"Đã không được như bao người thì xin hãy bình thường".
Đó chỉ là một trong số rất nhiều bình luận tiêu cực, có ý miệt thị dưới những bài đăng liên quan đến vụ việc giữa TikToker V.M.L và quán phở ở Hà Nội.
Ban đầu, TikToker này đăng bài lên mạng xã hội kể việc bị chủ quán phở có thái độ hắt hủi vì ngồi xe lăn. Tuy nhiên, chủ quán phở sau đó khẳng định không có sự việc như vậy và trích xuất camera để làm rõ.
Hiện tại, V.M.L khóa phần bình luận dưới bài đăng. Dư luận từ thương cảm đã chuyển sang chỉ trích TikToker này. Tuy nhiên, bên cạnh những bình luận tập trung vào câu chuyện thiếu trung thực của V.M.L, nhiều người lại mỉa mai, kỳ thị khiếm khuyết của anh, thậm chí quy chụp cả một cộng đồng người khuyết tật.
Điều này chẳng những không giúp người trong cuộc nhìn nhận sai lầm của mình, mà còn làm xấu hình ảnh một cộng đồng. Ngoài ra, việc chăm chăm công kích một cá nhân cũng có thể khiến những vấn đề quan trọng hơn như khả năng tiếp cận của người khuyết tật tới các công trình công cộng không được quan tâm đúng mức.
Hàm ý về sự "thua kém"
Những bình phẩm về một người "đã khuyết tật lại còn nói dối" mang trong nó một định kiến phổ biến của chủ nghĩa đề cao sự khoẻ mạnh và toàn vẹn thân thể (ableism). Theo Access Living, ableism là sự phân biệt đối xử và định kiến xã hội chống lại những người mang một số khuyết tật dựa trên niềm tin rằng có một số khả năng (ví dụ, có thể đi lại bình thường, có thể nghe bằng tai - PV) là ưu việt. Vì vậy, ableism chứa trong nó ẩn ý rằng những người khuyết tật cần được "sửa".
Cũng như nạn kỳ thị chủng tộc và kỳ thị giới, ableism đặt một nhóm người vào vị thế "thấp hơn" nhóm khác, bao gồm các định kiến có hại.
Ở dạng nghiêm trọng, ableism có thể là sự phân tách người khuyết tật khỏi đời sống hàng ngày, hoặc trêu chọc, đùa cợt về cơ thể họ. Ở những dạng "thường ngày", ableism có thể là việc một bộ phim được trình chiếu không có phụ đề cho người điếc hoặc những bộ phim, bài báo miêu tả sự khuyết tật như bi kịch hoặc câu chuyện truyền cảm hứng. Ableism thậm chí có thể là sự vồn vã đề nghị được giúp đỡ một người "có vẻ khuyết tật" dù chưa được yêu cầu.
Về mặt thiết kế xã hội, việc những toà nhà - đặc biệt là cơ sở công - được thiết kế thiếu thân thiện với người dùng xe lăn cũng là một dạng phân biệt đối xử, dựa trên giả định rằng toà nhà bình thường dành cho người bình thường (tức có khả năng đi lại bằng hai chân). Những người yêu cầu các thiết kế mang tính tiếp cận cao bị xem là yêu cầu "đặc quyền", thay vì những người đang đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho một nhóm người đơn giản là có nhu cầu khác biệt so với số đông, và là "khác biệt" chứ không phải nhóm người "kém ưu việt" hơn.
Chỉ trích mang tính hủy diệt không cho người sai cơ hội sửa lỗi và cũng không giúp tìm ra, giải quyết cốt lõi vấn đề. Ảnh: JPM/Getty. |
Vấn đề bị bỏ quên
Vấn đề đáng ra phải được quan tâm hơn cả câu chuyện tranh cãi của TikToker V.M.L và quán phở ở Hà Nội là người khuyết tật đang tiếp cận các công trình công cộng như thế nào. Việc V.M.L có nói dối hay không, chủ quán có thái độ ra sao không thay đổi sự thật hàng ngày những người ngồi xe lăn có thể đang gặp khó khăn nếu muốn đi xe buýt, sang đường, sử dụng nhà vệ sinh công cộng hay chỉ đơn giản là di chuyển trên vỉa hè, đi lên các bậc thềm cao.
Trước khi để lại những bình luận như "Chật thế sao còn chui vào" hay "Chắc còn muốn có người bế lên", nhiều người chưa nhìn thấy cốt lõi vấn đề. Điều tiên quyết không nằm ở sự lựa chọn của người khuyết tật hay sự phụ thuộc của họ vào những người xung quanh, mà nằm ở chỗ các cơ sở vật chất, công trình công cộng được cung cấp có đang phù hợp với khả năng vận động của mọi người hay không.
Việt Nam, một trong những quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ người khuyết tật trên tổng dân số tương đối cao, có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số cả nước là người từ hai tuổi trở lên.
Điều 4 Luật Người khuyết tật quy định người khuyết tật được bảo đảm tham gia các hoạt động xã hội một cách bình đẳng; sống độc lập và hòa nhập cộng đồng; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật...
Lời chỉ trích thành cuộc tấn công
Trong số hơn 50.000 bình luận bên dưới bài đăng của V.M.L có rất nhiều lời nói mang tính "destructive criticism" (chỉ trích mang tính hủy diệt).
Chỉ trích mang tính hủy diệt là những phản hồi tiêu cực, ác ý và có thể làm suy yếu, gây tổn hại hoặc thậm chí phá hủy công việc, cuộc sống hoặc lòng tự trọng của ai đó.
Thay vì tập trung vào sự việc hay hành động sai lầm để đưa ra lời khuyên, giải pháp cụ thể, hữu ích, những người tham gia vào các cuộc tấn công này thường chỉ nhằm vào điểm yếu, khiếm khuyết để hạ nhục cá nhân hoặc cộng đồng liên quan.
Chỉ trích mang tính hủy diệt có các biểu hiện cụ thể như bắt nạt (sự ngược đãi không mong muốn và dai dẳng đối với một cá nhân gây tổn hại về thể chất hoặc tinh thần); chỉ trích mang tính phá hoại, nhận xét thiếu suy nghĩ; phân biệt đối xử (xuất phát từ định kiến về phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt tuổi tác...).
Chỉ trích mang tính hủy diệt không giúp cá nhân nhìn nhận lỗi lầm của mình để tìm thấy giải pháp, cách khắc phục hợp lý, hiệu quả.
"Những ai né tránh mọi lời chỉ trích đều thất bại. Thứ chúng ta cần tránh là những lời chỉ trích mang tính hủy diệt, chứ không phải sự phê bình dưới mọi hình thức", doanh nhân Tim Ferriss, tác giải loạt sách self-help 4-Hour nổi tiếng, nói.
Đối lập với "destructive criticism" là "constructive criticism" (chỉ trích mang tính xây dựng). Có 5 điểm khác nhau giữa hai hình thức phê bình này.
Thứ nhất, chỉ trích xây dựng mang tính nhân ái, hữu ích và được thực hiện với sự suy xét cẩn thận, trái ngược với sự bộc phát, có hại, gây tổn thương và xúc phạm của chỉ trích phá hủy.
Cần chỉ trích một cách khách quan và đưa ra các hướng giải quyết. Ảnh: John Devolle/Ikon. |
Thứ hai, chỉ trích xây dựng tập trung một cách khách quan vào hành động, sự việc, trong khi phê bình phá hủy chỉ trích tiêu cực cá nhân và giống như một cuộc tấn công chủ quan vào cá nhân/cộng đồng.
Thứ ba, nếu chỉ trích xây dựng chỉ ra những sai lầm của một người và cho những lời khuyên để cải thiện, thì phê bình phá hoại không đưa ra bất kỳ lời khuyên có ý nghĩa nào.
Thứ tư, lời phê bình sẽ mang tính xây dựng nếu nó rõ ràng, cụ thể, chi tiết, có thể hành động và giúp đạt được kết quả tốt hơn (quan điểm của các chuyên gia), nhưng sẽ trở thành phá hoại nếu mơ hồ, không cụ thể, bộc phát (thường được dẫn dắt bởi sự thiếu hiểu biết).
Cuối cùng, mục đích của phê bình mang tính xây dựng là tạo ra động lực, khuyến khích, tăng cường tính tích cực với tinh thần giáo dục, trong khi chỉ trích mang tính phá hoại chỉ đưa đến những cảm xúc tiêu cực như đau khổ, mệt mỏi, bối rối và giận dữ.
Trong cuốn sách Killosophy, tác giả Criss Jami từng viết: "Không có tích cực thì không có hy vọng và không có tiêu cực thì không có sự cải thiện. Nhưng một trái tim trong sáng sẽ không hạ thấp tinh thần của một cá nhân, thay vào đó, nó buộc cá nhân phải kiểm điểm chính mình".
Để trở thành một người chỉ trích rất đơn giản, nhưng chỉ trích có giải pháp thì không dễ dàng. Suy cho cùng, phê bình là để tìm giải pháp, chứ không phải khiến một ai đó chỉ có thể im lặng.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.