Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Long Nhật: 'Người bình thường không phát biểu bất thường"

"Một người bình thường thì không thể có những phát ngôn bất bình thường như Quốc Trung!", Long Nhật tỏ ra khá bức xúc.

Sau phát ngôn "Thanh niên mà nghe nhạc sến là bất thường" của nhạc sĩ Quốc Trung", không ít nghệ sĩ Việt đã lên tiếng. Và dường như "Bà tám showbiz Việt" Long Nhật không thể không tham gia được, vì bất cứ sự ồn ào showbiz nào anh cũng góp mặt như một lẽ tất yếu.

"Bà tám showbiz"Long Nhật xin được nghỉ giải lao không tham gia các chuyện ồn ào trong giới nữa, vì bắt đầu từ mùa thu cho đến Tết Nguyên đán là lịch diễn kín mít, đi hát suốt không kịp thở từ trong nước cho đến nước ngoài. Nhưng lần này, người ta đã đụng chạm đến dòng nhạc trữ tình mà "Bà tám" theo đuổi suốt hơn 20 năm qua, nên "giờ giải lao" của "Bà tám" đã hết.

Long Nhật lên tiếng phản pháo Quốc Trung.

"Hôm qua tình cờ đọc được bài báo của Quốc Trung, bỗng dưng thấy lo ngại quá, cả đêm mất ngủ vì sợ mình bị 'bất bình thường'. Ngày mai cố gắng xin nghỉ hát một ngày để đi gặp bác sĩ tâm lý tư vấn xem mình có bị 'vấn đề' như Quốc Trung nói không? Có bạn nào muốn đi, xin liên hệ với mình đi chung nhé. Showbiz Việt sẽ dấy lên một trận cuồng phong nữa đây.

Đôi khi người sáng tác và người thưởng thức tự cho mình là hàn lâm sang trọng bác học, nhưng tôi nghĩ, nghệ sĩ Việt nam mình ngoài những tên tuổi đạt được đẳng cấp sang trọng nhưng không làm mất đi cái chất trữ tình, đậm đà bản sắc dân tộc như NSND Lê Dung, NSND Trung Kiên, NSND Thu Hiền, danh ca Bảo Yến, Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Hương Lan... thì có một số người trong giới sau này tự phong cho mình những danh xưng, mỹ từ một cách tội nghiệp.

Bằng chứng là những tác phẩm của họ không có người nghe, không có đời sống trong khán giả mộ điệu dù họ cố tình hô hào kêu gọi và tìm đủ mọi cách trên báo chí, tivi, cùng các phương tiện thông tin đại chúng. Và dù họ cố tình vùi dập phủ nhận nhưng những giá trị đích thực luôn luôn trường tồn cùng thời gian. Bởi vậy, những tác phẩm và những giai điệu tuyệt vời đã có đời sống bất tử cùng số phận của dân mình, quê hương mình mà Quốc Trung cho là 'sến', là bất thường. Cùng với những giọng ca vàng đã từng thể hiện nó như Lệ Thu, Khánh Ly, Hoàng Oanh, Bảo Yến, Hương Lan,Tuấn Vũ, Chế Linh, Thanh Tuyền... cùng những đêm diễn của họ đầy ắp khán giả.

Hay những ca sĩ như Chế Linh, Hương Lan, Tuấn Vũ, Quang Lê, Phi Nhung, Long Nhật... các liveshow của họ từ trong nước đến hải ngoại, từ thành thị đến nông thôn luôn cháy vé. Khán giả phải đăng ký cả tháng mới có chỗ ngồi tốt. Bên cạnh đó, có những ca sĩ cố tình gào thét xin tài trợ nhưng chương trình của họ không lo đi bán vé hợp đồng trước cho các doanh nghiệp hay phát vé mời miễn phí thì đêm diễn khó có thể mở màn vì quá vắng khán giả" - nam ca sĩ chia sẻ.

Không những tỏ ra bức xúc trước phát ngôn của nhạc sĩ Quốc Trung, nam ca sĩ Mấy nhịp cầu tre còn diễn giải khá nhiều về những ưu thế của dòng nhạc bị cho là "sến". Anh cho biết thêm: "Có những chương trình ca nhạc có ý định tổ chức định kỳ hàng tháng ở những nơi mà họ tự cho đây là không gian của những người tổ chức biểu diễn và thưởng thức âm nhạc 'sang nhất nước'. Nhưng cuối cùng thì sao? Nó đã bị chết yểu khi tổ chức được vài show. Tôi còn biết rỏ, có ca sĩ tự cho mình là hàn lâm bác học nhưng khi vào diễn ở một phòng trà tại Sài Gòn, trời chỉ có mưa mấy hạt lất phất mà chỉ bán được 3 vé nên chương trình phải bị hủy.

Quốc Trung trở thành địch thủ mới của Long Nhật

Làm liveshow nhiều, album cũng lắm mà không tiêu thụ được vì âm nhạc quá lạ lẫm với tâm hồn người Việt bởi sự vay mượn lai căng một cách tội nghiệp với lối hát phô trương! Cũng bày đặt hát nhạc xưa, nhạc trữ tình lãng mạn bị cho là 'sến'. Người ca sĩ này không thành công bởi những nỗi đau và tinh thần của tác phẩm được phô trương ra bên ngoài một cách thái quá, lạm dụng kỹ thuật thanh nhạc làm cho tác phẩm âm nhạc có giá trị trở thành méo mó thảm hại.

Hay có những người muốn kêu gọi lòng thương hại của công chúng cộng với scandal rần rần, bài hát cũng được đề cử và được xếp hạng đầu bảng hẳn hoi. Những yếu tố đó cộng lại rõ ràng là thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nhưng đêm diễn vừa rồi tại một phòng trà Sài thành ế ẩm và vô nghĩa. Nghệ sĩ khách mời đến hát còn đông hơn khán giả ngồi ở dưới xem. Nên mới nói, vàng thật muôn đời vẫn là vàng thật, còn những cái na ná chỉ là vàng mạ thì đến một ngày lớp mạ kia bị bóc ra thì bên trong chỉ là kẽm và chì mà thôi.

Nếu nói trữ tình lãng mạn, đậm đà tình nghĩa là "sến" thì ngoài những tác phẩm được viết từ những nhạc sĩ miền trong như Lam Phương, Trúc Phương, Trần Thiện Thanh, Lê Dinh, Minh Kỳ, Châu Kỳ, Quốc Dũng... đến những bài hát trữ tình của các nhạc sĩ lão thành như Phan Huỳnh Điểu, Phan Lạc Hoa, Thuận Yến, Giáp Văn Thạch... những tác phẩm để đời da diết sâu nặng tình quê hương, tình đôi lứa ấy thì có bị gọi là 'sến' không?

"Bà tám showbiz" đã trở thành thương hiệu của Long Nhật.

Trong từ điển âm nhạc không có thể loại nào gọi là 'nhạc sến' cả. Chỉ có nhạc trữ tình lãng mạn, trữ tình cách mạng, nhạc quê hương mang âm hưởng dân ca 3 miền hay nhạc thính phòng. Người ngoài giới họ nói gì kệ họ, Quốc Trung là người trong giới không nên dùng từ này với ý nghĩa hạ bệ.

Riêng cá nhân 'Bá tám' Long Nhật suy nghĩ lạc quan hơn! Từ 'sến' chẳng có gì xấu cả, mà đem ra nói với giọng điệu chê bai. Ai sợ thì cứ sợ, còn tôi là ca sĩ hát nhạc trữ tình quê hương hơn 20 năm xin nhận từ 'sến' về làm báu vật. Bởi nhờ nó mà tôi chuyển tải được những giai điệu tâm hồn mộc mạc của những tác phẩm để đời đến với khán giả và có sự nghiệp, có chỗ đứng khiêm nhường nhưng rất vững chắc trong lòng công chúng.

Các bạn trẻ khi bước vào tuổi 30 có công việc, có gia đình và trăn trở về tình yêu, về cuộc sống sẽ tìm đến với dòng nhạc này một cách tự nhiên như là người Việt Nam phải ăn cơm với cá kho, canh chua, cà pháo vậy. Bởi suy cho cùng, mình là người Việt thì mãi mãi những giai điệu của người Việt nam luôn luôn trường tồn! Và hiện tượng bé Phương Mỹ Chi là một minh chứng hùng hồn nhất. Mặc dù em không là quán quân trong cuộc thi vừa rồi, nhưng em là quán quân của hàng triệu triệu khán giả yêu dòng nhạc trữ tình dân ca trong nước cũng như hải ngoại.

Thử hỏi Quốc Trung đã có tác phẩm nào sống cùng công chúng chưa mà suốt ngày miệt thị, coi thường các dòng nhạc khác. Ai ở vị trí nào thì làm tốt vị trí đó, đừng có ý kiến đá sân lung tung gây ra hiểu lầm lộn xộn. Tự cho mình là hàn lâm quý phái sao? Suốt ngày Quốc Trung leo lên những chương trình mang tính giải trí rồi nói năng vô thưởng vô phạt, âu cũng là trò đời mua vui cũng được một vài trống canh. Mặc chiếc áo không phải là của mình chật quá hay rộng quá cũng đều trở nên kệch cỡm và xấu xí!.

Người Hà Nội được coi là sang trọng nhất nước, 'dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An', nhưng để ý mà xem, nhà nhà xem phim bộ Hồng Kông, Hàn Quốc, người người từ em bé đến cụ già hay các bạn nam nữ thanh niên ai cũng thuộc lòng những bài hát trữ tình lãng mạn, quê hương ngọt ngào. Vậy thì cũng bị gọi là bất bình thường hay sao?

Nói như Quốc Trung, vậy thì bao nhiêu thế hệ từ ông bà, cha mẹ mình, cho đến thế hệ chúng ta và những người trẻ sau này nữa, những ai yêu dòng nhạc mà Quốc Trung cho là 'sến', đều là bất bình thường hết à? Nói như vậy là phủ nhận, là quá chủ quan. Một người bình thường thì không thể có những phát ngôn bất bình thường như Quốc Trung!".

Theo Công Lý

Bạn có thể quan tâm