5h30 sáng 26/7, Quốc Huy (22 tuổi) đã có mặt tại khu vực trước cửa Hội trường Thống nhất. Trên tay Huy là ổ bánh mì mua vội tại một cửa hàng tiện lợi gần đó. Hôm nay là ngày thứ hai anh làm tình nguyện viên tại Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại TP.HCM.
Công việc chính của các tình nguyện viên là hỗ trợ điều phối giao thông và hướng dẫn người dân đến viếng Tổng Bí thư. |
Quốc Huy cho biết công việc chính của các tình nguyện viên là hỗ trợ điều phối giao thông và hướng dẫn người dân đến viếng Tổng Bí thư. “Nghe thì đơn giản nhưng đến lúc làm rồi mới thấm thía. Hôm qua mình làm từ 6h đến 22h và tối về ngủ thì cứ cảm giác đôi chân không còn là của mình nữa”, Quốc Huy nói.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, các tình nguyện viên cho biết bản thân cảm thấy may mắn khi được đóng góp vào Lễ viếng của Tổng Bí thư. “Đa số tình nguyện viên đăng ký tham gia qua Thành đoàn TP.HCM. Dù tuyển đến hàng trăm người nhưng đơn đăng ký đã nhanh chóng khóa lại sau vài giờ”, Khánh Thy, tình nguyện viên, cho biết.
“Nhờ các bạn mà tôi được viếng Tổng Bí thư”
“Các anh chị ơi, mọi người qua đường nhanh giúp em ạ”.
“Mình không được mang túi xách, balô vào khu vực bên trong mà chỉ được mang điện thoại và căn cước công dân. Em xin lưu ý để tránh tốn thời gian của mọi người”.
“Mọi người xếp hàng khi vào viếng nha”.
Hai ngày nay, khu vực phía trước Hội trường Thống nhất - nơi diễn ra Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - luôn có những tiếng hướng dẫn của các tình nguyện viên. Nhờ đó, người dân đến tham quan Lễ viếng cũng hiểu mình cần làm gì để có thể vào bên trong Lễ viếng.
“Cô ơi, cô có đi Lễ viếng thì xếp hàng để vào bên trong nha cô. Balô, túi xách thì mình để ở ngoài giúp con ạ”, một tình nguyện viên nhận thấy sự bối rối của mẹ con bà Ngọc và lên tiếng hướng dẫn. Song, bà Ngọc vẫn cứ loay hoay vì đi từ xa đến mà lại không quen ai để gửi nhờ chiếc túi xách.
“Mình có thể thay phiên nhau vào viếng để tránh ảnh hưởng tới đồ mang theo”, nữ tình nguyện viên gợi ý. Cuối cùng, bà Ngọc và con trai cũng tranh thủ vào được Lễ viếng trong những giờ cuối cùng.
Các tình nguyện viên tại Lễ viếng Tổng Bí thư ở TP.HCM được nhiều người dân yêu mến nhờ sự nhiệt tình, trẻ trung và năng động. |
Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc (65 tuổi) đi cùng con trai từ Bình Dương lên TP.HCM để tranh thủ viếng Tổng Bí thư vào ngày cuối cùng. Có mặt trước Hội trường Thống nhất lúc 10h, bà Ngọc và con trai cứ loay hoay vì không biết phải làm sao.
“Nhờ có các bạn tình nguyện viên mà mẹ con tôi được vào viếng Tổng Bí thư. Nếu không thì chắc loay hoay ở bên ngoài rồi về thôi, trước đó tôi cũng chưa vào Hội trường Thống nhất lần nào nên cũng không biết”, bà Ngọc nói với Tri Thức - Znews.
Tương tự bà Ngọc, Thảo Trang (24 tuổi) cũng là một trong những người dân cuối cùng vào viếng Tổng Bí thư trước khi Lễ viếng kết thúc.
