Năm ngoái, Tracy McCubbin, một chuyên gia 20 năm trong nghề sắp xếp nhà cửa, đã kết hôn với một người đàn ông mà cô mô tả là "cực kỳ bừa bộn". Việc họ đến với nhau được mô tả như “trò đùa số phận".
McCubbin phải tạo ra một hệ thống sắp xếp trong nhà khi họ chuyển đến sống cùng nhau. Cô làm một bảng chỉ dẫn trên mỗi ngăn kéo hay hộc tủ để chỉ rõ nơi đặt các vật dụng. Mục đích của việc này là giúp cả hai có thể dễ dàng tìm và đặt đồ vào đúng vị trí.
Bên cạnh việc đó, cô cũng phải học cách làm quen và bình tĩnh với sự bừa bộn của chồng mình. Chiếc tủ đầu giường của anh bị chôn vùi bởi sách, dây cáp sạc, điều khiển từ xa "thoắt ẩn thoắt hiện", dụng cụ làm vườn lộn xộn khắp sân…
McCubbin và các chuyên gia khác trong lĩnh vực sắp xếp nhà ở và tâm lý đã chỉ ra những chiến lược để giúp người ưa sạch sẽ, gọn gàng có thể sống hòa hợp với một người bừa bộn, theo New York Times. Đó có thể là mối quan hệ giữa bạn cùng nhà, người yêu, vợ chồng, hay con cái.
Chuyên gia cho rằng mỗi gia đình nên có một hệ thống sắp xếp để mọi người có thể tuân theo. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels. |
Cải thiện hệ thống tổ chức
Nhiều người thường đánh giá người khác dựa trên mức độ lộn xộn hoặc sự sắp xếp vô tổ chức của họ. Nhưng thực tế, điều này không phản ánh đúng hay sai, mà chỉ là thói quen hoặc sở thích cá nhân.
"Trong nhiều trường hợp, sự bừa bộn trong gia đình chỉ đơn giản là dấu hiệu cho thấy chúng ta chưa có một hệ thống sắp xếp cố định", McCubbin nói.
Theo cô, có một số giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Ví dụ, thay vì thất vọng về việc con cái ném balo, vứt áo khoác một cách bừa bãi, phụ huynh có thể đóng một vài cái móc ở vị trí đó, và yêu cầu những đứa trẻ treo đồ của mình lên trước khi vào nhà.
McCubbin cũng khuyên mọi người nên bổ sung các tủ, giá đỡ cho những người đam mê đọc sách.
Về phần mình, ở nhà riêng, cô cũng đặt một chiếc đĩa gần cửa, đó sẽ là nơi đựng ví và chìa khóa. Việc này giúp chồng của McCubbin không mất 10-15 phút/ngày để tìm đồ đạc trước khi ra khỏi nhà.
"Điều quan trọng là chúng ta phải giải thích cho họ rằng những hệ thống này được đưa ra để trợ giúp, chứ không phải vì họ sai", cô nói.
Các không gian chung nên được giữ gọn gàng. Ảnh minh họa: Greta Hoffman/Pexels. |
Tập trung giữ gọn gàng cho không gian chung
“Mục tiêu của việc sắp xếp nhà cửa ngăn nắp là để tạo ra một môi trường sống hiệu quả và thuận tiện cho chủ nhân của chúng”, McCubbin nói.
Chuyên gia này nhấn mạnh mọi người không cần sắp xếp mọi thứ quá hoàn hảo. Quan trọng hơn là ta có một không giản thoải mái để sử dụng chúng một cách hữu ích.
Cô khuyên các khách hàng của mình nên tập trung nhiều vào các không gian chung.
Ví dụ, vợ chồng McCubbin đều thích nấu ăn, nên căn bếp phải được sắp xếp gọn gàng cho cả hai người thuận tiện sử dụng. Trong khi đó, bởi cô ít khi tới phòng làm việc và phòng tắm riêng của đối phương, chồng của McCubbin được thoải mái sắp xếp và "bừa bộn" theo ý của anh.
Antonia Colins, người điều hành trang web Balance Through Simplicity, có hai cô con gái đang ở độ tuổi thiếu niên và gặp khó khăn với việc giữ mọi thứ ngăn nắp.
Vì vậy, Colins đã đặt ra những quy tắc cơ bản trong nhà. Ví dụ, cô ấy yêu cầu sàn nhà không được bừa bãi và bàn học phải luôn sạch sẽ. Nhưng cô sẽ cho qua việc giường chưa được gấp gọn hoặc một đống quần áo sạch chưa được xếp vào tủ.
Chúng ta cần xem xét nhiều khía cạnh để biết tại sao một người không thể gọn gàng. Ảnh minh họa: Liliana Drew/Pexels. |
Xem xét nhiều khía cạnh
Đôi khi sự bừa bộn ngày càng chồng chất đến từ việc ai đó không sẵn lòng bỏ công sức để dọn dẹp và sắp xếp.
"Nhưng sự bừa bộn cũng có thể là do họ gặp phải những rào cản về tinh thần hoặc thể chất", Michael A. Tompkins, nhà tâm lý học và đồng tác giả của cuốn sách Digging Out: Helping Your Loved One Manage Clutter, Hoarding and Compulsive Acquiring, nhận định.
Ví dụ rõ ràng nhất là chứng rối loạn tích trữ. Bên cạnh đó, vẫn có những mối liên hệ khác giữa sức khỏe tâm thần và sự bừa bộn.
Chẳng hạn, những người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc các vấn đề về chức năng điều hành khác thường gặp khó khăn trong việc giữ mọi thứ ngăn nắp.
“Trong những trường hợp đó, sự kiên nhẫn và thông cảm của bạn có thể giúp ích rất nhiều”, tiến sĩ Tompkins nói. Ngoài ra, những hạn chế về thể chất cũng có thể là một yếu tố. Tiến sĩ nêu chính mình, một người đàn ông ngoài 70 tuỏi, làm ví dụ.
Bên cạnh đó, nếu một người chỉ đơn giản là không muốn thỏa hiệp về sự gọn gàng, đó có thể là dấu hiệu báo động về một mối quan hệ bất ổn.
Kiaundra Jackson, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Los Angeles (Mỹ), cho rằng nếu một thành viên gia đình sống bừa bộn, việc này không chỉ đơn giản là về việc giữ gìn vệ sinh, đó còn là các vấn đề liên quan đến việc kiểm soát, kỹ năng giao tiếp kém, nhu cầu cá nhân…
“Những người này cần làm việc với một nhà tham vấn tâm lý hoặc một chuyên gia sắp xếp nhà cửa để giải quyết vấn đề”, Jackson nói thêm.
Nên lựa chọn thời điểm thích hợp để đề cập đến chủ đề nhà cửa. Ảnh minh họa: lil artsy/Pexels. |
Khôn khéo đề cập vấn đề
“Đừng đề cập đến chủ đề nhà cửa lộn xộn và cũng đừng cằn nhằn khi những người liên quan đang đói hoặc mệt mỏi”, Jackson nói.
Theo chuyên gia, mọi người nên thử đề cập đến vấn đề này bằng một cách khác, với giọng điệu khác trong thời điểm hợp lý hơn.
“Bạn có thể viết một email nhẹ nhàng thay vì tranh cãi về những mớ hỗn độn vào ngày cuối của một tuần làm việc dài", cô nói thêm.
“Hãy cẩn thận trong việc diễn đạt kỳ vọng của bạn và thường xuyên xem xét lại chúng. Các cuộc đối thoại thường xuyên có thể ngăn chặn sự giận dỗi, căng thẳng", chuyên gia đưa lời khuyên.
Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội
Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.