua rau ma anh 1

Trên lâm sàng, các nhà nghiên cứu nhận thấy uống bột rau má khô có tác dụng giảm đau khá tốt. Ảnh: Shakya Manage.

Công thức chữa bệnh bằng rau má

Trong dân gian, rau má rất hiệu quả trong việc điều trị một số chứng bệnh thông thường. Dưới đây là một số công thức chữa bệnh từ rau má do bác sĩ Vũ chia sẻ:

- Vàng da do thấp nhiệt: Sắc uống hỗn hợp gồm 30-40 gram rau má và 30 gram đường phèn.

- Đi lỏng do trúng thực: Sắc 30 gram rau má với nước vo gạo uống hàng ngày.

- Tiểu tiện ra máu: Rau má và ích mẫu thảo mỗi thứ một nắm rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống.

- Táo bón: Giã nát 30 gram rau má và đắp vào rốn.

- Bệnh sởi: Sắc uống 30-40 gram rau má.

- Áp xe vú giai đoạn đầu: Sắc uống hoặc giã nát ép lấy nước khoảng 30-70 gram rau má.

- Giải ngộ độc thuốc và thực phẩm: Rau má tươi giã nát ép lấy nước uống (có thể thêm một chút đường phèn).

- Hành kinh, đau bụng, đau lưng: Uống 2 thìa cà phê rau má khô tán bột mỗi ngày.

- Giải nhiệt, trị rôm sẩy, mẩn ngứa, mát gan, lợi tiểu: 30-100 gram rau má tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống hàng ngày hoặc dùng máy xay sinh tố xay nát rồi hoà đường uống.

- Ho do cảm phong nhiệt (thanh phế nhiệt): Nấu uống hỗn hợp rau má, xạ can và lá hẹ.

- Viêm gan virus cấp tính: Dùng 150 gram rau má tươi sắc với 500 ml nước, sắc lại còn 250 ml. Người bệnh có thể pha thêm đường phèn và chia uống 2 lần/ngày khi đói bụng.

Tuy nhiên, bác sĩ Vũ lưu ý thêm rau má có tính lạnh nên những người hư hàn không nên dùng thường xuyên.

Pha cà phê sai cách dẫn đến thảm họa dinh dưỡng

Nếu bạn là người cuồng cà phê thì không thể bỏ cuốn sách Thánh kinh của những tín đồ cà phê. Trong sách này, tác giả Bob Arnot đã chỉ ra nhiều lợi ích của việc uống cà phê như giảm nguy cơ ung thư, ngừa bệnh tiểu đường, giảm cân... Ngoài ra, để có cốc cà phê thơm ngon và bổ dưỡng, ông còn hướng dẫn cách chọn công cụ pha chế, cách ướp lạnh hạt cà phê, tỷ lệ pha với nước và nhiệt độ thích hợp.

4 phần thịt của lợn vừa bổ dưỡng vừa ngon

Thịt lợn là nguyên liệu phổ biến trong bữa cơm gia đình, nhưng phần nào chứa nhiều dinh dưỡng nhất và thơm ngon không phải ai cũng biết.

Nam Giao

Bạn có thể quan tâm