Ngày 8/12, TAND tỉnh Bến Tre xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Văn Măng (58 tuổi, ngụ xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam) về các tội Giết người và Cố ý gây thương tích. Nạn nhân trong vụ án này là ông Nguyễn Văn Chín (chú họ Măng, tử vong) và bà Bùi Thị Xuân (vợ ông Chín) bị thương tật 10%.
Chú cháu tương tàn vì cái ranh đất
Nhà ông Chín và nhà Măng nằm gần nhau, cùng ở ấp Tân Hòa B (xã Minh Đức).
Hai gia đình có cùng chung cái ranh đất của ông bà để lại. Cái ranh đất này chính là nguồn cơn các tranh chấp giữa hai nhà kéo dài 11 năm qua. Vụ việc đã được chính quyền địa phương nhiều lần hòa giải nhưng đều không thành. Tình cảm gia đình hai chú cháu ngày càng căng thẳng.
Khoảng 13h ngày 7/6, sau khi đi uống rượu về, ông Chín đứng trước sân nhà Măng cự cãi về ranh đất. Măng liền đến Công an xã Minh Đức trình báo sự việc. Công an xã đến xác minh vụ việc nhưng ông Chín đã say rượu ngủ rồi nên công an gửi giấy mời hôm sau đến đồn giải quyết.
Khoảng 15h15 cùng ngày, ông Chín lại sang nhà Măng cự cãi và thách thức đánh nhau. Lúc này bà Xuân (vợ ông Chín) ra can ngăn khuyên về nhưng ông Chín không về.
Bức xúc, Măng lấy con dao xông đến nơi ông Chín đứng. Thấy Măng cầm dao, ông Chín bỏ chạy nhưng bị Măng đuổi kịp chém tử vong tại chỗ.
Tiếp đó Măng cầm dao đuổi chém bà Xuân một nhát trúng lưng. Bà Xuân bỏ chạy vào một nhà dân gần đó và được mọi người đưa đi cấp cứu. Theo kết quả giám định, bà Xuân bị thương tích 10%.
Sau khi gây án Măng đã đến công an xã đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.
Bị cáo Nguyễn Văn Măng. |
Nghèo càng nghèo thêm
Tòa hỏi bị cáo tại sao lại chém ông Chín, bị cáo khai: “Vợ bị cáo bệnh nặng nằm một chỗ ở nhà, vậy mà chỉ vì cái ranh đất mà ông Chín đã rất nhiều lần sang nhà bị cáo chửi bới khiến bị cáo không dằn được cơn nóng giận”.
Tòa hỏi tiếp sau khi chém ông Chín xong, lý do gì bị cáo lại chém bà Xuân thì Măng đáp: Sau khi gây án, bị cáo định xách dao đi đầu thú nhưng trên đường đi bị cáo thấy bà Xuân, bị cáo lại nhớ chuyện mâu thuẫn trước của hai gia đình nên chém bà Xuân để cảnh cáo.
Suốt phiên tòa bị cáo và bị hại không ai nhìn mặt ai. Nhà bị cáo là hộ nghèo, nhà bị hại cũng nghèo không kém. Sau bi kịch, cả hai bên gia đình đều rơi vào hoàn cảnh khốn khó hơn. Bà Xuân nức nở khai từ ngày ông Chín mất, cuộc sống gia đình trước đây vốn đã nghèo giờ càng nghèo thêm.
Phía bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường chi phí mai táng và tổn thất về tinh thần, sức khỏe tổng cộng hơn 250 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu bị cáo phải cấp dưỡng cho con của bị hại mỗi tháng 800.000 đồng cho đến khi cháu bé đủ 18 tuổi.
Nghe số tiền bị hại đòi bồi thường quá lớn, bị cáo Măng lúng túng nói: “Xin tòa xem xét cho bị cáo mức bồi thường theo quy định pháp luật. Bản thân bị cáo từ ngày bị bắt giam tới nay gia đình túng quá, vợ bị cáo bị bệnh tai biến đã hơn 10 năm nay nằm một chỗ, không người chăm sóc”.
Lời sám hối muộn màng
Ngồi ở hàng ghế phía sau, chị Hồng (23 tuổi, người con duy nhất của bị cáo) mắt đỏ hoe. Chị nghẹn ngào trình bày: “Từ ngày cha tôi gây ra vụ việc, cha bị bắt, mẹ nằm bệnh ở nhà không ai chăm sóc. Tôi biết cha mình đã sai. Dù đang lúc khó khăn tôi cũng cố gắng chạy vạy gom góp hết tài sản trong gia đình được 50 triệu đồng và đã bồi thường cho gia đình bị hại, mong HĐXX cho cha tôi được giảm án để được sớm trở về chăm sóc mẹ”.
Nghe con gái nói, bị cáo Măng không cầm được nước mắt nói: “Nếu thời gian có thể quay ngược lại thì bị cáo đã không hành xử như vậy. Bị cáo mong gia đình bị hại hãy tha thứ cho bị cáo, mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm được trở về chuộc lại lỗi lầm”.
Tuy nhiên, có lẽ lời sám hối đã quá muộn màng. Trước tòa, bà Xuân vẫn dứt khoát đề nghị HĐXX phải xử phạt bị cáo nghiêm minh theo pháp luật.
Xét thấy trong vụ án có một phần lỗi của bị hại, bản thân bị cáo cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ: Chưa tiền án tiền sự, bị hạn chế về năng lực hành vi, bị cáo có thời gian phục vụ kháng chiến và được tặng nhiều huân huy chương, gia đình khó khăn, vợ bệnh, tự nguyện đầu thú, đã bồi thường một phần cho phía bị hại… HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Măng 10 năm tù.
Tòa còn buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại gần 135 triệu đồng tổn thất và sức khỏe bị xâm phạm. Đồng thời bị cáo có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của bị hại cho đến khi cháu bé đủ 18 tuổi.
Phiên tòa kết thúc, bị cáo tra tay vào còng, dáng người gầy gò, lọm khọm lầm lũi bước lên xe tù về lại trại giam…
Những vụ án từ tranh chấp đất đai tương tự
- Vụ án xảy ra giữa hai anh em ruột là ông Hùng (56 tuổi) làm hiệu phó một trường THPT, ông Toại (51 tuổi, em trai ông Hùng, ở huyện Ứng Hoà, Hà Nội) cũng công tác trong ngành giáo dục. Hai anh em đã xảy ra mâu thuẫn, xô xát liên tục chỉ vì tranh chấp mảnh đất mẹ ruột để lại. Đỉnh điểm mâu thuẫn xảy ra vào chiều 26/11/2015, ông Toại đã dùng dao tấn công anh trai khiến ông Hùng bị thương tích 7%. Ông Toại lĩnh 6 tháng tù. Vị phó hiệu trưởng muốn “công lý thực thi” nên kiên quyết không xin HĐXX giảm án cho em.
- Do cạnh tranh mua bán và tranh chấp 3.000 m2 đất của người cha để lại, khoảng 7h sáng 29/9/2014, vợ chồng Danh Hậu Phương (38 tuổi) và Võ Thị Nga (41 tuổi, ngụ ấp Kiên Hảo, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) đã đón đường đánh chết vợ chồng người anh ruột là Danh Thanh Hậu (41 tuổi) và Triệu Thị Ly Na (30 tuổi).
- Sáng 30/9, tại xã Cẩm Quang (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã xảy ra vụ án mạng khiến một người chết. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Kỳ (33 tuổi, ngụ thôn 9) và nghi can là Nguyễn Văn Lê (27 tuổi), em ruột nạn nhân.
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Xuyên, vì mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai, giữa hai anh em Kỳ và Lê thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Lê đã cầm một cái kéo tấn công khiến anh trai tử vong tại chỗ.