Theo The National News, nghiên cứu được thực hiện bởi Stand.earth cho thấy những mặt tối về chuỗi cung ứng phức tạp trong ngành công nghiệp thời trang. Nhiều thương hiệu lớn nhất thế giới bị cáo buộc có dính líu đến nạn phá rừng ở Amazon.
Báo cáo cho thấy các thương hiệu như Coach, LVMH, Prada, H&M, Zara, adidas, Nike, New Balance, Teva, Ugg và Fendi có "một số mối liên hệ với những nhà cung cấp được cho là liên quan tới nạn phá rừng".
Nạn phá rừng ở Amazon liên quan lớn tới ngành thời trang. Ảnh: The National News. |
Báo cáo cũng chỉ đích danh hơn 50 thương hiệu liên quan tới JBS - nhà xuất khẩu da lớn nhất Brazil. Nhà sản xuất này đang tạo những ảnh hưởng xấu tới rừng Amazon. Dù công ty tuyên bố cam kết loại bỏ nạn phá rừng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình vào năm 2035, các nhóm bảo vệ môi trường vẫn không thực sự tin điều đó.
"Phá rừng là vấn đề đặc hữu của toàn bộ ngành công nghiệp da ở Brazil", trích báo cáo từ Stand.earth. Và không chỉ JBS, các công ty khác như Minerva, Fuga Couros cũng bị réo tên.
Các nhà nghiên cứu từ Stand.earth đã phân tích thông tin hải quan thu được từ một số nhà cung cấp dữ liệu và tham chiếu chéo dữ liệu này với dữ liệu thu thập từ nhiều nguồn khác.
Phân tích từ Stand.earth không chứng minh được mối liên hệ trực tiếp giữa các thương hiệu thời trang và nạn phá rừng. Tuy nhiên, nó cho thấy mối liên kết giữa các thương hiệu thời trang và nhà cung cấp làm tăng các sản phẩm may mặc. Và các sản phẩm này lại là kết quả từ việc chăn thả gia súc ở Amazon.
Các nhà cung cấp da cho nhiều hãng thời trang bị cáo buộc liên quan đến nạn phá rừng. Ảnh: The National News. |
Cũng trong bản báo cáo, các nhà nghiên cứu xác định ngành chăn nuôi gia súc là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến nạn phá rừng ở rừng Amazon. Brazil là nước có đàn gia súc lớn nhất thế giới, lên tới 215 triệu con.
Nhiều thương hiệu thời trang có tên trong báo cáo đã công bố công khai các chính sách được thiết kế để "tạo khoảng cách" giữa họ và những công ty bị cáo buộc phá rừng.
Dù vậy, dữ liệu của Stand.earth cho thấy 22/74 công ty thời trang được xác định "có khả năng vi phạm chính sách của chính mình trong việc tìm nguồn cung ứng da liên quan đến nạn phá rừng". 2/3 công ty còn lại thậm chí không có chính sách nào liên quan.
Tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow, Vương quốc Anh, nhà thiết kế thời trang Stella McCartney đã kêu gọi ban hành lệnh cấm hoàn toàn da thú trong ngành công nghiệp thời trang.
"Tôi nghĩ không nhiều người thực sự hiểu tác động kinh khủng của ngành nông nghiệp chăn nuôi đến hành tinh. Không chỉ là sự tàn ác, nông nghiệp động vật còn chiếm 18% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nó còn dẫn đến nạn phá rừng ở các hệ sinh thái quan trọng như Amazon.
Sản xuất da cũng là một vấn đề liên quan đến nhân quyền. Ngành công nghiệp này đang gây hại cho chính các công nhân. Tình trạng xảy ra phổ biến ở các nước đang phát triển", cô nói.