Nhiều bạn trẻ xếp hàng chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi đi làm. |
Khi trời còn chưa tỏ, Ly (25 tuổi) đã có mặt trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chờ được vào Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Du học sinh này vừa hạ cánh từ Trung Quốc vào 20h hôm qua. Nhưng việc đầu tiên cô thực hiện không phải trở về quê nhà Hải Phòng để thăm gia đình, mà nán lại Hà Nội một ngày để tham dự Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vị lãnh đạo mà cô và nhiều người khác gọi thân thương là “bác Trọng”.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Ly cho biết cô vừa kết thúc chuyến du học của mình tại Trung Quốc và đã đặt vé máy bay trở về nước từ sớm, nhưng vô tình đúng vào thời điểm diễn ra Lễ Quốc tang. Khi nghe tin bác Trọng mất, du học sinh đã không kìm được nước mắt.
“Tôi muốn tỏ lòng thành kính phân ưu trước vị lãnh đạo tận tụy vì quốc gia, vẫn gắng sức làm việc trong những ngày cuối đời. Gia đình tôi cũng sẽ muốn có mặt ở đây”, cô chia sẻ.
Ly ở lại Hà Nội thêm một ngày để tham dự Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Từ 5h, nhiều người, bao gồm nhiều bạn trẻ như Ly, đã có mặt tại các con phố xung quanh Nhà tang lễ Quốc gia như Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc và Trần Hưng Đạo để xếp hàng tham dự Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tất cả mặc trang phục tối màu và lịch sự. Một số người cho biết đã tìm hiểu kỹ quy định khi đến viếng như mang theo căn cước công dân gắn chip, hoặc điện thoại đã cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR.
Theo thông tin từ lực lượng chức năng, người dân sẽ được vào thăm viếng sau 17h. Do đó, những người đến từ sáng sớm có thể phải xếp hàng khá lâu. Nhưng thông tin này không khiến Nguyễn Thị Hương (33 tuổi) thấy nản lòng.
Cô đã xin nghỉ làm ngày hôm nay để cùng nhóm bạn 6 người tham dự lễ viếng. Hương đã dậy từ 4h sáng và di chuyển từ nhà riêng ở phố Khương Đình (quận Thanh Xuân). Giáo viên tiếng Nhật này dùng một từ “tôn kính” khi nói về Tổng Bí thư, bày tỏ lòng ngưỡng mộ tới vị lãnh đạo có lối sống giản dị.
“Đối với tôi, bác Trọng là tấm gương sáng để tôi và những người khác phải noi theo. Bác cũng có những lời nói ấn tượng, gần gũi mà sâu sắc, và là một người đã sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cô chia sẻ.
Kỳ Lân đang chờ bạn để cùng xếp hàng vào Nhà tang lễ Quốc gia. |
Tương tự, Kỳ Lân (24 tuổi, Hà Nội), sinh viên năm thứ 6 ngành y học cổ truyền, rời khỏi nhà ở Nam Đồng (quận Đống Đa) từ 5h và hiện chờ một người bạn đang di chuyển bằng xe buýt từ Long Biên tới khu vực tổ chức Lễ Quốc tang.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, anh cho biết mình cập nhật tin tức thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Giống như nhiều người trẻ khác, anh bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của vị lãnh đạo tận tụy với đất nước cho đến những phút cuối đời.
Anh và nhiều người trẻ, thế hệ được sinh ra trong thời bình, muốn thể hiện lòng biết ơn và sự chia buồn tại Lễ viếng hôm nay, cũng như lan tỏa trên không gian mạng.
Đó cũng là mong muốn của Ngọc Dũng (26 tuổi, Hà Nội) và Mai Thị Huệ (22 tuổi, Hà Nội). Hai người bạn chia sẻ rằng họ được truyền cảm hứng nhiều từ Tổng Bí thư, nên đã sấp xếp thời gian trước giờ đi làm để thăm viếng. Khi biết khung giờ thăm viếng dành cho người dân là sau 17h, họ đành rời đi và cho biết sẽ quay lại sau khi tan làm.
Khu vực ngã tư Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ trước 7h. |
Chiều 19/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 80 tuổi. Trong gần 60 năm công tác, Tổng Bí thư đã có nhiều đóng góp to lớn và đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Lễ tang tạo điều kiện sắp xếp cho nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người đến các điểm viếng cần mặc trang phục tối màu, mang theo căn cước công dân gắn chip hoặc điện thoại đã cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR. Các đoàn nên đi xe chung đến khu vực tổ chức lễ tang.
Ban tổ chức đã chuẩn bị vòng hoa luân chuyển phục vụ các đoàn viếng. Gia đình cố Tổng Bí thư có nguyện vọng được miễn tiền, hoa quả, lễ phúng viếng, chấp điếu của các tổ chức, cá nhân khi đến viếng.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), bắt đầu từ 7h00 đến 22h00 ngày 25/7 và từ 7h00 đến 13h00 ngày 26/7.
Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h00 ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Lễ an táng lúc 15h00 cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM) và tại quê nhà xã Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những công trình nổi bật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; gồm hai tập, tập một gồm các bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư đăng trên báo Nhân Dân từ năm 2011-2014. Tập 2 là những bài từ năm 2015-2017.
Nội dung sách tập trung vào các vấn đề đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...