Thanh Huyền đưa gói quà gồm bánh, sữa và nước lọc cho một người tới lễ viếng. Ảnh: Việt Hà. |
"Chị ơi, uống miếng nước cho đỡ khát rồi đi tiếp"
"Chú ơi, chú cầm cái bánh ăn lót dạ nhé"
Càng về trưa, quầy phục vụ đồ ăn nhẹ và nước uống miễn phí nằm trên đường đến nhà văn hóa thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) càng đông người.
Đây là hoạt động tình nguyện của các thành viên thuộc một CLB Zumba ở huyện Đông Anh. Họ phân phát những túi nhỏ gồm bánh mì, sữa và nước lọc cho những người tham dự Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
“Chúng tôi mong muốn giúp đỡ và hỗ trợ đồng bào từ xa đến quê nhà của Tổng Bí thư”, Thanh Huyền, chủ nhiệm của CLB thể thao, cho biết.
Nhiều người ghé quầy và nhận những suất quà miễn phí do nhóm tình nguyện viên chuẩn bị. Ảnh: Việt Hà. |
Mong muốn hỗ trợ đồng bào
Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, khoảng 11h ngày 25/7, nắng bắt đầu gay gắt, thời tiết trở nên oi bức nhưng các đoàn người vẫn liên tục đổ về thôn Lại Đà.
Tất cả mặc trang phục tối màu lịch sự, trên tay cầm sẵn căn cước công dân. Phần lớn đi theo đoàn đã đăng ký trước, một số người đi lẻ được ban tổ chức sắp xếp ghép đoàn để việc viếng được diễn ra nhanh chóng, trật tự.
Ước tính hàng nghìn người đã đổ về quê hương Tổng Bí thư, bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi mãi mãi của vị lãnh đạo. Dọc hai bên đường, nhiều ngôi nhà được treo cờ rủ. Ban tổ chức đã lập các hàng rào mềm từ xa để hướng dẫn, phân luồng giao thông, đồng thời bố trí xe điện đưa đón người dân từ UBND xã Đông Hội đến Nhà văn hóa thôn Lại Đà.
Thanh Huyền cho biết khi nắm được thông tin chi tiết về địa điểm viếng, CLB thể dục của cô đã lên kế hoạch tổ chức hoạt động tình nguyện này. Một thành viên là chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng trên địa bàn đã đứng ra tài trợ toàn bộ chi phí, bao gồm 2.000 suất quà miễn phí và các khoản phí khác.
Nhóm tình nguyện viên chuẩn bị khoảng 2.000 suất quà cho hôm nay. |
Tuy nhiên, sự đồng lòng của các thành viên đã giúp hoạt động tình nguyện diễn ra suôn sẻ từ 7h ngày 25/7 và duy trì tới khi hết suất quà. Đáp lại tấm lòng nhiệt tình của CLB là những nụ cười, lời động viên của khách thập phương tới viếng Tổng Bí thư.
Về phần mình, Thanh Huyền, sinh ra và lớn lên ở huyện Đông Anh, bày tỏ nỗi tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Tôi đau lòng khi hay tin bác Trọng qua đời. Tôi được biết về bác không chỉ qua báo đài, mà còn từ những câu chuyện của ông cha. Đây là mất mát của cả nước, của cả huyện Đông Anh”, cô chia sẻ.
Những người con Đông Anh
Biết ơn và muốn bày tỏ lòng kính trọng tới nhà lãnh đạo liêm khiết, hai vợ chồng Nguyễn Thị Hậu (sinh năm 1994) bay từ Đồng Nai ra Hà Nội để tham dự Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Họ chọn địa điểm viếng ở huyện Đông Anh thay vì Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng) bởi nơi đây cũng chính là quê hương của vợ chồng cô.
Nguyễn Thị Hậu và chồng bay từ Đồng Nai ra Hà Nội để viếng Tổng Bí thư. |
Sau khi nắm được thông tin tổ chức Lễ Quốc tang, Hậu cho biết vợ chồng cô tìm trên mạng xã hội các đoàn cần ghép người để thuận tiện đăng ký viếng. Nhờ làm công việc tự do, cặp vợ chồng có thể dễ dàng sắp xếp thời gian thăm viếng.
Tương tự, Trang, ngụ tại Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đưa con gái là Ngọc Diệp (9 tuổi) về quê nhà Đông Anh để dự Lễ viếng Tổng Bí thư. Sau đó, hai mẹ con sẽ tiện qua thăm người thân, họ hàng.
Ban đầu, Trang, kinh doanh tự do, dự định đi một mình nhưng con gái lớn lại chủ động muốn tham gia cùng. Cô cho biết những ngày gần đây, con gái thường xem các video liên quan đến sự ra đi của Tổng Bí thư, khiến gia đình bất ngờ.
"Con được biết rằng bác Trọng là một người cống hiến nhiều cho đất nước. Con thấy hình ảnh của bác Trọng trên mạng nhiều lắm", bé Ngọc Diệp trả lời khi được hỏi về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chiều 19/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 80 tuổi. Trong gần 60 năm công tác, Tổng Bí thư đã có nhiều đóng góp to lớn và đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), bắt đầu từ 7h00 đến 22h00 ngày 25/7 và từ 7h00 đến 13h00 ngày 26/7. Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h00 ngày 26/7 tại cùng địa điểm.
Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM) và tại quê nhà xã Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội). Lễ an táng lúc 15h00 ngày 26/7 tại Nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Lễ tang tạo điều kiện sắp xếp cho nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người đến các điểm viếng cần mặc trang phục tối màu, mang theo căn cước công dân gắn chip hoặc điện thoại đã cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR. Các đoàn nên đi xe chung đến khu vực tổ chức lễ tang.
Ban tổ chức đã chuẩn bị vòng hoa luân chuyển phục vụ các đoàn viếng. Gia đình cố Tổng Bí thư có nguyện vọng được miễn tiền, hoa quả, lễ phúng viếng, chấp điếu của các tổ chức, cá nhân khi đến viếng.
Bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những công trình nổi bật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; gồm hai tập, tập một gồm các bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư đăng trên báo Nhân Dân từ năm 2011-2014. Tập 2 là những bài từ năm 2015-2017.
Nội dung sách tập trung vào các vấn đề đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...