Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Loại tác phẩm Chí Phèo khỏi sách giáo khoa là góc nhìn áp đặt'

Theo TS Phạm Hữu Cường, đề xuất loại tác phẩm "Chí Phèo" khỏi sách giáo khoa của tác giả Nguyễn Sóng Hiền thể hiện góc nhìn có phần lệch lạc, không chính xác.

Đề xuất của tác giả Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Newcastle, Australia - về việc đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa, nhận được ý kiến trái chiều trên cộng đồng mạng.

Chí Phèo tác động xấu đến nhận thức của học sinh?

Theo ông Sóng Hiền, Chí Phèo của nhà văn Nam Cao có thể được đánh giá là thành công về phong cách viết. Tuy nhiên, đứng trên góc độ giáo dục, chúng ta cần cân nhắc kỹ.

"Liệu có nên tiếp tục giữ trong chương trình phổ thông hay không, khi bản thân tác phẩm không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, ngược lại có thể tác động xấu đến nhận thức của học sinh?", người này đặt vấn đề.

bo tac pham chi pheo ra khoi sgk anh 1
Hình ảnh trong phim Chí Phèo.

Tác giả Nguyễn Sóng Hiền thông tin nhiều nhà phê bình văn học cho rằng Chí Phèo đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hoá là phiến diện, mang tính áp đặt. Chí Phèo chỉ là bi kịch của một cá nhân. Xuất thân không cha mẹ, không nhà cửa, không người thân, không được giáo dục, Chí được nhặt về nuôi và đi ở hết nhà này đến nhà khác. Nếu đây là đại diện cho tầng lớp nông dân, tầng lớp này bị mang tiếng quá.

"Chí Phèo đơn giản chỉ là đứa trẻ không được giáo dục và không thể là đại diện hay điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội ấy", ông Hiền nêu quan điểm.

Người này cũng cho rằng Chí Phèo chỉ như những đứa trẻ cùng hoàn cảnh ở bất kỳ xã hội nào khác. Vì vậy, không thể quy chụp rằng Chí bị xã hội phong kiến lưu manh hoá, hay bị cường hào, ác bá làm hại. Lạ lùng thay, nhiều nhà phê bình và học giả còn hình tượng hoá cảnh Chí uống rượu say rồi cưỡng bức Thị Nở, xem đó như sự thức tỉnh tính thiện trong con người nhân vật.

Cũng theo tác giả Nguyễn Sóng Hiền, việc cường điệu hoá cặp Chí Phèo - Thị Nở, xem như xứng đôi vừa lứa,  dường như không phải chủ ý của nhà văn Nam Cao. Chí Phèo là tên tội phạm, kẻ lưu manh, còn Thị Nở là cô gái đáng thương, thiểu năng về nhận thức, ở mãi với Chí bảy ngày mới nhớ ra rằng phải về hỏi dì.

bo tac pham chi pheo ra khoi sgk anh 2
Ông Nguyễn Sóng Hiền hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Newcastle (Australia).

Thị Nở là bị hại, bị "kẻ ăn vạ" lợi dụng lúc ngủ say cưỡng bức. Tại sao có thể ghép đôi cho kẻ lưu manh với cô gái vô tội? Chưa kể sau này, Thị Nở mang bầu và ôm thêm nỗi khổ vào thân. Dù đánh giá ở khía cạnh nào, Chí Phèo vẫn là kẻ xấu.

Số phận của nhân vật này đáng thương, vì khi sinh ra đã phải chịu thiệt thòi và bất công. Nhưng chúng ta cũng kịch liệt phê phán và phản đối hành vi lưu manh, thú tính của hắn.

Ngay cả việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là hành động không thể dung thứ, cho dù nhiều học giả và nhà phê bình hình tượng hoá đó là sự phản kháng của tầng lớp bần nông đối với giai cấp cường hào, ác bá.

"Xin thưa, đó là sự quy chụp và áp đặt khiên cưỡng. Chí đã giết người trong lúc say, đấy là hành vi không phải của con người. Cho dù ở bất kỳ xã hội nào, hành động này đều đáng bị lên án và cách ly khỏi đời sống xã hội”, ông Hiền viết.

