Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Lối sống thất bại' hikikomori ở Nhật đang thay đổi

Không còn ăn bám gia đình, nhiều hikikomori tập trung vào công việc và sở thích của bản thân, kết nối trực tuyến với mọi người nhằm thay đổi góc nhìn của xã hội.

Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến những thay đổi xoay quanh cuộc sống của những hikikomori, người từ chối tiếp xúc với xã hội, trong vài năm gần đây và nhất là lúc dịch bệnh đang diễn ra.

Hikikomori là thuật ngữ dùng ám chỉ những người từ chối tiếp xúc với xã hội, không đi học, đi làm và hầu như không giao tiếp với ai khác ngoài gia đình, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.

Theo các nghiên cứu của Chính phủ Nhật Bản, cả nước có khoảng 1,15 triệu hikikomori từ 15 đến 64 tuổi.

Những người này được xem là “lost generation” (thế hệ lạc lối) của đất nước, luôn sống ăn bám bố mẹ và chỉ nhìn đời thông qua màn hình máy tính, điện thoại.

Thế nhưng, trong khi những người hướng ngoại, nghiện công việc đang phải “vật lộn” với lệnh cách ly xã hội tại nhà suốt một tháng, các hikikomori lại cho rằng yêu cầu trên là điều bình thường, thậm chí việc này còn giúp họ trở thành “gương tốt” trong công cuộc chống dịch ở nước nhà.

“Hikikomori không còn là những người vô dụng nữa”

Không tìm được công việc phù hợp để thực hiện ước mơ trở thành tiểu thuyết gia, Nito Souji trở về quê nhà ở Kobe (tỉnh Hyogo), sau khi tốt nghiệp đại học ở Tokyo, với hy vọng trở thành người sáng tạo các tác phẩm manga tự xuất bản.

“Tôi không có bạn bè ở quê nhà. Lối làm việc quy củ và hối hả ở Nhật khiến tôi cảm thấy xấu hổ khi ra ngoài”, anh cho biết.

Vì thế, Nito đã dự định xa rời xã hội khoảng 3 năm, cho đến khi anh có thể tự nuôi sống bản thân. Thế nhưng suốt 10 năm qua, Nito vẫn tiếp tục trở thành một hikikomori với mục tiêu sống mỗi ngày là chỉ tập trung vào những việc có ích.

“Đối với tôi, thời gian qua dễ chịu gấp nhiều lần so với guồng quay của những công việc bên ngoài”, anh nói.

Hiện tại, Nito sở hữu kỹ năng tiếng Anh lưu loát và là “cha đẻ” của một phần mềm trò chơi lấy cảm hứng từ chính trải nghiệm của bản thân.

“Mong muốn trở thành người tự lập, thay đổi cách nhìn xã hội đã thúc đẩy tôi làm việc. Trong 10 năm qua, tôi đã có được những thứ mình muốn. Tôi hy vọng mọi người sớm thay đổi nhìn nhận rằng hikikomori không còn là những người vô dụng nữa”, anh nói.

Nito cho biết anh trông chờ doanh thu của trò chơi sẽ đủ để anh tự tin thoát khỏi sự lẩn trốn bấy lâu nay và bắt đầu sống như một công dân bình thường khi dịch bệnh qua đi.

loi song hikikomori anh 1

Theo thống kê, số lượng hikikomori tại Nhật Bản ngày nay lên đến con số hàng triệu, đó cũng là lý do lối sống này được xem là bi kịch của xã hội thời hiện đại.

Dùng thời gian để kết nối nhiều hơn

CLiONE, một hikikomori hành nghề DJ tự xưng tại Tokyo, cũng bắt đầu lối sống ẩn dật để tập trung vào niềm đam mê của mình.

Suốt 3 năm qua, CLiONE dành phần lớn thời gian ở nhà một mình, sản xuất âm nhạc, hòa âm phối khí và đôi khi đảm nhận công việc DJ trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Lấy cảm hứng từ Marshmello, DJ và nhà sản xuất âm nhạc điện tử người Mỹ luôn đội chiếc mặt nạ marshmallow, CLiONE đã sử dụng linh hoạt những chiếc mặt nạ hoạt hình trong các buổi livestream để có vẻ ngoài bí ẩn.

Anh mong muốn kết nối trực tuyến với nhiều người để giúp họ vượt qua nỗi cô đơn suốt thời gian giãn cách xã hội và giảm bớt lo lắng trước tin tức về tình hình dịch bệnh.

Nam DJ cho rằng việc giao tiếp với người khác luôn giúp chúng ta giải tỏa những căng thẳng, bất kể tính cách như thế nào, bởi lẽ khi chúng ta nghiền ngẫm mọi thứ một mình, suy nghĩ thường có xu hướng tiêu cực.

“Vì thế, tôi khuyên mọi người nên tập kết nối với nhau, dù chỉ bằng hình thức trực tuyến. Những cuộc trò chuyện với người chưa từng gặp có thể sẽ giúp ta thoải mái và chia sẻ thật lòng hơn”, anh nói.

Lối sống khó bỏ

Không hợp với văn hóa làm việc của Nhật Bản, thường xuyên thiếu ngủ và phải tăng ca vào cuối tuần, Shin trở thành một hikikomori từ lúc 21 tuổi, đến nay đã 14 năm.

Anh cho biết ở một mình và làm những việc yêu thích khiến anh cảm thấy thoải mái. Hơn hết, nó giúp anh sắp xếp và cân nhắc hơn về cuộc sống và các quyết định của mình.

“Nếu cảm thấy căng thẳng, tôi sẽ xem phim hành động. Ngoài ra, việc di chuyển trong nhà cũng giúp tôi giảm bớt áp lực ở một mức độ nhất định”, anh nói.

Năm 27 tuổi, anh bắt đầu “tái hòa nhập” xã hội nhờ sự giúp đỡ của một tổ chức phi lợi nhuận, thế nhưng sau đó, anh luôn tìm kiếm những công việc có thể làm tại nhà.

“Mặc dù đã lập gia đình, tôi vẫn giữ lối sống như một hikikomori. Những thứ bên ngoài xã hội khó có thể tác động đến cuộc sống của tôi”, anh khẳng định.

Nito và CLiONE đều cho biết yêu cầu cách ly xã hội của Chính phủ Nhật Bản không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch hàng ngày của họ.

Hơn hết, CLiONE cho rằng lối sống hikikomori sẽ ngày càng phổ biến trên thế giới kể từ sau Covid-19, khi bệnh dịch khiến con người e ngại việc giao tiếp thân mật với nhau.

Covid-19 bóc trần khoảng cách giàu nghèo tại New York phồn hoa

Khi dịch bệnh ngày càng chuyển biến trầm trọng, trong lòng New York lại nổi lên một tâm dịch khác: chênh lệch xã hội.

Mẫn Nhi

Bạn có thể quan tâm