Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Covid-19 bóc trần khoảng cách giàu nghèo tại New York phồn hoa

Khi dịch bệnh ngày càng chuyển biến trầm trọng, trong lòng New York lại nổi lên một tâm dịch khác: chênh lệch xã hội.

Zing trích dịch bài đăng trên The Guardian, đề cập đến khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội New York và những bất công mà người nhập cư nghèo khó đang phải gánh chịu giữa dịch Covid-19.

Covid-19 đã bộc lộ rõ hai xã hội tách biệt của New York.

“Một xã hội có thể trú ẩn trong những biệt thự trên 'con đường tỷ phú' dọc bờ biển Hamptons, hoặc có nơi cư trú ổn định với đầy đủ vật dụng cần thiết để họ chấp nhận ở yên trong đó suốt mùa dịch.

Một xã hội khác là những nhân viên tuyến đầu, buộc phải ra ngoài làm việc mà không được cung cấp bất cứ đồ dùng bảo hộ nào”, Jumaane Williams, nhân viên của Cơ quan bảo vệ quyền lợi người dân New York (OPA), cho biết.

Đại dịch phơi bày khoảng cách giàu - nghèo

Khi dịch bệnh ngày càng chuyển biến trầm trọng, chính trong lòng tâm dịch lại nổi lên một tâm dịch khác.

Covid-19 phơi bày sự bất bình đẳng cố hữu rằng New York và các khu có đông người lao động nhập cư đang phải chịu tổn thương nhiều hơn và nhanh hơn so với các nơi khác.

Tại các khu vực giàu có, đường phố vắng tanh sau hàng loạt cuộc di cư đến những căn nhà nghỉ dưỡng đắt tiền.

Ngược lại, ở những nơi như quận Queens, quận Bronx, nơi có tới 84% người da đen, người Latin, vỉa hè vẫn nhộn nhịp người đi làm và khái niệm "giờ cao điểm" chưa bao giờ mất đi.

khoang cach giau ngheo o My anh 1

Các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ người chết vì Covid-19 ở Bronx cao gấp 2 lần tỷ lệ chung của toàn thành phố New York. Ảnh: David Dee Delgado.

Tại phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Jacobi ở Bronx (New York), Sean Petty, một nhân viên y tế tuyến đầu, từng choáng ngộp bởi cảnh tượng thảm khốc nhất trong đời anh.

Khoảng 60 người, hầu hết là người Mỹ gốc Phi và Mỹ Latin sống ở khu vực ven thành phố New York, đang có các biểu hiện điển hình của Covid-19.

“Mọi ngóc ngách của khoa cấp cứu đều là những bệnh nhân gắn liền với bình oxy di động, họ ốm nặng và cần giường bệnh. Những chiếc cáng cứu thương đầy khắp phòng và tràn xuống cả các hành lang”, anh nói.

Bên cạnh đó, những tiếng ho khủng khiếp của căn bệnh viêm phổi cấp cũng tràn ngập khắp căn phòng.

“Tôi cảm thấy như đang bước vào một đám mây độc”, anh tưởng tượng hàng nghìn giọt nước bọt siêu nhỏ mang virus lan truyền trong không khí.

OPA chỉ ra rằng 79% nhân viên tiền tuyến của New York bao gồm các y tá, nhân viên tàu điện, nhân viên vệ sinh, tài xế lái xe tải, nhân viên thu ngân, đều là người Mỹ gốc Phi hoặc Latin.

Trong khi những người dân thành phố có những thú xa xỉ để tiêu khiển ở nhà trong những ngày phong tỏa, cộng đồng này lại không còn lựa chọn nào khác ngoài “đánh cược” mạng sống của mình để ra ngoài tìm kế sinh nhai.

Bất công của các nhân viên tuyến đầu chống dịch

Andrew Cuomo, thống đốc bang New York, nhận định rằng cuộc khủng hoảng đã vượt qua đỉnh điểm và tình hình đang dần lắng xuống.

Tuy nhiên, Sean Petty không tin điều đó lắm, nhất là khi anh nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy những xe tải đông lạnh xếp thành hàng dài để nhận thi thể nạn nhân Covid-19.

Petty nói anh chưa bao giờ cảm thấy tức giận với hệ thống chăm sóc sức khỏe của Chính phủ Mỹ đến vậy, bởi họ chưa từng bảo vệ các công dân trong tuyến đầu của thành phố.

Tính tới 8/4, bệnh viện Jacobi đã mất hai nhân viên y tế tuyến đầu, một chuyên viên khoa tâm thần và một y tá phụ tá.

Tại Queens, nơi tập trung cao nhất các ca nhiễm bệnh, đồng thời là nơi có lượng lao động tuyến đầu làm việc lớn nhất, đã có ít nhất 41 nhân viên tàu điện ngầm và xe bus đã qua đời vì Covid-19.

Một bản đánh giá của Cơ quan Giao thông Vận tải đô thị năm 2016 cũng chỉ ra rằng 55% trong số 72.000 nhân viên của họ là những người da đen, người Latin, và 82% là nam giới, điều này tương đồng với thống kê nam giới chết nhiều hơn phụ nữ trong đại dịch lần này.

"Chính quyền không hề cung cấp bất cứ thiết bị bảo hộ nào hay các xét nghiệm bổ sung để giữ an toàn cho họ, mặc cho họ là những anh hùng giữ cho thành phố tiếp tục hoạt động", Williams nói.

khoang cach giau ngheo o My anh 2

Những nhân viên tuyến đầu không được cung cấp bất kỳ dụng cụ bảo hộ nào khi làm việc. Ảnh: NYT.

Cách sở thú Bronx hai dặm, tại phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Jacobi, mỗi ngày, Sean Petty đều chứng kiến tác động của dịch bệnh đến hai xã hội của New York: 100% người bệnh trong phòng cấp cứu của chúng tôi đều là người da màu.

"Không những thế, bệnh nhân của chúng tôi còn đang chịu đựng những căn bệnh liên quan đến nghèo đói, phân biệt chủng tộc như tiểu đường, hen suyễn, tăng huyết áp...", anh nói thêm.

Hôm 8/4, thị trưởng Mayor Bill de Blasio đã gây áp lực và đăng tải những phát hiện ban đầu, nhấn mạnh đến sự phân biệt chủng tộc của Covid-19: Người da đen và người Latin ở New York đang chết với tỷ lệ gấp đôi so với người New York da trắng và châu Á.

"Có những chênh lệch rõ ràng về việc dịch bệnh ảnh hưởng đến người dân trong thành phố", De Blasio nói.

Một bác sĩ tại viện Elmhurst, nơi cũng giống như Jacobi, đang ở trong tình trạng quá tải do phải điều trị cho những người dân nhập cư có thu nhập thấp.

Anh cho biết anh buộc phải nói chuyện với gia đình họ về EoLC (chăm sóc sức khỏe cho những người đã vô phương cứu chữa) 6-7 lần một ngày, thay vì 2 tuần một lần như trước.

Ở thời điểm hiện tại, anh không thể mời gia đình vào phòng bệnh nhân, cho phép họ nắm tay người bệnh như trước. Những cuộc trò chuyện đau lòng như vậy đang diễn ra trong khắp thành phố, và sự phân biệt chủng tộc vẫn đang tiếp tục làm méo mó xã hội.

Không nhà, không tiền, người nghèo Mỹ chẳng dám mơ giãn cách xã hội

Với những người nghèo sống nhờ nhà người quen, đang phải chạy ăn từng bữa, không gian riêng tư hay giãn cách xã hội để được an toàn thời dịch là điều xa xỉ.

Mẫn Nhi

Bạn có thể quan tâm