Theo các chuyên gia, việc sinh viên thường xuyên vắng mặt tại các lớp học sáng có thể ảnh hưởng đến năng suất học tập, điểm số và triển vọng nghề nghiệp tương lai của họ. Ảnh: Healthub. |
Thông qua kiểm tra dữ liệu về giấc ngủ, bài giảng và điểm số của hàng chục nghìn sinh viên tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS), các nhà nghiên cứu đã phát hiện việc phải đến lớp buổi sáng vào nhiều ngày trong tuần liên quan đến tình trạng sa sút kết quả học tập và góp phần gây ra tình trạng thiếu ngủ ở học sinh.
Bên cạnh tìm ra mối tương quan giữa các lớp học sáng sớm và kết quả học tập, họ gợi ý các trường đại học nên xem xét tránh sắp xếp các lớp học bắt buộc vào sáng sớm.
Các tác giả của bài báo cho biết những sinh viên tham dự lớp học thường xuyên và ngủ đủ giấc có nhiều khả năng đạt điểm cao, từ đó có triển vọng việc làm tốt hơn.
Một bài báo gần đây cũng chỉ ra sinh viên sẽ đạt điểm trung bình cao hơn nếu ngủ sớm. Cụ thế, sinh viên có thể mất 0,07 điểm trong điểm tổng kết (điểm tổng kết được tính theo thang điểm 4 - PV) nếu mất ngủ một giờ/đêm.
Tại đây, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu kết nối Wi-Fi của 24.000 sinh viên, thời gian đăng nhập nền tảng học tập trực tuyến của 40.000 sinh viên để theo dõi thời gian thức giấc và hồ sơ giấc ngủ của họ trong 6 tuần học.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người tham gia nghiên cứu đã "cúp" 1/3 các lớp học lúc 8h. Trong khi đó, họ hiếm khi ngủ quên hay "cúp" các lớp học bắt đầu trưa hoặc muộn hơn.
Ngoài ra, phân tích cho thấy các lớp học lúc 8h có tỷ lệ sinh viên có mặt thấp hơn do họ bị thiếu ngủ. Ngoài ra, sinh viên có xu hướng ngủ trưa nhiều hơn vào những ngày họ có lớp học sáng.
Theo nghiên cứu, sinh viên có nhiều ngày học buổi sáng trong tuần có điểm trung bình thấp hơn. Do sinh viên thường đi ngủ vào cùng một thời điểm bất kể lịch học sớm hay muộn, các lớp học sớm có thể góp phần gây ra tình trạng thiếu ngủ và lệch nhịp sinh học ở nhóm đối tượng này.
Từ đây, các nhà nghiên cứu khuyến khích nhiều trường đại học nên tránh sắp xếp các lớp học bắt buộc vào sáng sớm, dù những lớp học này thường có thể giúp tối đa hóa việc sử dụng các nguồn lực và giảm thiểu đan xen về lịch trình.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.