Phát biểu trên trang tin BBC, tiến sĩ Tom Bassindale, giảng viên khoa học pháp y tại Đại học Sheffield Hallam (Anh) đã giải thích cụ thể về tác dụng, độ an toàn cũng như tác hại của meldonium.
Sharapova thừa nhận sử dụng meldonium, thuốc bị cấm trong thể thao. Ảnh: BBC. |
Meldonium là gì?
Meldonium, còn gọi là mildronate, là loại thuốc chống thiếu máu cục bộ, giúp cải thiện lưu thông máu, đặc biệt trong não bộ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh meldonium có thể cải thiện tâm trạng cũng như tăng hiệu suất học tập, trí nhớ và ngăn ngừa căng thẳng. Nó cũng có lợi cho người bị bệnh tiểu đường. Đặc tính chống thiếu máu cục bộ của meldonium có thể ngăn ngừa đột quỵ do thiếu máu, thường được sử dụng lâm sàng để điều trị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và suy tim mãn tính.
Tiến sĩ Tom Bassindale cho biết: "Loại thuốc này phát triển và sử dụng ở Latvia và được phê duyệt vào đầu những năm 2000 để điều trị bệnh tiểu đường và các bệnh liên quan đến tim mạch bằng cách điều chỉnh việc sử dụng năng lượng của cơ thể, kích thích sự trao đổi chất glucose và loại bỏ chất béo tích tụ trong động mạch".
Tác dụng của meldonium với vận động viên
Với khả năng tăng vận chuyển oxy tới các cơ bắp, meldonium được coi là một chất bổ sung cho các vận động viên vì nó có tác động tích cực về sức chịu đựng, độ dẻo dai, sức bền. Nó giúp ngăn chặn các hoạt động carnitine (đốt cháy cơ bắp) và tập trung hướng tới phân hủy các carbohydrate, đòi hỏi ít oxy. Đồng thời khi sử dụng meldonium, cơ thể kích thích lượng glycogen trong tế bào khi luyện tập.
Tiến sĩ Bassindale cho biết meldonium tác động giống như các chất kích thích caffeine, giúp tập trung tinh thần, loại bỏ căng thẳng bên ngoài. Ngoài ra, nó giúp các vận động viên hồi phục nhanh hơn sau khi chơi thể thao, chẳng hạn như tennis hay đua xe đạp...
Meldonium bị cấm sử dụng trong thể thao từ ngày 1/1/2016. Ảnh: BBC. |
Tại sao meldonium bị cấm?
Theo The Guardian, meldonium chỉ được sử dụng tại các nước Baltic và Nga, nhưng không được chấp thuận bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và các nước khác ở châu Âu. WADA cũng đưa ra nhiều bằng chứng các vận động viên sử dụng meldonium nhằm cải thiện thành tích thi đấu.
Ngoài ra, tiến sĩ Bassindale cho biết WADA sẽ cấm một loại thuốc khi nó có 2/3 tiêu chí sau: nâng cao hiệu suất thi đấu, có hại cho sức khỏe và chống lại tinh thần thể thao. Trong trường hợp này, họ quyết định cấm meldonium có lẽ theo 2 tiêu chí: nâng cao hiệu suất thi đấu và chống lại tinh thần thể thao.
Tháng 9/2015, Ủy ban chống doping của Nga (RUSADA) gửi tới các vận động viên một bản ghi nhớ về việc phê duyệt cấm sử dụng meldonium. Tuy nhiên, do không kiểm tra thư điện tử, Sharapova vẫn sử dụng thuốc cho tới khi bị kiểm tra.
Ngày 2/3, Cơ quan phòng chống doping thế giới WADA thông báo mẫu thử của Sharapova bị dương tính với meldonium. Trước đó, Sharapova đã dùng thuốc từ năm 2006 để điều trị sức khỏe. Ngày 1/1, quyết định cấm sử dụng meldonium chính thức có hiệu lực, vì vậy Sharapova sẽ bị cấm thi đấu từ ngày 12/3, có thể kéo dài đến 2 năm.