Tôi - Mara Wilson - bước vào nghề diễn viên điện ảnh từ khi mới chỉ 5 tuổi. Tôi là diễn viên chính của một số bộ phim nổi tiếng như Matilda hay Mrs. Doubtfire.
Vào sinh nhật thứ 13, tôi nhốt mình trong một phòng khách sạn ở Toronto (Canada). Hôm ấy là vào tháng 7/2000, tôi tham gia chuyến lưu diễn quảng bá bộ phim Thomas and the Magic Railroad.
Vốn dĩ, nhà sản xuất hứa rằng sẽ cho tôi nghỉ vào sinh nhật. Thế nhưng, buổi tối sau khi bay từ Los Angeles (Mỹ) đến Toronto, tôi mới biết mình vẫn sẽ phải trò chuyện với báo giới cả ngày hôm sau.
Nữ diễn viên Mara Wilson trong bộ phim Mrs. Doubtfire năm 1993. Ảnh: Everett Collection/20th Century Fox. |
Truyền thông đặt điều
Thực ra, làm việc vào ngày sinh nhật không phải điều gì đó mới mẻ đối với tôi. Tôi tổ chức sinh nhật thứ 8 của mình trên phim trường Matilda và thứ 9 trong lúc quay A Simple Wish. Thế nhưng, tôi vẫn không khỏi thất vọng. Ngoài bảo mẫu ra, tôi cô độc, chẳng có ai ở bên.
Sáng thức dậy, tôi loạng choạng vì jet lag nhưng vẫn cố gắng khoác lên người bộ trang phục đẹp nhất của mình, chuẩn bị tiếp xúc với truyền thông.
Trước khi cuộc phỏng vấn diễn ra, hai điều phối viên báo chí đã kiểm tra xem tôi có cần gì không. Tôi đáp lại rằng mình vẫn ổn vì không muốn mang tiếng là người hay phàn nàn.
Tuy nhiên, khi một phóng viên hỏi rằng tôi đang cảm thấy thế nào, tôi đã mắc một trong những sai lầm lớn nhất cuộc đời mình ở tuổi 13. Tôi nói với cô ấy sự thật rằng mình khá mệt mỏi.
Mara đã từ giã sự nghiệp diễn viên từ năm 2000. Ảnh: New York Times. |
Tôi không hiểu vì sao tôi mở lòng với nữ phóng viên đó. Có lẽ bởi cô ấy thực sự quan tâm. Hơn nữa, tôi chưa bao giờ giỏi che giấu cảm xúc của mình.
Ngay hôm sau, tờ báo Canada - nơi nữ phóng viên đó làm việc - đặt gương mặt của tôi lên trang chính của mục giải trí. Bài báo được đăng có tựa đề: “Cuộc phỏng vấn chưa thể bắt đầu bởi Ngôi sao nhí Mara Wilson còn mải phàn nàn về đội ngũ nhân viên”.
Bài viết mô tả tôi là một “đứa trẻ hư hỏng”, đồng thời đề cập đến những sai lầm mà các diễn viên nhí nổi tiếng quá sớm như tôi thường phạm phải. Nó bao hàm cái tôi hiện gọi là The Narrative - ngụ ý rằng bất kỳ ai lớn lên dưới sự soi xét của công chúng đều sẽ gặp phải một kết cục bi thảm nào đó.
Ở tuổi 13, tôi đã biết tất cả về The Narrative. Là một diễn viên từ năm 5 tuổi, chính đóng vai chính năm 8 tuổi, tôi được đào tạo để “bình thường nhất” có thể - bất cứ điều gì để tôi tránh xa sự sa sút.
Tôi ngủ chung phòng với em gái. Tôi học trường công và là một nữ Hướng đạo sinh. Khi ai đó gọi tôi là “ngôi sao”, tôi phải khăng khăng rằng mình chỉ là một diễn viên, còn “ngôi sao” ở trên trời. Không ai được động đến khoản thu nhập của tôi cho đến khi tôi bước sang tuổi 18.
Thế nhưng, truyền thông vẫn đặt điều về tôi như vậy.
Tạo nên ngôi sao để tiêu diệt
Thời điểm đó, các nhà quản lý tài năng thường nói rằng những đứa trẻ 12 tuổi phải “trông thật ngây thơ” để được tuyển chọn vào vai diễn.
Vì vậy, khi được hỏi suy nghĩ của tôi về Britney Spears, tôi - một diễn viên nhí 13 tuổi - đã đáp rằng “tôi ghét cô ấy”.
Britney Spears trình diễn trên các sân khấu vào năm 2000. Ảnh: Dave Hogan/Getty Images (trái) và G. Paul Burnett/The New York Times. |
Thực tế, tôi không thực sự ghét Britney Spears. Nhưng tôi cũng không dám thừa nhận là thích cô ấy. Một phần là do sự ghen tị đơn thuần của tôi: Britney rất đẹp và ngầu theo cái cách mà tôi không bao giờ có thể làm được.
Đối với tôi, cách mọi người nói về Britney Spears ngày ấy thật kinh hoàng và cho đến giờ vẫn vậy. Câu chuyện của cô ấy là ví dụ điển hình của một hiện tượng tồn tại suốt nhiều năm qua: Chúng ta xây dựng những cô gái này lên chỉ để tiêu diệt, đạp đổ họ.
May mắn thay, mọi người dần nhận ra những gì họ đối xử với Britney là sai lầm và bắt đầu xin lỗi cô ấy. Nhưng chúng ta vẫn phải sống cùng với những vết sẹo từ quá khứ.
Năm 2000, Britney bị gắn mác là “bad girl” (gái hư). Cô ấy có mặt trên trang bìa Rolling Stone, với dòng chữ đầu tiên đã miêu tả “cặp đùi mật ong” quyến rũ như thế nào. Công chúng cũng bày tỏ sự phấn khích trên bảng tin nhắn AOL khi phát hiện núm vú của Britney lộ qua áo sơ mi.
Bên cạnh đó, tôi chứng kiến nhiều diễn viên và ca sĩ tuổi teen coi tình dục như một lẽ thông thường. Họ xuất hiện trên trang bìa của nhiều tạp chí hoặc MV ca nhạc khiêu gợi.
Tôi quả quyết mình sẽ không theo đuổi hình tượng đó. Tôi chủ yếu đóng phim gia đình. Váy của tôi luôn dài quá đầu gối. Thế nhưng, tôi vẫn bị tình dục hóa.
Britney Spears trên sân khấu tại MTV Video Music Awards năm 2016. Ảnh: Charles Sykes/Invision. |
Hollywood có thể quyết tâm xử lý các vấn đề quấy rối tình dục trong ngành, nhưng thực ra tôi chưa bao giờ bị quấy rối trên phim trường. Chính công chúng và truyền thông mới là đối tượng quấy rối tôi.
Năm tôi lên 6, mọi người hỏi tôi những câu như “Cháu có bạn trai chưa?”, “Nam diễn viên quyến rũ nhất là ai?”, hoặc tôi có suy nghĩ gì về việc nam diễn viên Hugh Grant bị bắt vì mua bán mại dâm.
Thật dễ thương khi một khán giả 10 tuổi gửi thư bày tỏ tình cảm với tôi, nhưng một gã đàn ông 50 tuổi thì không. Khi tôi chưa đầy 12 tuổi, vô số bức ảnh của tôi bị chỉnh sửa, cắt ghép thành nội dung khiêu dâm trẻ em và tung lên trang web người lớn. Tôi xấu hổ vô cùng.
Mặc định "cái giá" phải trả của sao nhí
Một phần lớn trong The Narrative giả định rằng những đứa trẻ nổi tiếng xứng đáng chịu chỉ trích, xỉa xói từ công chúng. Đó là “cái giá” mà cô bé, cậu nhóc phải trả vì đạt thành công và giàu có từ sớm.
Trên thực tế, The Narrative thường không phải do tự đứa trẻ gây ra, mà bởi những người xung quanh chúng nhiều hơn.
Dưới chế độ làm việc hà khắc của tập đoàn MGM, cố diễn viên Judy Garland vừa bị ép giảm cân vừa phải dùng thuốc để giữ tỉnh táo khi còn trong độ tuổi vị thành niên. Cố diễn viên nhí Rebecca Schaeffer bị sát hại bởi một kẻ theo dõi ám ảnh cô bé.
Drew Barrymore từng phải đi cai nghiện ở tuổi 13. Ngày ấy, thay vì được đến trường, người bố nghiện rượu và mẹ Drew đưa cô đến Studio 54 để làm việc.
Drew Barrymore nổi tiếng từ năm 5 tuổi. Ở tuổi 13, cô phải đi cai nghiện, từng tự tử hụt một lần. Ảnh: Jim Smeal/Getty Images (trái) và Celebuzz. |
Họ cho rằng cuộc khủng hoảng năm 2007 của Britney Spears cũng là kết cục nhìn thấy trước, y hệt The Narrative “tiên đoán”. Nhưng sự thật là cái ngày Britney ly dị chồng, cạo đầu và điên tiết đập phá xe của cánh paparazzi bằng chiếc ô, cô ấy mới làm mẹ, bỡ ngỡ với quá nhiều sự thay đổi lớn.
Thông thường, những người như Britney cần nhiều không gian, thời gian và sự quan tâm, săn sóc của người thân để dần thích nghi. Tuy nhiên, “công chúa nhạc pop” chẳng có điều đó.
Nhiều khoảnh khắc trong cuộc đời Britney và tôi có sự tương đồng. Chúng tôi đều có hãng búp bê mô phỏng ngoại hình của mình, có bạn thân, bạn trai chia sẻ bí mật của chúng tôi với truyền thông và cả những gã đàn ông trường thành bình luận khiếm nhã về cơ thể chúng tôi.
Nhưng cuộc sống của tôi phần nào dễ dàng hơn cô ấy bởi tôi luôn có sự ủng hộ của gia đình. Nếu tôi cần tránh khỏi sự soi xét của công chúng, ngôi nhà thân thương hoặc trường học là những nơi trú ẩn an toàn. Số tiền tôi vất vả kiếm được từ thuở nhỏ là do tôi kiểm soát.
Trở lại bài báo năm tôi 13 tuổi, thay vì trách móc tôi, bố tôi lại rất thông cảm. Bố chỉ nhắc nhở tôi nên tích cực và nhã nhặn hơn với cánh báo giới.
Tuy nhiên, tôi có thể thấy được rằng bố tôi nghĩ điều đó thật chẳng công bằng với con gái ông. Ông ấy hiểu tính cách của tôi hơn những nhà báo kia. Điều đó đã giúp tôi biết và hiểu về bản thân hơn.
Truyền thông, công chúng không thể áp đặt The Narrative lên cuộc sống của tôi, bởi chuyện đời tôi, tôi tự viết.