Được quá nhiều người tín nhiệm có thể là một bất lợi. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels |
Internet có vô vàn bài viết hướng dẫn cách để trở thành nhân viên được nhiều người tín nhiệm. Những bài đăng này có xu hướng xoay quanh một số lời khuyên như tình nguyện nhận mọi nhiệm vụ, xử lý mớ công việc hỗn độn giùm đồng nghiệp hay đơn giản là trở thành người được sếp tin tưởng mỗi khi có sự cố.
Tất nhiên, những việc làm này không hoàn toàn vô ích.
Thực tế, sở hữu khả năng giải quyết vấn đề nhanh nhạy đồng nghĩa với việc bạn sẽ trở thành nhân vật đáng để trọng dụng tại văn phòng.
Tuy nhiên, khi được quá tín nhiệm, bạn cũng sẽ đối mặt những rủi ro đáng ngờ. Thậm chí, bạn có thể lâm vào cảnh làm việc quá sức. Tệ hơn, sếp và đồng nghiệp sẽ quay lưng với bạn một khi họ nhận ra bản thân đang trở nên phụ thuộc.
Dưới đây là một số điều bạn nên cân nhắc để có được hướng giải quyết hiệu quả, theo Financial Times.
Không thể thăng tiến, cũng không thể rời đi
Trừ trường hợp mới bắt đầu nhận việc, bạn không nên cố gắng ôm đồm hay giành giật nhiều nhiệm vụ về mình. Bạn sẽ chỉ cản trở con đường thăng tiến của bản thân nếu tiếp tục làm như thế.
Monique Valcour, chuyên gia khai vấn doanh nghiệp tại Mỹ, thừa nhận nhiều rủi ro của việc trở thành nhân viên được nhiều người dựa dẫm. Nhiều người sếp sẵn sàng "phá hủy" cơ hội thăng chức của cấp dưới nếu họ biểu hiện quá xuất sắc.
Tiếp theo, hãy cân nhắc đến trường hợp bạn nổi tiếng trong văn phòng vì kỹ năng xử lý vấn đề hiệu quả. Thoạt đầu, điều này mang lại cho bạn cảm giác thỏa mãn vì được nhiều người trông cậy.
Song, bạn sẽ dễ dàng chìm đắm trong những công việc nhỏ nhặt và thừa thãi. Vì thế, bạn cần nhanh chóng thu hẹp phạm vi làm việc của mình để có thể tập trung vào những kế hoạch quan trọng hơn.
Ôm đồm quá nhiều việc không cần thiết sẽ cản trở cơ hội phát triển trong sự nghiệp. Ảnh: Antoni Shakbra/Pexels. |
'Một cây làm chẳng lên non'
Có một thuật ngữ mang tên "Người thành đạt bất an" (Anxious Achiever), chỉ những nhân sự luôn cố gắng làm mọi việc vì sợ mình thụt lùi, chậm tiến.
Những người này tưởng chừng được hầu hết doanh nghiệp săn đón. Tuy nhiên, khá nhiều nhân viên có tính cách này, ngay cả những người ở cấp cao, rơi vào cái bẫy tâm lý khiến bản thân trở nên quá mức ôm đồm công việc.
Thực tế, đây là những người có nhu cầu kiểm soát. Vì vậy, họ thường xuyên có mong muốn giải quyết bớt công việc cho người khác.
Hậu quả, những người được giúp đỡ đó sẽ ngày càng trở nên phụ thuộc và không thể tự mình hoàn thành công việc được giao.
Người sếp không để nhân viên có cơ hội kết hợp phát triển thường không được đánh giá cao. Ảnh: Sora Shimazaki/Pexels. |
Bên cạnh đó, khi quá bận bịu với những công việc “của người khác”, những người trụ cột sẽ ngày càng xa rời việc thực hiện đam mê chính của bản thân. Cơ hội để nghỉ ngơi hay phát triển riêng sẽ nhỏ đi trông thấy khi bạn không để cho đồng nghiệp hay thậm chí sếp hoàn thành nhiệm vụ vốn là của họ.
Nếu sự việc tương tự tiếp diễn, bạn rất có thể biến thành người luôn tay với công việc ngay cả trong kỳ nghỉ.
Nếu "Người thành đạt bất an" là một vị quản lý, họ sẽ luôn khao khát trở nên độc tôn và khó thành công trọn vẹn trong sự nghiệp. Hãy nhìn vào các doanh nghiệp nổi tiếng khác, họ không phát triển nhờ vào một người. Sẽ được gọi là sự thất bại về mặt quản lý khi toàn doanh nghiệp chỉ nương nhờ vào một cá nhân.