Sáng 10/5, tại Điện Biên, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tuyên bố khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine. Đây không phải thuốc cai nghiện, giúp bệnh nhân không thèm thuốc phiện hay heroin.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Ảnh: PV. |
Ông Long cho biết nghiện ma túy được coi là bệnh mạn tính của não bộ, chưa có phương thuốc đặc hiệu chữa khỏi. Các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện lớn. Do vậy, hơn 80 quốc gia trên thế giới đã triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cho hàng triệu bệnh nhân bằng thuốc thay thế, chủ yếu là Methadone, Subuxone và Buprenorphine.
Ở nước ta, Methadone được sử dụng lâu nhất, suốt 10 năm nay, với hơn 54.000 người đang được điều trị.
Mặc dù hiệu quả của loại thuốc này rõ rệt, việc người bệnh phải đi lại quá nhiều, đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, xa, dẫn tới việc bỏ thuốc. Ông Long cho biết đây là một trong những lý do Cục Phòng chống HIV/AIDS triển khai điều trị Buprenorphine, một giải pháp bổ sung cho điều trị Methadone.
Tác dụng của Buprenorphine kéo dài nên bệnh nhân chỉ phải đến cơ sở y tế 2-3 ngày một lần ngậm thuốc khi đã đạt ổn định liều, thay vì mỗi ngày. Loại thuốc cũng an toàn và ít tác dụng phụ hơn so với Methadone.
Ngoài ra, Buprenorphine không tương tác với thuốc ARV, không gây tăng liều khi người bệnh dùng kết hợp 2 thuốc này.
Thuốc Buprenorphine được triển khai thí điểm tại TP.HCM từ năm 2013 và tại Hà Nội từ 2015. Đánh giá cho thấy Buprenorphine giúp người nghiện giảm, tiến đến ngừng lệ thuộc các chất dạng thuốc phiện khác, giảm hội chứng cai, đồng thời phòng được các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C.
“Bộ Y tế có chủ trương đưa thuốc Buprenophine vào điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện, không phải để thay thế Methadone, mà là bổ sung một sự lựa chọn cho người bệnh, đặc biệt phù hợp bệnh nhân ở xa cơ sở y tế và các bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV”, ông Long nói.
Trên thế giới, Buprenorphine được sử dụng để điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện từ năm 1995 tại Pháp và hiện nay nhiều quốc gia áp dụng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa Buprenorphine vào danh mục thuốc thiết yếu từ năm 2005. Theo báo cáo của WHO năm 2015, khu vực châu Âu có 59% các nước đang triển khai điều trị bằng Buprenorphine.
Mặc dù thuốc đã triển khai tại nhiều nước trên thế giới, thuốc này lại là mới ở Việt Nam, do vậy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS dự kiến giai đoạn đầu triển khai thí điểm tại một số tỉnh, ưu tiên các tỉnh miền núi, vùng sâu, xa như: Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu, Thanh Hóa.
Những tỉnh này trước tiên triển khai tại các cơ sở điều trị Methadone. Sau đó, cấp phát thuốc về cho nhân viên y tế thôn bản để họ cấp cho bệnh nhân nhằm giảm quãng đường và thời gian đi lại.
“Sau giai đoạn thí điểm, tùy kết quả, Cục Phòng, chống HIV/AIDS có thể sẽ tham mưu cho Bộ Y tế triển khai rộng rãi ra toàn quốc như Methadone hiện nay”, ông Long cho hay.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Công an cuối năm 2018 cho hay hơn 220.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 60% là nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Người nghiện chất dạng thuốc phiện, tiêm chích ma túy là nhóm có tỷ lệ nhiễm HIV cao do sử dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy.