Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lời khai chấn động của những bị cáo ở ‘phút 89’

Không chỉ Dương Chí Dũng khai ra người mật báo để chạy trốn, trước đó, nhiều bị cáo ở các phiên tòa đã khai những tình tiết làm thay đổi cục diện vụ án ở những giây phút cuối.

Dương Chí Dũng và người "mật báo" tin

Trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng luôn có những lời khai "tiền hậu bất nhất" về người báo tin để mình chạy trốn, nhưng tại phiên tòa ngày 7/1, Dũng lại khai ra người đó là một cán bộ công tác ở Bộ công an.

Theo đó, cuối phiên toà xét xử sáng 7/1, tất cả mọi người trong phiên toà cũng như những ai quan tâm đến vụ án đều “chết lặng” khi bị can Dương Chí Dũng khai ra người đã “mật báo” cho ông ta bỏ trốn.

Dương Chí Dũng tại tòa.

Đồng thời, ông Dũng cũng khẳng định đã hối lộ một số tiền không nhỏ cho người này. "Những điều tôi nói ở đây là sự thật khách quan. Tôi đã bị tuyên án tử hình ở vụ án của tôi rồi nên tôi hoàn toàn nói sự thật”, Dương Chí Dũng nói trước tòa.

Đây là chi tiết gây sốc trong phiên toà bởi trước đó, tại phiên tòa tháng 12/2013, Dương Chí Dũng không hề hé nửa lời về tình tiết này.

Vụ thiêu sống cả nhà ở Hải Phòng: Ai mới là hung thủ?

Gần đây nhất, tháng 12/2013, phiên tòa xét xử vụ thiêu sống cả nhà ở Hải Phòng cũng bất ngờ trước lời khai mới của bị cáo Trần Đình Điệp và 2 nhân chứng trực tiếp của vụ án.

Chiều 8/12, sau gần một ngày xét xử sơ thẩm vụ án tẩm xăng đốt chết bố cùng hai con gái, TAND Hải Phòng đã tuyên bố trả hồ sơ Cơ quan CSĐT Công an Hải Phòng để điều tra lại.

Theo cáo trạng của VKSND Hải Phòng: Trần Đình Điệp (SN 1987, xã Hồng Thái, huyện An Dương) khai, tối 17/3, vợ chồng Điệp có mâu thuẫn với ông Hậu, bố của Điệp.

Trong lúc giằng co, Điệp lấy can đựng xăng để ở gần giường ngủ hất khoảng 1,5 lít xăng vào bố, vợ đang trên giường và hai cô con gái của Điệp đang ngủ rồi châm lửa đốt. Hậu quả làm ông Hậu và hai con gái Điệp mới 4 - 5 tuổi bị tử vong, do cả ba cùng bị bỏng từ 70 - 90%.

Tuy nhiên, ngày 18/12, tại phiên xử, Điệp lại khai rằng, chính ông Hậu là người đổ xăng, phóng hỏa khiến ông Hậu cùng 2 cháu gái bị tử vong. Việc ban đầu Điệp nhận toàn bộ hành vi phạm tội về mình trước cơ quan công an vì Điệp cho rằng ông Hậu đã già, không thể chịu được cảnh tù.

Hai nhân chứng của vụ án cũng trả lời trước HĐXX, ông Hậu là người tưới xăng và châm lửa đốt. Từ lời khai này, TAND Hải Phòng đã tuyên trả hồ sơ Cơ quan CSĐT Công an Hải Phòng để điều tra lại.

Lời thú tội phút cuối gây bất ngờ, xoay chuyển phiên tòa

Phiên tòa xét xử về hồi cuối thì bất ngờ có lời thú tội. Những người dự tòa vỡ òa trong kinh ngạc. Đó là những gì diễn ra tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án giết người, gây rối trật tự công cộng và không tố giác tội phạm xảy ra vào cuối 4/2013 ở Hải Phòng.

Sau hai ngày xét xử (27/12 và 30/12/2013) phiên tòa kết thúc bằng việc “trả hồ sơ điều tra bổ sung” bởi bị can bị truy tố tội giết người trước đó đã được thay đổi.

Các bị can tại phiên tòa sơ thẩm.

Theo cáo trạng của Viện KSND Hải Phòng, khoảng 23h40 ngày 29/4/2013, Phạm Hoàng Sơn, Lê Anh và 5 người nữa đã đến quán rượu để uống rượu.

Tại đây xảy ra mâu thuẫn, Phạm Hoàng Sơn đã dùng dao đâm anh Nguyễn Văn Tuấn (một khách hàng tại quán) tử vong. Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, Phạm Hoàng Sơn không nhận việc dùng dao đâm anh Tuấn chết. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của nhóm bạn đi cùng và các chứng cứ thu thập, xác định Sơn là hung thủ.

Đối với Lê Anh, khi thấy Sơn đánh nhau với anh Tuấn và bị Tuấn đạp ngã thì Lê Anh xông vào đấm, đá anh Tuấn, tạo điều kiện để Sơn vùng dậy dùng dao đâm anh Tuấn.

Viện KSND Hải Phòng đã truy tố Phạm Hoàng Sơn, Lê Anh về tội Giết người; truy tố các bị can còn lại về tội gây rối trật tự công cộng và tội không tố giác tội phạm.

Tuy nhiên tại phiên tòa ngày 30/12, điều bất ngờ là vào phút cuối, bị can Lê Anh đã xin khai lại: Sơn không giết anh Tuấn mà chính mình mới là hung thủ. Sau thời gian nghị án, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ vụ án, tránh oan sai, bỏ sót tội phạm nếu có.

"Danh sách đen" trong vụ Sầm Đức Xương

Tình tiết bất ngờ nhất trong phiên xử phúc thẩm vụ án “hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm” chiều ngày 27/1/2011 là bản “danh sách đen” những người mua dâm được bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thị Hằng khai tại tòa.

Bị cáo Sầm Đức Xương.

Ngoài phải làm “nô lệ” tình dục cho thầy hiệu trưởng, 2 cựu học sinh này còn khai đã bán thân cho một số nhân vật VIP - bạn của ông Xương. Mỗi lần được phục vụ, những vị khách này trả thấp nhất 500.000 đồng, cao nhất 5 triệu đồng. Cách thức, phương thức của những lần quan hệ tình dục này, vẫn là thông qua những cuộc điện thoại tại nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn thị xã Hà Giang và huyện Bắc Quang.

Hai nữ bị cáo đã khai rõ ràng trước tòa gần 10 nhân vật này đều là quan chức tỉnh Hà Giang.

Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa là Cao Xuân Hùng nhận định, những lời tố cáo của hai bị cáo chỉ là lời từ một phía, không có trong bản án sơ thẩm nên cần bóc tách và chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp tục làm rõ. Do đó, tòa đã dừng việc hỏi các nội dung này.

Xiêng Phênh lời khai khó tin trước phút hành hình

Khi theo dõi diễn biến những lời khai ở "phút cuối" của Dương Chí Dũng, nhiều người đã liên tưởng tới vụ án Vũ Xuân Trường - Xiêng Phênh từng chấn động cách đây hơn 2 thập kỷ.

Vụ án đình đám này bắt đầu từ một buổi sáng ngày 18/1/1995. Lúc ấy Xiêng Phênh bị lực lượng chức năng phát hiện vận chuyển 90 bánh heroin. Sau 7 tháng điều tra, Xiêng Phênh phải nhận án tử hình.

Rạng sáng 21/6/1996 Xiêng Phênh được đưa vào phòng để làm các thủ tục trước khi thi hành án tử hình. Biết sắp chết, Y hoàn toàn suy sụp vì không được đồng bọn đến giải cứu và hắn một mực đòi xin cán bộ được khai thật.

Lúc này, Trung tá Nguyễn Đức Nhanh, Trưởng phòng CSĐT đã đề nghị cho hoãn thi hành án tử hình đối với Xiêng Phênh để tiếp tục khai thác mở rộng điều tra vụ án.

Một đường dây buôn bán ma túy lớn từ Lào về Việt Nam lần lượt là Vũ Xuân Trường (nguyên đại uý thuộc Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an), Vũ Hữu Chỉnh và một số cán bộ công an, bộ đội biên phòng đều bị bắt sau lời khai ở "phút cuối" này.

Những người trong đường dây đã mua bán, vận chuyển trên 250kg heroin, 210kg thuốc phiện và đã 11 lần đưa ma túy thẩm lậu vào Việt Nam. Năm 1998, Vũ Xuân Trường bị thi hành án tử hình.

Nhờ lời khai này, Xiêng Phênh thoát khỏi án tử. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi ra tù, Xiêng Phênh lại "ngựa quen đường cũ" quay lại với vị trí trùm ma túy và bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh và Công an tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) bắt giữ sau đó.

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm