Lời giải nào cho ca sĩ Việt chuộng hát tiếng Anh?
Khi 2/3 thí sinh "The Voice" chọn tiếng Anh để khoe giọng, khi một số nghệ sĩ như Hà Anh Tuấn, Mai Khôi... phát hành album bằng tiếng Anh, người tung hô quá trớn, kẻ chê bai sính ngoại.
Xuất hiện tại Việt Nam lần đầu tiên, The Voice đã ít nhiều nhận được sự chú ý từ giới truyền thông, cũng như nhận không ít ý kiến khen chê của người xem. Kết thúc vòng loại, một con số khá thú vị được đưa ra rằng trong một chương trình được đường hoàng gọi tên là Giọng hát Việt nhưng lại có đến 2/3 thí sinh chọn trình bày các ca khúc tiếng Anh.
Từ thực tế này, nhìn rộng ra showbiz Việt để thấy thực trạng nghệ sĩ Việt ngày càng tiếp cận với tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác trong các sản phẩm âm nhạc của mình, từ một câu đọc rap, đến nửa Anh - nửa Việt và có cả những album, đêm nhạc hoàn toàn thuần... ngoại. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra như phải chăng nhạc Việt quá đáng chán hoặc hết thời? Ca sĩ Việt sính ngoại?...
Ca sĩ Việt hát tiếng Anh - Chuyện xưa như trái đất
Thực tế, chuyện ca sĩ Việt hát tiếng Anh không phải là chuyện chỉ mới xuất hiện trong khoảng thời gian gần đây. Không kể với nhiều tên tuổi chuyên trị tiếng Anh ngày trước như Khánh Du, Ba Con Mèo... thì ở thế hệ ca sĩ những năm gần đây đã có không ít người trải nghiệm với sinh ngữ.
Năm 2008, hai nữ ca sĩ Mỹ Lệ và Thu Minh bắt tay thực hiện loạt đêm nhạc Diva's Night và biểu diễn những ca khúc nổi tiếng nhất của Whitney Houston và Celine Dion. Tại các phòng trà, bar ca nhạc, nhiều đêm nhạc chỉ hát toàn tiếng Anh thường xuyên được diễn ra để phục vụ cho một lớp các khán giả mê nhạc ngoại, đặc biệt là các bạn trẻ có đời sống gắn liền với âm nhạc Âu Mỹ.
Một thế hệ các ca sĩ trẻ "chuộng" hát tiếng Anh cũng ra đời và dần khẳng định mình ở khả năng hát có chất và chuẩn như Thanh Bùi, Phương Vy, Thảo Trang, Hồ Trung Dũng, Uyên Linh, Suboi...
Hà Anh Tuấn và Đoan Trang từng thực hiện album hoàn toàn bằng tiếng Anh. |
Chưa thật gây hiệu ứng mạnh mẽ như mong đợi, nhưng thị trường nhạc Việt thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những album nhạc ngoại được đầu tư công phu của những ca sĩ có tên tuổi. Đầu năm 2011, Hà Anh Tuấn ra mắt khán giả album Cocktail với phong cách âm nhạc RnB quyến rũ.
Trước đó, cuối năm 2010, Đoan Trang quyết định thực hiện một album mang tên Un - Makeup gồm các bài hát tiếng Anh – đã được chuyển ngữ từ các ca khúc hay nhất được tuyển chọn sau chặng đường 10 năm đi hát của cô. Made in Mai Khôi được cô ca sĩ cá tính cho xuất xưởng với tất cả sáng tác của mình bằng cả 2 ngôn ngữ Anh - Việt...
Tại các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc như Vietnam Idol, Sao Mai điểm hẹn hay chương trình truyền hình thực tế như Cặp đôi hoàn hảo, những đêm nhạc quốc tế theo yêu cầu luôn diễn ra rất hào hứng và nhận được sự quan tâm của khán giả. Thậm chí, Đồ Rê Mí 2012 không nằm ngoài lệ khi yêu cầu các thí sinh nhí phải thể hiện khả năng hát những ca khúc khác ngôn ngữ mẹ đẻ.
Nói như vậy để biết, nhu cầu được hát và nghe tiếng Anh tại Việt Nam không phải chỉ đến thời điểm này mới có. Và nếu nói đó là sự sính ngoại, là “làm nổi”, bất thường, có lẽ showbiz Việt đã sính ngoại từ lâu lắm rồi! Có chăng khán giả đang quá nhạy cảm trước sự thay đổi tưởng chừng như mới, nhưng thật sự đã có từ lâu!
Trở lại với Giọng hát Việt, tất nhiên không thể không trớ trêu cho người xem, khi họ phải chứng kiến hàng loạt cuộc so giọng bằng tiếng Anh trong một cuộc thi tìm kiếm tài năng cho nền âm nhạc Việt. Nhưng cũng có nhiều lý do phản biện cho các thí sinh trong việc chọn lựa biểu diễn các ca khúc này như chưa kể đến chuyện tiếng Việt gây khó khi khoe giọng thì số lượng bài hát tiếng Việt mới và hay không nhiều, những bài hát cũ lại quá nổi tiếng và đóng đinh với một tên tuổi ca sĩ khác. Ngoài ra, không hẳn tất cả khán giả đều khó chịu khi nghe thí sinh hát tiếng Anh mà ngược lại, phần đông khán giả trẻ hiện nay đều rất thích thưởng thức các ca khúc ngoại, từ Hàn đến Âu Mỹ.
Đi tìm lời giải cho những tranh cãi
Giọng hát Việt đi hát tiếng Anh - Đúng hay sai? |
Nhiều lý do, giải thích, và thậm chí là tranh cãi nổ ra xung quanh chủ đề này. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, hát tiếng Anh dễ hơn hát tiếng Việt rất nhiều, bởi "tiếng Việt có dấu, và một ca sĩ để hát được tròn vành rõ chữ đòi hỏi phải có chất giọng, có học hành". Về phía Hà Trần, chị thú nhận ở Mỹ 8 năm chẳng dám hát tiếng Anh: "Hồi xưa ở nhà còn dám thu đĩa tiếng Anh, giờ nghe lại ngượng chín cả mặt. Nếu thu hồi hết đốt đi được thì đã làm".
Sự mâu thuẫn này lại đặt ra nhiều câu hỏi khác, rằng nhạc Anh chỉ hát dễ nếu xét trong phạm vi Việt Nam bởi chính những người thưởng thức hay thậm chí là cầm cân nảy mực cũng chưa đủ khả năng để cảm nhận và đánh giá? Rằng hát nhạc Anh không cần tròn vành rõ chữ, không cần thể hiện tình cảm? Vậy việc I'll always love you của Whitney Houston, Vision of love của Mariah Carey… hay hàng trăm những ca khúc tiếng Anh được bình chọn là những tác phẩm khó hát nhất trên thế giới lại trở nên vô nghĩa?
Thứ hai, nhiều tờ báo đưa ra dẫn chứng về cuộc thi phiên bản Hàn của The Voice, tất cả các thí sinh đều chọn hát bằng tiếng mẹ đẻ. Vì sao? Đơn giải rằng nhạc Hàn có những sáng tác mới phù hợp với sở thích, nhu cầu của lớp khán giả trẻ. Trong khi đó, nhạc trẻ tại Việt Nam đang trên đà xuống dốc với hàng loạt những “thảm họa”. Các ca khúc cũ hơn của những thế hệ trước nếu không làm khán giả phát ngán vì xuất hiện hết từ cuộc thi này đến chương trình khác, cũng đã gắn liền với một ca sĩ lớn, để thể hiện lại cho thành công không phải dễ. Trong khi đó, nhạc Anh lại đáp ứng đủ cả những tiêu chí mới, hấp dẫn. Vậy tại sao không thử?
Thứ ba, không ít người lại tỏ vẻ tin tưởng rằng ca sĩ Việt nên hát nhạc Anh để… “xuất khẩu âm nhạc”. Có vẻ như mục tiêu này quá xa vời, thậm chí là… không tưởng, nhưng vấn đề phát âm đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Chỉ nói đơn giản rằng, một ca sĩ nước ngoài vào Việt Nam, hát nhạc ta với chất giọng "nửa nạc nửa mỡ", thì cũng chỉ tồn tại với mục đích mua vui là chính. Vậy tại sao ở những thị trường nước ngoài, họ lại có thể chấp nhận một ca sĩ hát không tốt tiếng của họ?
Mặt khác, muốn xuất khẩu âm nhạc thì không thể đi cover lại các ca khúc của người khác. Lấy ví dụ đơn giản, dù Đức Tuấn hát Memory trong album Music of the night có hay đến mức nào thì cũng chỉ dừng lại ở việc làm thỏa mãn nhu cầu của khán giả trong nước, còn với khán giả ở những nơi khác, nghe bản gốc của diva Barbara Streisand chắc chắn vẫn sướng hơn.
Những ca sĩ như Mỹ Linh, Hà Anh Tuấn, Đoan Trang, Mai Khôi... khi phát hành các album bằng tiếng Anh, mục đích vẫn chỉ là làm mới bản thân, phục vụ cho cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, người Tây ở Việt Nam, chứ để "bán" cho người nghe Âu Mỹ vẫn là việc rất khó và bằng chứng là chưa ai làm được.
Cấm hay ủng hộ?
Làng nhạc thế giới chứng kiến sự xâm lăng của những giọng ca gốc Philippines. Và cũng bắt đầu từ đây, nhiều nhà quản lý âm nhạc tại Việt Nam lại nuôi mộng làm được như nước bạn. Thực tế, những ca sĩ được nhắc đến này như Nicole Scherzinger, Bruno Mars, Jessica Sanchez đều sinh ra tại Mỹ và theo đuổi niềm đam mê âm nhạc của mình tại đây. Chỉ có duy nhất cô ca sĩ Charice tạo được chú ý ở Philippines, rồi vô tình được chú ý qua những video trên mạng và bắt đầu nổi tiếng trên toàn thế giới.
Cô ca sĩ năm nay 20 tuổi từng song ca với Celine Dion, và xuất hiện trong show truyền hình của Oprah Winfrey và thậm chí ký được hợp đồng với hãng đĩa Warner Records. Nhưng làm được điều này, khả năng của Charice tất nhiên không thuộc vào loại tầm thường, dĩ nhiên, cô cũng gặp không ít vất vả, trầy trật mới trụ được đến này hôm nay.
Tại Đông Nam Á, Philippines là một trong những nước sử dụng ngôn ngữ Anh khá chuẩn, và đây tất nhiên cũng góp nhiều phần mở ra cơ hội cho Charice. Nói như vậy để biết, nếu các ca sĩ Việt Nam có muốn làm được điều tương tự, thì chí ít ngoài việc hát to, hát khỏe thì cũng cần phải hát... đúng.
Võ Trọng Phúc hát tiếng Anh vì biết tận dụng thế mạnh của mình. |
Có một chi tiết khác thú vị rằng, nhiều gương mặt thể hiện các ca khúc tiếng Anh tại The Voice đều từng có thời gian dài trình diễn tại các phòng trà chuyên biểu diễn nhạc quốc tế, chứng tỏ đây là thế mạnh của họ, nên nếu nhận xét họ là những người “muốn thể hiện”, “sính ngoại” thì chưa hẳn đúng.
Tương tự, Top 4 Vietnam’s Got Talent Võ Trọng phúc từng chia sẻ, anh chọn hát nhạc Anh, bởi biết sức mình không thể trình bày tốt các ca khúc tiếng Việt. Rõ ràng, anh chàng ca sĩ điển trai này nói riêng, và những người khác nói chung, cũng biết rõ mình có gì để theo đuổi.
Ca sĩ Thanh Bùi từng chia sẻ: "Tôi nghĩ khi hát quan trọng nhất là cảm xúc và miễn sao là mình thể hiện được tâm hồn của ca khúc đó. Âm nhạc đã là một loại ngôn ngữ toàn cầu dù nó là trong tiếng nước nào đi chăng nữa. Song tôi vẫn mong là âm nhạc Việt Nam sẽ tiếp tục sản sinh ra các ca khúc thật hay để tạo nguồn cảm hứng cho người thể hiện nó vì dù sao được hát tiếng mẹ đẻ vẫn là hạnh phúc nhất".
Thanh Bùi là một người hát tiếng Anh rất chuẩn và đầy cảm xúc, tuy vậy, anh cũng nhận ra được những khó khăn mà một người hát tiếng Anh phải làm để chinh phục hàng chục triệu người Việt trong và ngoài nước.
Việc các ca sĩ thể nghiệm hát tiếng Anh bằng cách phát hành album, single, tổ chức đêm nhạc hoặc chọn lựa để làm tiết mục dự tri trước hàng triệu khán giả truyền hình như các thí sinh The Voice đã làm có lẽ cũng nên xem là việc bình thường. Hát tiếng Anh và hát hay là một chuyện. Nổi đình đám chỉ với một bài hát tiếng Anh trong một đêm, một thời gian ngắn cũng chỉ là một chuyện. Còn trở thành tên tuổi lớn trong làng nhạc Việt nhờ vào việc hát tiếng Anh lại là một chuyện hoàn toàn khác và hoàn toàn không hề dễ.
Vì thế, nếu thấy thí sinh The Voice tiếp tục hát tiếng Anh, khán giả cũng không việc gì phải lo!
Chuyện ca sĩ Việt hát tiếng Anh không còn là điều gì quá mới mẻ, lạ lẫm trong showbiz những năm gần đây. Nhưng ai hát hay, ai hát dở lại là chuyện hoàn toàn khác. Có những người đã "đóng đinh" tên tuổi mình với những ca khúc bất hủ được cả thế giới ngưỡng mộ. Thu Minh, Đức Tuấn... là những ví dụ điển hình. Nhưng những ca sĩ trẻ như Thảo Trang... dù sở hữu giọng hát và cách phát âm ngoại ngữ rất chuẩn nhưng vẫn đang nỗ lực tìm cho mình một chỗ đứng riêng. Gần đây, việc 80% thí sinh The Voice chọn ca khúc tiếng Anh để dự thi cũng khiến khán giả tranh luận kịch liệt. Quan điểm của bạn về chuyện nghệ sĩ Việt nên hát tiếng cha sinh mẹ đẻ hay cứ thoải mái tìm kiếm nguồn cảm hứng bất tận cùng sinh ngữ? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về địa chỉ zingnews@zing.vn. Nội dung chia sẻ vui lòng viết tiếng Việt có dấu và dài hơn 300 chữ. |
Phương Giang
Theo Infonet.vn