![]() |
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh nhiễm Whitmore. Ảnh: BVCC. |
Khoảng một tháng trước, người đàn ông 36 tuổi xuất hiện tổn thương, sùi loét vùng bẹn trái, kích thước ngày càng lớn. Dù đã điều trị tại bệnh viện tuyến huyện, tình trạng không cải thiện.
Khi chuyển đến Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, bệnh nhân đã sốt nhiều ngày, vùng tổn thương hoại tử, chảy mủ và nham nhở, gây đau nhức, hạn chế vận động chân trái.
Trước tình trạng tổn thương nghiêm trọng, các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa và bước đầu nhận định người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn, có khả năng lây lan qua tiếp xúc da, niêm mạc hoặc chất dịch từ tổn thương. Bệnh nhân nhanh chóng được cách ly, thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu.
Kết quả cấy máu cho thấy người đàn ông nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei với nhiều ổ hoại tử, loét, chảy dịch ở vùng bẹn trái.
Hội chẩn giữa bác sĩ điều trị và bộ phận Dược lâm sàng giúp xác định phác đồ điều trị phù hợp, kết hợp đa kháng sinh, kiểm soát hô hấp, tuần hoàn, đường huyết, rối loạn nội môi, đồng thời trích rạch, dẫn lưu ổ áp xe và chăm sóc toàn diện.
![]() |
Tổn thương loét hoạt tử mô, cơ vùng bẹn trái của người bệnh trước khi điều trị đa kháng sinh. Ảnh: BVCC. |
Sau hơn hai tuần điều trị, vết thương dần khô, liền sẹo tốt, không còn dịch viêm hay dấu hiệu hoại tử. Người bệnh xuất viện trong tình trạng tỉnh táo, không sốt, hô hấp và tuần hoàn ổn định.
Whitmore là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra, thường gặp ở Đông Nam Á, Bắc Australia, Nam Á và Trung Quốc. Bệnh có xu hướng gia tăng trong mùa mưa do vi khuẩn tồn tại trong đất, nước ô nhiễm và lây qua vết thương hở.
Whitmore thường diễn tiến cấp tính với nhiều dạng bệnh cảnh nguy hiểm như viêm phổi hoại tử, áp xe phổi, viêm mủ hoại tử ở da, cơ, xương khớp, thậm chí áp xe gan, lách, thận, não - màng não.
Hơn 50% bệnh nhân mắc bệnh xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn huyết, 25% có thể tiến triển thành sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, đe dọa tính mạng. Bệnh cũng có thể diễn tiến mạn tính, dễ tái phát, khó chẩn đoán do biểu hiện đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng khác.
Bệnh Whitmore hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Để dự phòng, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những khu vực ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi lội ở ao, hồ, sông gần nơi bị ô nhiễm.
Những người làm việc thường xuyên tiếp xúc với đất, nước bẩn cần sử dụng đồ bảo hộ lao động như giày, ủng, găng tay. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước nghi ngờ ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, cần dùng băng chống thấm và vệ sinh kỹ sau đó.
Lưu ý rằng khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến cơ sở y tế có kinh nghiệm điều trị Whitmore để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Trẻ em không phải sinh ra đã khỏe mạnh về cảm xúc, trẻ phải được tôi luyện. Trẻ cần được nuôi dưỡng và dạy bảo các kỹ năng xác định cảm xúc của mình và thể hiện ra theo cách tích cực, từ đó, trẻ có thể kết nối với những người khác theo cách thông minh về cảm xúc.