“Các tình nguyện viên ở đây nhiệt tình, giúp đỡ mình từ đầu đến cuối. Các bạn chỉ cho mình phải để xe ở đâu, nếu không mang theo căn cước công dân thì phải đi chỗ nào, đến lúc vào bên trong rồi vẫn được hướng dẫn tận tình”, Thảo Trang. “Trước đó mình cũng có ý định tham gia hỗ trợ Lễ viếng nhưng không kịp, số lượng nhân sự có hạn mà mọi người lại đăng ký quá nhanh”.
Theo ghi nhận, mỗi buổi sẽ có khoảng 60-80 tình nguyện viên hỗ trợ người dân đến viếng Tổng Bí thư. Công việc chính của các tình nguyện viên là hỗ trợ điều phối giao thông và hướng dẫn người dân thủ tục vào lễ viếng.
Mê làm tình nguyện đến quên ăn
Biết đến chương trình tình nguyện tại Lễ viếng thông qua Thành đoàn TP.HCM, Quốc Huy (sinh viên của Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM) đăng ký được hỗ trợ cả hai ngày 25 và 26/7 tại Hội trường Thống nhất.
“Mỗi ngày mình sẽ có mặt vào khoảng 5-6h rồi hỗ trợ người dân đến khi nào xong thì thôi”, Quốc Huy chia sẻ về công việc trong hai ngày qua. “Thậm chí, trong suốt ngày 25/7, mình không ăn gì cho đến khi về đến nhà vào lúc 23h. Không phải là không mang theo đồ ăn nhưng nhìn thấy mọi người đến viếng Tổng Bí thư thì mình chỉ muốn lao ra hỗ trợ, mê làm đến mức quên ăn”.
Tương tự Quốc Huy, Khánh Thi (27 tuổi) cũng đăng ký làm tình nguyện viên trong hai ngày 25 và 26/7, cô đã xin cấp trên nghỉ hai ngày phép để có thời gian cho công việc này. “Khi về đến nhà vào hôm qua thì mình mệt đến mức chỉ muốn ngủ một giấc thật dài. Công việc tình nguyện cũng khá vất vả cho những người không quen”, cô tâm sự.
Theo ghi nhận, mỗi buổi sẽ có khoảng 60-80 tình nguyện viên hỗ trợ người dân đến viếng Tổng Bí thư. |
Dù vậy, Khánh Thi cho biết sáng nay cô vẫn đến đúng giờ để tiếp tục hỗ trợ cho Lễ viếng. “Mệt thì mệt nhưng mình lại cảm thấy tự hào vì được làm việc ở đây. Phải làm tình nguyện như thế này mới cảm nhận được lòng yêu nước của mọi người và tình cảm của họ với ông”, Khánh Thi tâm sự.
Phụ trách chụp ảnh hoạt động của các tình nguyện viên và người dân đến viếng, Hữu Trọng (21 tuổi, thành viên CLB Nhiếp ảnh trẻ của TP.HCM) có mặt từ sáng sớm. Trọng cho biết anh ấn tượng nhất với hình ảnh những bạn trẻ cống hiến hết mình để hỗ trợ người dân.
“Sáng nay có nhiều bạn vừa làm vừa bật khóc khi nhìn thấy dòng người đến tiễn Tổng Bí thư ngày càng đông. Mình cầm máy chụp ảnh mà cũng xúc động theo”, Hữu Trọng nói thêm anh không hề cảm thấy mệt mỏi nhờ nhìn thấy nhiệt huyết và tinh thần của các tình nguyện viên khác.
Tính đến 12h ngày 26/7, Lễ viếng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống nhất đã đón 3.821 đoàn với 58.928 lượt người viếng.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).
Bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những công trình nổi bật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; gồm hai tập, tập một gồm các bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư đăng trên báo Nhân Dân từ năm 2011-2014. Tập 2 là những bài từ năm 2015-2017.
Nội dung sách tập trung vào các vấn đề đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...