Lặn ngụp... kiếm tiền triệu mỗi ngày
Theo ghe người dân ở thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), chúng tôi ra tận nơi những người đang lặn cắt rong mơ để được "mục sở thị" công việc hái ra tiền mỗi ngày. Trên mặt nước, từng đám bọt khí đang sùng sục nổi lên. Ông Nguyễn Hùng (52 tuổi) chỉ cho chúng tôi nơi những người đàn ông đang lặn để cắt rong mơ dưới biển. Dưới làn nước trong xanh, những rặng san hô tuyệt đẹp, lấp lánh.
Một tấm lưới được thả vây quanh vị trí thợ lặn, rong mơ sau khi cắt, dưới độ sâu 2-5 m, được các thợ lặn đưa lên mặt biển. Ngay lập tức, một người đang đứng trên thúng, nhanh tay cho lên bè, hoặc thúng gần đó; một số trôi ra cũng được vớt lại. Những lúc gió mạnh, con nước đẩy rong trôi nhanh ra ngoài, nếu chậm tay sẽ không vớt kịp.
Một phụ nữ đang ngồi trên bờ chờ vớt rong của người thân cắt, đưa lên. Ảnh: Thanh Vạn. |
Quá trình lặn ngụp cắt rong mơ bắt đầu từ 5h30-6h cho đến xế chiều. Một số người dân mang cả đồ ăn, thức uống để ăn trưa ngay trên biển, khi công việc quá nhiều. Họ tranh thủ nghỉ ngơi ngay trên biển hoặc những lúc kéo bè rong mơ tươi vào bờ.
Những người dân nơi đây khẳng định chắc nịch, "chính quyền xã cho khai thác rong mơ rồi mới dám làm".
Dọc bờ biển dài gần một km, những vạt rong tươi được phơi đã chuyển màu đen. Số rong mới được thu hoạch vẫn đang được người dân dùng ghe kéo vào bờ. 12h, hàng chục người, đa số phụ nữ trung niên, đổ ra bờ biển để lật rong mơ cho khô đều. Họ lom khom nắm từng bó rong vừa kéo, vừa lật thoăn thoắt.
"Mới chỉ được hái rong mơ từ hồi đầu tháng 6 này, khi chính quyền địa phương cho phép. Chồng tôi đi biển, bà con trong nhà đi lặn hái rong, còn mình ở nhà phơi. Nghề này vất vả lắm, phải hái nhanh chứ không rong sẽ già, rụng, khó hái và khó bán", một phụ nữ kể.
Hái rong mơ không những giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập mà còn chống ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thanh Vạn. |
Vừa phụ người nhà hốt rong mơ từ bè vào bờ phơi vừa nhanh nhẹn xốc trở từng đống rong cho khô đều, Duyên chia sẻ: "Em không đi học đại học, ở nhà phụ ông bà hái rong mơ, công việc tuy vất vả nhưng vui".
Bà Lê Thị Thái (56 tuổi) đang nhanh tay hốt từng bó rong khô lên chiếc xe rùa, đẩy về nơi tập kết cho biết, giá rong mơ khô hiện nay từ 7.000-7.500 đồng/kg.
Mỗi chuyến, người dân thu được hơn một tạ rong mơ tươi, để đưa vào bờ phơi khô. Từ sáng sớm đến chiều, người dân có thể thu được 4-5 tạ rong tươi. Sau khi phơi, một tấn rong tươi phơi được từ 300-350 kg rong khô, tùy độ già. Người dân thu nhập gần một triệu đồng/ngày và 30-40 triệu đồng/tháng.
Theo kinh nghiệm của những người lớn tuổi, thời gian này (tháng 5 âm lịch), cây rong còn non, người mua ưa chuộng. Nhưng qua tháng 6, cây rong già đi, nặng hơn, thành từng bụi nhỏ sẽ khó thu hoạch, giá bán thấp hơn. Năm 2022, do ảnh hưởng của nhiều đợt không khí lạnh nên rong mơ có phần mất mùa.
Hái rong đúng thời điểm... sẽ lợi đôi đường
Việc khai thác rong mơ không những giải quyết được bài toán kinh tế cho người dân ven biển mà còn giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Với khối lượng hàng trăm tấn rong mơ tươi ở các vùng ven biển Quảng Ngãi, nếu không được thu hoạch, khi già đi sẽ gãy, trôi dạt vào bờ biển, gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối.
Tháng 1-5 hàng năm là thời gian để cây sinh trưởng, phát triển. Đến tháng 6, cây rong có hàm lượng agar đạt tiêu chuẩn thương phẩm, người dân có thể khai thác.
Mỗi năm, khi thời tiết thuận lợi, các xã ven biển huyện Bình Sơn thu hoạch hơn 1.000 tấn rong mơ khô. |
Theo UBND xã Bình Hải lượng rong mơ khai thác hàng năm rất lớn, hơn 200 tấn rong mơ khô/năm. Rong khô thành phẩm chủ yếu xuất đi tiêu thụ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có người dân chạy theo lợi nhuận trước mắt nên khai thác rong mơ non.
Khó khăn lớn nhất địa phương là lực lượng chức năng, các tổ tự quản mỏng, không đủ khả năng bao phủ hết địa bàn khu du lịch Gành Yến, bãi biển An Cường dài hơn 7 km để bảo vệ, chống việc khai thác lén lút.
Liên quan vấn đề này, chính quyền huyện Bình Sơn đã chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát biên phòng phối hợp với UBND các xã ven biển tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm những người khai thác, mua bán, vận chuyển rong mơ không đảm bảo thời gian quy định.
Đồng thời có văn bản hướng dẫn thời gian khai thác rong mơ; cách khai thác rong mơ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ nơi sinh sản cho các loài thủy sinh. Ngành chức năng khuyến cáo thời gian khai thác trong mơ tốt nhất là từ 1/6 đến 30/11 hàng năm; cắt cách gốc 25 cm...
Ông Phạm Cầu, Phó chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết xã cũng đã có báo cáo đề nghị các cấp quan tâm hỗ trợ cơ chế chính sách, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chế biến nhà máy để tiêu thụ lượng rong mơ khô, tạo việc làm cho bà con vùng ven biển.
Thiên nhiên ưu đãi, biển mang lại cho người dân nguồn lợi dồi dào. |
Về vấn đề này, ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho hay sở có kế hoạch sẽ hướng dẫn cho các địa phương phát triển rong khô trở thành sản phẩm OCOP, mang đặc thù tỉnh Quảng Ngãi.
"Việc khai thác phải đảm bảo đúng quy định, chứ không phải khai thác kiệt quệ, phá hủy, không theo mùa, không theo định mức như những năm trước. Quá trình xây dựng nhà máy tiêu thụ sản phẩm cho người dân sẽ được cấp thẩm quyền tính toán sau khi hình thành các hợp tác xã để quản lý theo hướng bền vững", ông Phương thông tin thêm.