Đại học Quốc gia Hà Nội ra thông báo cảnh báo lừa đảo. Ảnh: VNU. |
Chiều 20/12, Đại học Quốc gia Hà Nội đăng tin cảnh báo lừa đảo. Cụ thể, nhà trường cho biết những ngày gần đây xuất hiện tình trạng làm giả công văn, thông báo giả mạo chữ ký, mượn danh các đơn vị đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội để lừa đảo học sinh, sinh viên và phụ huynh.
Các nội dung được kẻ lừa đảo sử dụng bao gồm thông báo chúc mừng đã trúng tuyển hoặc được lựa chọn tham gia các chương trình giao lưu, trao đổi, hoạt động đào tạo liên kết quốc tế… hoặc các chương trình liên quan có thu phí; hướng dẫn chi tiết cách chứng minh tài chính, nộp hồ sơ, nộp kinh phí theo đường link hoặc cách của đối tượng tạo ra.
Bài đăng cảnh báo lừa đảo của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU. |
Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin một số sinh viên, gia đình học sinh, sinh viên tin và bị các đối tượng này dẫn dắt, chuyển kinh phí qua tài khoản của đối tượng. Do đó, nhà trường đề nghị các giảng viên thông tin rộng rãi, cảnh báo để học sinh, sinh viên và phụ huynh cảnh giác, tránh rơi vào bẫy lừa đảo của kẻ xấu.
Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM cũng ra cảnh báo tương tự. Nhà trường cho biết trường nhận được thông tin phản ánh của sinh viên về việc bị lừa đảo dưới dạng thông báo trúng tuyển học bổng và yêu cầu sinh viên đóng khoản phí để được xét duyệt.
Phía nhà trường khẳng định không phát hành thư mời và không tổ chức họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế vào ngày 20/12/2024 tại số 70 Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp (quận 12, TP.HCM) như văn bản kèm theo.
Theo đó, nhà trường nhắc nhở sinh viên cần đề cao cảnh giác trước các thông tin giả mạo, lừa đảo yêu cầu chuyển khoản. Sinh viên cũng cần theo dõi các kênh thông tin chính thức của trường và tìm hiểu, xác minh thông tin một cách chính xác và đầy đủ nhất, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
"Các tổ chức, cá nhân lợi dụng thương hiệu, hình ảnh của trường để tiến hành các hoạt động nội dung trái phép, vi phạm pháp luật sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật", Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM tuyên bố.
Trước đó, vào ngày 16/12, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng cho biết hình thức lừa đảo dưới dạng thông báo sinh viên trúng tuyển học bổng và yêu cầu sinh viên đóng khoản phí để được xét duyệt đang diễn ra khá phổ biến thời gian gần đây.
Kẻ lừa đảo làm giả văn bản, con dấu để lừa học sinh, sinh viên tham gia các chương trình du học, học bổng. Ảnh: Đại học Bách khoa TP.HCM. |
Nhà trường nhấn mạnh rằng trường không phát hành thông báo cũng như tổ chức bất cứ buổi họp mặt giao lưu quốc tế nào tại trường. Mọi quy trình về đăng ký và xét duyệt học bổng cho sinh viên của trường đều được triển khai theo hệ thống chặt chẽ thông qua email và các kênh thông tin điện tử chính thống của trường, do các phòng chuyên trách theo dõi và cập nhật đến sinh viên thường xuyên.
Đại học Bách khoa TP.HCM nhận định sinh viên trường đã trang bị những kỹ năng cơ bản để nhận diện các hình thức lừa đảo giả mạo, nhưng các bạn vẫn cần cảnh giác cao độ trước những thủ đoạn tinh vi.
Nhà trường lấy ví dụ thư mời của kẻ lừa đảo mắc nhiều lỗi ngữ pháp và chính tả, thông tin không chính xác, không nhất quán và thiếu minh bạch, trình bày sai thể thức...
"Sinh viên khi nhận thấy bất thường này cần kiểm tra và xác nhận thông tin từ các nguồn đáng tin cậy theo các kênh thông tin chính thống của trường hoặc trực tiếp trình báo với công an", Đại học Bách khoa TP.HCM nhắc nhở.
Đại học FPT cũng đăng bài viết cảnh báo thủ đoạn lừa đảo học bổng du học, họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế.
Cụ thể, kẻ lừa đảo giả mạo nhà trường để phát hành văn bản với nội dung: Chương trình học bổng Chính phủ Nhật Bản cấp năm 2024. Số lượng ứng viên sơ tuyển: 120 suất gồm 80 suất sau đại học, 30 suất đại học, 5 suất cao đẳng và 5 suất trung cấp chuyên nghiệp.
Kẻ lừa đảo còn nêu rằng để tham gia chương trình này, thí sinh phải chứng minh khả năng tài chính với số tiền 120 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng để lấy biên bản sao kê nộp cho nhà trường.
Đại học FPT khẳng định văn bản này là giả mạo, đồng thời đề nghị học sinh, sinh viên, phụ huynh cảnh giác vì mọi thông tin chính thống của trường sẽ công bố trên các cổng thông tin chính thức. Nhà trường cũng không dùng tiền mặt, chỉ yêu cầu nộp tiền qua tài khoản đứng tên trường, không đứng tên của cá nhân, đơn vị khác.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.