Không nên mang cách nhìn dung tục hóa vào văn chương

TS văn học Phạm Hữu Cường cho hay quan điểm của tác giả Nguyễn Sóng Hiền là góc độ cá nhân với cách nhìn nhận riêng nhưng có phần sai lệch. Chí Phèo là đại diện cho người nông dân Việt Nam không được sở hữu ruộng đất, bị bần cùng hóa và lưu manh hóa.

Tác giả Sóng Hiền nói Chí Phèo lưu manh chủ yếu do xuất thân mồ côi không cha, không mẹ là không chính xác, không hiểu tác phẩm. Chí Phèo đúng là con hoang nhưng lớn lên với bản chất lương thiện, hơn 20 tuổi vẫn có lòng tự trọng, ý thức nhân phẩm là người tốt.

Sau khi đi tù về, Chí Phèo bị lưu manh hóa vì nhà tù thực dân. Cùng với môi trường ở làng Vũ Đại, Chí Phèo trở thành đầy tớ của Bá Kiến. Bi kịch thứ hai của Chí Phèo là mong muốn trở lại làm người mà không được. Sau khi gặp Thị Nở, anh ta thức tỉnh lương tri.

Về nhân vật Thị Nở, tác giả Sóng Hiền cho rằng cô ta là mô hình con người thiểu năng thì không chính xác. Thực chất, Nam Cao xây dựng con người như Thị Nở, không muốn làm bạn với Chí Phèo, để đại diện cho những người dân không ai muốn làm bạn với hắn, chặn đúng khát khao hoàn lương của nhân vật. 

bo tac pham chi pheo ra khoi sgk anh 3
TS Phạm Hữu Cường. Ảnh: NVCC.

TS Phạm Hữu Cường phân tích nếu Sóng Hiền nhìn nhận việc Chí Phèo cưỡng bức Thị Nở ở vườn chuối là lưu manh thì đó là phát biểu dung tục hóa, quy chụp khi mang quan điểm hiện đại áp đặt với ngày xưa, xã hội áp dụng với văn học.

“Quan điểm này không khác gì trước kia có ý kiến cho rằng tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du) là dung tục. Tuy nhiên, điều tác giả muốn nói không phải chuyện Thúy Kiều ở lầu xanh mà là cảm hứng trân trọng tài năng, nhan sắc và thương cảm cho con người”, TS Cường phân tích.

Chí Phèo có phẩm chất tốt đẹp trước khi ở tù, bị lưu manh hóa nhưng khát khao lương thiện vẫn thể hiện rõ ở hình ảnh bát cháo hành và câu nói: “Ai cho tao lương thiện?”. Cảm hứng của Nam Cao là sự trân trọng con người đã bị tàn phá cả linh hồn và thể xác.

"Chúng ta cần phải giữ lại tác phẩm của Nam Cao trong chương trình. Giáo viên giảng như thế nào để học sinh hiểu đúng tác phẩm, bởi trước đó, nó từng bị hiểu sai nhiều lần chứ không phải chỉ bây giờ. Dù như thế nào, tác phẩm này vẫn mang những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc", TS Cường khẳng định.

Thầy Trịnh Quỳnh - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định - chia sẻ vốn dĩ văn chương là cánh cửa mà mỗi người mở ra có cái nhìn và cảm nhận khác nhau.

Quan điểm của tác giả Nguyễn Sóng Hiền tưởng như hợp lý, logic nhưng dùng văn hóa, chuẩn mực đạo đức và pháp luật của thời hiện đại để phán xét câu chuyện của xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ là không phù hợp. Sử dụng điểm nhìn xã hội học khi khám phá một tác phẩm đã làm mất đi tính nhân văn của nó.

Khi đó, chỉ toàn thấy “giai cấp”, “bóc lột”, “sự phản kháng”... để lúc nào cũng thấy “người bị hại”, “hành vi trái pháp luật”, “lên án và cách ly” như thể muốn bỏ tù bất cứ nhân vật nào.

Còn có những điểm nhìn từ chiều sâu văn hóa, chiều sâu con người để thấy đằng sau những sự thật khách quan lạnh lùng là muôn vàn nỗi buồn thương, chua xót dành cho một kiếp người.

Chí Phèo và mối tình với Thị Nở qua câu hỏi trắc nghiệm

Trong cuộc đời bi kịch của Chí Phèo, Thị Nở vô tình xuất hiện. Tình yêu, bát cháo hành của người đàn bà xấu xí giúp kẻ rạch mặt ăn vạ thức tỉnh sau những ngày sống kiếp quỷ dữ.


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm