Từ lâu đời, mỡ động vật nổi tiếng là giúp trị bỏng. Nhưng ít ai biết bên cạnh đó, đây cũng là phương thuốc bôi ngoài da lành tính, dễ tìm, dễ mua và rất hiệu quả.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), mọi người có thể dễ dàng điều chế các loại mỡ quen thuộc cho mục đích chữa bệnh.
Mỡ trăn
Mỡ trăn nổi tiếng nhất như một phương thuốc trị bỏng. Khi bị bỏng, người dân có thể dùng mỡ trăn bôi lên vết thương để làm dịu.
Tuy nhiên, mỡ trăn chỉ có tác dụng với những vết bỏng nhẹ. Sau khi sơ cứu, nếu thấy vết bỏng gây tổn thương rộng, sâu, người dân cần đến gặp bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ chuyên ngành bỏng để được hướng dẫn điều trị.
Mỡ trăn từ lâu được xem là một phương thuốc trị bỏng hiệu quả. Ảnh minh họa: Pexels. |
Ngoài ra, bác sĩ Vũ cũng lưu ý mọi người không nên sử dụng mỡ trăn lâu ngày.
"Loại mỡ này tích trữ trong nhà sau thời gian dài hầu hết đều bị nhiễm vi sinh, gây nhiễm khuẩn", chuyên gia cho biết.
Bên cạnh trị bỏng, mỡ trăn cũng có tác dụng chữa trĩ và tổ đỉa. Bệnh nhân trĩ có thể dùng 20 gr mỡ trăn trộn đều cùng 20 gr giấm, phết lên giấy mỏng để dán vào chỗ đau. Người bị tổ đỉa có thể giảm bệnh nhờ bôi hỗn hợp mỡ trăn (20 gr) trộn cùng phèn phi (5 gr) và xác rắn lột (5gr).
Mỡ rắn
Theo bác sĩ Vũ, mỡ rắn có tác dụng bài độc, sinh cơ, làm chóng lên da non. Kết hợp với một số vị thuốc khác, mỡ rắn là phương thuốc chuyên điều trị các trường hợp bỏng lửa, chốc đầu, nứt nẻ da chân.
Loại mỡ này bao quanh ống tiêu hóa của rắn,điều chế bằng cách rán lên cho nóng chảy rồi để nguội, bảo quản nơi thoáng mát, khô ráo.
Với tác dụng làm nhanh lên da non, mỡ rắn có thể dùng để chữa bỏng lửa, chốc đầu bằng cách bôi xoa nhiều lần lên chỗ bỏng, chốc....
Mỡ gà
Mọi người có thể chế biến mỡ gà bằng cách thắng lên thành mỡ nước, lọc cặn và cho vào hộp kín, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh hoặc nơi thoáng mát. Với cách bảo quản này, mỡ gà có thể sử dụng hiệu quả từ 6 tháng đến một năm.
Không chỉ có mặt trong nhiều bữa ăn của mọi gia đình, ít ai biết mỡ gà cũng là một phương thuốc trị bỏng, trị nẻ hiệu quả và lành tính.
Không chỉ để ăn, mỡ gà có thể dùng để trị bỏng, trị nẻ trong mùa đông. Ảnh: Digeoris Lithuania. |
Mọi người bị bỏng nhẹ có thể thoa mỡ gà 2-3 lần/ngày sau khi vệ sinh vết bỏng để vết thương mau lành. Mỡ gà không gây bọng nước nơi vết bỏng, ít hoặc không gây đau rát, không có mùi khó chịu. Làm cách này sau một thời gian, vết bỏng có thể biến mất hoặc chỉ để lại sẹo mờ.
Vào mùa đông, mỡ gà cũng là một cách trị nẻ môi hiệu quả lành tính.
Mỡ cá rô
Có tác dụng tương tự mỡ gà, mỡ cá rô có thể làm kem dưỡng ẩm cho người có da nhạy cảm. Để có mỡ cá rô trị nẻ, mọi người có thể đun phần mỡ của cá rô trên chảo nóng. Phần mỡ chảy ra có thể để nguội rồi cất giữ trong tủ lạnh để dùng dần.
Mỡ lợn (mỡ heo)
Từ xưa đến nay, mỡ lợn được nhiều gia đình sử dụng thay dầu ăn để chế biến thức ăn hàng ngày vì có giá trị dinh dưỡng cao, lại rẻ tiền, ngon, bổ.
Tuy nhiên, ít ai biết, đây cũng là phương thức trị nẻ rất tốt cho mùa đông. Bác sĩ Vũ gợi ý mọi người có thể lấy mỡ heo ngâm vào rượu nóng. Hỗn hợp này đem dùng rửa chỗ nứt nẻ có thể khắc phục tình trạng khô da, khó chịu vào mùa đông.
Mỡ dê
Theo các sách Đông y, mỡ dê có tác dụng bổ hư, nhuận táo, hoá độc, chữa khô da, nhọt độc, có thể thắng lên và dùng bôi ngoài da.
Theo bác sĩ Vũ, mỡ động vật dùng làm thuốc trong Đông y không nhiều. Mọi người cũng cần thận trọng trong bảo quản và sử dụng vì đặc tính dễ ôi thiu của mỡ động vật.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.