Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lời kể của người cha có 3 con tử vong vì bệnh Whitmore

Gia đình nghi ngờ có thể vi khuẩn từ nguồn nước xâm nhập vào vết thương hở của cả ba đứa trẻ trong quá trình tắm rửa dẫn đến nhiễm khuẩn gây bệnh Whitmore.

Chỉ chưa đầy 8 tháng, vợ chồng anh T.V.C. (32 tuổi) và chị T.T.N.Q. (27 tuổi, cùng trú thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã mất đi cả ba đứa con bảy tuổi, năm tuổi và một tuổi. Đau lòng hơn, hai trong số ba đứa trẻ tử vong vì căn bệnh Whitmore, đứa bé còn lại cũng trong diện nghi ngờ vì biểu hiện bệnh giống nhau nhưng chưa kịp xét nghiệm máu thì cháu đã ra đi.

Cả ba trẻ đều có vết thương hở trước bệnh

Anh C. cho biết trước khi có biểu hiện bệnh, cả ba đứa con của anh đều có vết thương hở. Trường hợp đầu tiên là con gái đầu lòng của vợ chồng anh, cháu T.Q.T., sinh năm 2012, là học sinh lớp 1 trường Tiểu học Bắc Sơn C. Trước đó vài tháng, cháu T. bị ngã, phải khâu bốn mũi ở vùng cằm. Đến ngày 6/4, sau khi cùng gia đình đi chơi ở Sơn Tây về, tối đó cháu T. bị sốt kèm đau bụng.

2 anh em tu vong vi benh Whitmore anh 1
Giếng nước khoan gia đình anh C. nghi ngờ là nguồn lây vi khuẩn Whitmore cho các con qua vết thương hở. Ảnh: AH.

Vợ chồng anh C. tưởng cháu bị say xe nên bôi dầu và cho ra phòng khám tư kiểm tra. Tuy nhiên, khi đó đang có dịch sốt virus nên vợ chồng anh nghĩ rằng con bị sốt virus và cho cháu đi truyền nước. Sau truyền nước, cháu hạ sốt, tình trạng đỡ hơn. Thế nhưng, đến sáng hôm sau cháu lại sốt cao nên gia đình quyết định đưa đi bệnh viện.

Sau một ngày điều trị tại Bênh viện đa khoa Sóc Sơn, cháu T. tiếp tục được chuyển đến Khoa cấp cứu của BV Xanh Pôn. Nhưng đến 7h ngày 9/4, cháu T. tử vong với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột.

Trường hợp thứ hai là cháu T.C.V., năm tuổi. Sau vài tháng chị mất vì nhiễm khuẩn, cháu V. cũng có biểu hiện sốt cao vào ngày 27/10. Trước đó tròn một tháng, cháu V. phải trải qua ca phẫu thuật mổ ruột thừa. Tại bệnh viện, các bác sĩ kiểm tra thấy vết mổ không nhiễm trùng, xét nghiệm máu không ra bệnh. Vì sốt không rõ nguyên nhân nên các bác sĩ chỉ điều trị sốt thông thường. Đến 21h, ngày 31/10, cháu tử vong. Sau khi cháu qua đời, BV có kết quả xét nghiệm máu cháu dương tính với vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore.

Đứa con út của vợ chồng anh C., cháu T.Q.H., mới hơn một tuổi cũng có biểu hiện sốt cao 38,5 độ C. Lo lắng giống như trường hợp của hai đứa con trước, ngay trong đêm vợ chồng anh C. vội vàng bắt taxi đưa con đi BV Nhi Trung ương. Tại bệnh viện, các bác sĩ cũng biết bệnh sử của gia đình nên ngay lập tức cho đi xét nghiệm vi khuẩn Burkholderiapseudomallei. Kết quả xét nghiệm đầu tiên âm tính với vi khuẩn, đến khi lấy mẫu cấy lần hai và lần ba thì liên tiếp dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei. Các bác sĩ điều trị cho cháu H. với phác đồ nặng nhất nhưng cuối cùng cháu cũng không qua khỏi.

“Cả ba đứa con của tôi đều có vết thương hở. Một đứa bị tai nạn phải khâu bốn mũi, một đứa mổ ruột thừa, cháu bé nhất sau khi xảy ra chuyện với hai đứa con đầu, vợ chồng tôi đưa cháu đi lấy máu xét nghiệm kháng thể. Có thể chính mũi kim để lại trên da sau khi lấy máu đã nhiễm vi khuẩn trong quá trình các cháu tắm rửa”, anh C. nghi ngờ.

Hiện tại, gia đình anh C. và các hộ dân khác tại xã Bắc Sơn và nhiều xã lân cận vẫn chưa được dùng nước sạch mà phải dùng nước giếng khoan bơm từ dưới lòng đất lên.

Khuyến cáo người dân ăn chín, uống sôi

Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cho biết sau khi sự việc xảy ra, trung tâm đã phối hợp với Trạm Y tế xã Bắc Sơn và cộng tác viên y tế thôn tiến hành điều tra tại gia đình bệnh nhân và các hộ gia đình xung quanh. Cán bộ hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đun sôi nước trước khi sử dụng, sử dụng đồ bảo hộ trong khi làm việc như mang ủng, đeo găng tay..., tránh tiếp xúc trực tiếp với đất, tránh tiếp xúc ngoài trời với mưa lớn và mây bụi.

Cạnh đó, Trung tâm Y tế phân công cán bộ hàng ngày theo dõi tình hình các bệnh nhân đang điều trị, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc tại khu vực có bệnh nhân và báo cáo.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, cho biết trung tâm này sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, các viện, cục để tiến hành điều tra kỹ lưỡng các yếu tố dịch tễ cũng như nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn, theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để có khuyến cáo kịp thời cho người dân.

Trước đó, trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Cảm cũng khẳng định hiện chưa có bằng chứng bệnh Whitmore lây từ người sang người, chưa có bằng chứng các cháu lây bệnh cho nhau. Tuy nhiên, việc trong thời gian ngắn các cháu cùng bị bệnh, tại cùng địa điểm là điều đáng quan tâm.

Bệnh Whitmore lây nhiễm như thế nào?

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người dân cần hiểu biết đúng về bệnh Whitmore.


https://plo.vn/xa-hoi/loi-ke-cua-bo-2-anh-em-tu-vong-vi-benh-whitmore-871317.html

Theo An Hiền/ Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm