Quyết định đóng của của Lep’ cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực thời trang. Ảnh minh hoạ: Lep’. |
Ngày 14/11, thương hiệu thời trang nội địa Lep’ bất ngờ tuyên bố đóng cửa sau 8 năm hoạt động. Phía dưới bài đăng, nhiều khách hàng thân thiết bày tỏ sự tiếc nuối trước quyết định này.
Trong bài đăng thông báo, Ngọc Trâm, người sáng lập local brand đưa ra lý do “không còn theo kịp thị trường thay đổi chóng mặt hàng ngày, muôn vàn phong cách thời trang mới, muôn vàn sản phẩm mới, rẻ, đẹp”.
Sự việc này phản ánh một phần thị trường thời trang cạnh tranh khốc liệt trong nước. Giá cả và xu hướng trở thành 2 yếu tố chi phối sự thành bại của thương hiệu.
Khó cạnh tranh giá
Theo ghi nhận, giá thành trung bình của các sản phẩm Lep’ trên gian hàng Shopee và Lazada dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Mức giá này khó cạnh tranh với những mặt hàng thời trang giá rẻ phổ biến trên sàn TMĐT.
Báo cáo Ngành hàng thời trang và nhà cửa đời sống 6 tháng đầu năm của nền tảng phân tích dữ liệu mua sắm trực tuyến Metric chỉ ra rằng doanh số thời trang nữ tập trung ở phân khúc giá 100.000-200.000 đồng và dưới 100.000 đồng.
2 phân khúc này có xu hướng tăng trong nửa đầu năm nay. Mức tăng tổng cộng là 5,3%.
Sản phẩm của Lep’ khó cạnh tranh với hàng thời trang giá rẻ trên sàn TMĐT. Ảnh minh hoạ: Lep’. |
Bên cạnh những mặt hàng thời trang nữ mặc hàng ngày, thương hiệu Lep’ còn được biết đến với bộ sưu tập áo dài Tết. Theo khảo sát, giá thành áo dài của nhãn hàng đều ở mức trên 1 triệu đồng.
Trong khi đó, báo cáo Hành vi mua sắm sản phẩm thời trang dịp Tết trên 2 sàn Shopee và TikTok Shop của Metric lại cho biết 200.000-350.000 đồng là phân khúc giá áo dài được ưa chuộng nhất.
Trong 2 mùa Tết Nguyên đán gần đây, bao gồm Tết năm 2023 và 2024, người tiêu dùng Việt Nam không còn mạnh tay chi hơn 500.000 đồng cho một chiếc áo dài trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.
Việc so sánh giá thành của các sản phẩm thuộc thương hiệu này và những mặt hàng giá rẻ trên sàn TMĐT chưa hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng hàng thời trang phân khúc giá rẻ trên các nền tảng mua sắm trực tuyến chính là đối thủ đáng gờm của local brand.
Để thuyết phục khách hàng lựa chọn, lúc này thương hiệu cần chứng minh sản phẩm xứng đáng với mức giá, có chất lượng cao, kiểu dáng ấn tượng và hợp xu hướng. Song, Lep’ dường như chưa chứng minh được điều này.
Không bắt kịp xu hướng
Váy hoa vốn là thiết kế chủ lực của thương hiệu, nhưng không giữ được sức hút theo thời gian. Trên thực tế, hoạ tiết hoa chưa từng lỗi mốt, được nhiều nhà thiết kế, nhãn hàng lăng xê trong mỗi mùa mốt Xuân/Hè.
Thậm chí, trong mùa mốt đầu năm 2023, chi tiết hoa xuất hiện liên tục, với thiết kế phức tạp. Những bông hoa 3D được đính trên váy áo, gia tăng sự sống động cho bộ sưu tập của các nhà mốt Loewe, Collina Strada và Markarian.
Tuy nhiên, như NTK Thủy Nguyễn từng chia sẻ với Tri Thức - Znews, chi tiết hoa nằm ở ranh giới giữa lãng mạn và sến.
Trong khi những bông hoa 3D là xu hướng, hoạ tiết hoa trên những chiếc váy của Lep’ dần trở nên sến, lỗi mốt, theo nhận xét của một số khách hàng. Như vậy, đúng với sự nhận định của nhà sáng lập, thương hiệu này không còn bắt kịp xu hướng thời trang thay đổi mỗi ngày.
Những chiếc váy hoa của thương hiệu bị đánh giá là không còn hợp xu hướng. Ảnh minh hoạ: Lep’. |
Ngoài ra, từ khi trào lưu quiet luxury trở nên thịnh hành hồi năm ngoái, trang phục in logo, monogram và hoạ tiết phô trương dần mất chỗ đứng.
Trang phục tối giản, quần áo thể thao năng động dần chiếm lĩnh thị trường thời trang. Sự đầu tư lớn vào Thế vận hội Olympic Paris của tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới LVMH chính là minh chứng.
Trong cuốn Vườn thú người, tác giả Desmond Morris chỉ ra rằng trang phục thể thao chính là một biểu tượng địa vị, cho thấy người mặc có nhiều thời gian rảnh rỗi. Sau đại dịch Covid-19, sức khỏe và thể chất cũng được xem là sự xa xỉ mới, theo Jessica Gleeson - Giám đốc điều hành công ty tư vấn bán lẻ BrighterBeauty có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc).
Để không bị đào thải khỏi lĩnh vực thời trang thay đổi chóng mặt, các nhãn hàng đều phải linh hoạt thay đổi. Trong khi các nhà mốt lớn trên thế giới nỗ lực bắt kịp thời cuộc, local brand khó tồn tại nếu đứng ngoài dòng chảy này. Dù xu hướng không phải điều quan trọng nhất, cái kết của nhiều đơn vị phần nào chứng minh mức độ ảnh hưởng của yếu tố này.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.