Chỉ trong khoảng 10 phút, hơn 60 học sinh vào ngồi ngay ngắn trong phòng học. Góc trên cùng của tấm bảng đặt giữa lớp ghi mấy chữ lớn “Lớp Niềm Vui”.
Tính riêng năm học này, đây mới là buổi học thứ tư của lớp Niềm Vui. Mỗi tuần lớp chỉ học đúng hai giờ chiều chủ nhật. Nhưng không vì thế mà lớp ít người. Sau mấy phút để học sinh ổn định chỗ ngồi, cô Nam Linh mới lật danh sách lớp đã đăng ký lên xem, rồi đưa cho lớp trưởng điểm danh.
Cô Linh say mê truyền giảng cách học văn cho học trò tại lớp Niềm Vui vào mỗi chiều chủ nhật. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
“Chỉ dạy cách, không dạy cái”
Trong danh sách đăng ký tuần trước chỉ có 58 người, nhưng hôm nay đếm lui đếm tới số người trong lớp vẫn thấy dư ra bảy học sinh. Hóa ra là có mấy bạn mới nghe tin và đến học. Cô Linh nhờ mấy bạn mới đến qua phòng khác bưng thêm bàn ghế về ngồi và không quên nhắc cả lớp: “Bạn nào vắng ba buổi thì coi như không được học nữa nhé. Để dành chỗ cho các bạn khác cũng đang rất muốn học”.
Cô Linh mở đầu buổi dạy bằng một câu chuyện về sách. Cô trích một đoạn lấy trên mạng Internet nói về ý nghĩa của việc đọc sách và in cho mỗi học sinh một tờ. Kèm theo đoạn trích này là các câu hỏi liên quan như cách diễn đạt, chủ đề và các thao tác lập luận của tác giả trong đoạn trích.
Kế tiếp, cô Linh cho mỗi học sinh tự viết mấy dòng quan điểm cá nhân về ý nghĩa việc đọc sách đối với giới trẻ.
Sau đó, cô Linh tiếp tục bài giảng về sách khi đưa ra câu chuyện về anh Nguyễn Quang Thạch, một cử nhân tiếng Anh vừa đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào TP HCM để vận động góp sách cho chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam”. Đây là chương trình xây dựng hàng ngàn thư viện sách ở các vùng nông thôn để mọi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận được tri thức.
Sau thông tin này, mỗi học sinh lại được nói lên cảm nhận của riêng mình về câu chuyện nói trên.
Theo cô Linh, vì đây là lớp học đặc biệt nên cô chỉ dạy học sinh về “cách làm văn” chứ không dạy theo từng tác phẩm cụ thể như trong chương trình phổ thông. Hay như cách nói của cô là “chỉ dạy cách, không dạy cái”.
Vì thế, phương pháp của cô Linh là vào mỗi buổi học cô đều giới thiệu cho học sinh một đoạn văn bất kỳ, rồi tập cho các bạn cách cảm nhận đoạn văn đó. Mỗi học sinh đều sẽ được đứng lên nói suy nghĩ của mình về điều ẩn chứa trong đoạn văn, sau đó cô Linh sẽ đưa ra những hướng cảm nhận hợp lý nhất.
Nói thì đơn giản vậy nhưng hiệu quả đối với học sinh thì không ngờ. “Cách cô Linh dạy văn và yêu văn khiến tụi em yêu “lây” môn văn. Mới mấy buổi học nhưng tụi em đã được cô trang bị khá kỹ về kỹ năng cảm nhận một đoạn văn. Chỉ cần nắm được phương pháp này thì với bất cứ tác phẩm nào gặp trong chương trình, tụi em cũng có thể có những cảm nhận đúng hướng được” - Uyên, một học sinh lớp 10 đang theo học tại lớp Niềm Vui, nói.
Chỉ cần yêu văn, ai học cũng được
Cô Linh kể rằng trong lớp Niềm Vui của cô cũng có một vài bạn hoàn cảnh đặc biệt. Có bạn đến từ huyện Triệu Phong cách trường mười mấy cây số, mồ côi cả cha lẫn mẹ, cũng đến xin được theo lớp từ buổi đầu.
Tuy nhiên, theo cô Linh, lớp Niềm Vui không chỉ để cho những học sinh khó khăn học mà bất cứ ai cũng có thể tham gia, chỉ cần đó là người thích học văn và cần học văn.
Ngoài lớp Niềm Vui, mỗi tuần cô Linh còn dạy hai lớp học thêm môn văn tại Trường THPT Lê Lợi. Và cách dạy của cô ở hai lớp hoàn toàn giống nhau. Không hề phân biệt lớp học thêm và lớp miễn phí. “Ai thích học lớp nào cũng được. Miễn thích học văn là tui đều mừng” - cô Linh chia sẻ.
Cô Linh đưa cho chúng tôi xem qua danh sách lớp Niềm Vui. Trong danh sách này, không chỉ có học sinh của Trường Lê Lợi nơi lớp đang mở mà còn có nhiều học sinh ở những trường khác cũng đến học.
Cô Linh đưa công khai thông tin về lớp lên Facebook để học sinh nào cũng biết và đến học. Học sinh trong lớp Niềm Vui có bạn đang học lớp 12 và cũng có nhiều bạn đang học lớp 11, lớp 10.
“Ban đầu cũng ngỡ là lớp này mở ra chỉ cho các bạn khó khăn không đi học thêm được, sau em mới biết cô Linh dạy cho bất cứ ai thích học” - Nguyễn Thanh Mây, học sinh đang học tại lớp Niềm Vui, kể.
30 năm trong nghề dạy học, lại dạy môn học nghiêng nhiều về cảm xúc, cô Nam Linh trăn trở khi thấy học sinh càng lúc càng xa các môn học “nhiều chữ” như văn, sử, địa. Cô thường mang tới lớp Niềm Vui nhiều câu chuyện của chính gia đình mình, hoặc mình là người trong cuộc, kể cho học sinh nghe để các em có thêm những góc nhìn thực tế hơn về cuộc sống, về cách đối nhân xử thế hợp lý hợp tình trong từng trường hợp cụ thể.
Với cô Nam Linh, việc dạy về tác phẩm này, tác phẩm nọ không quan trọng bằng việc dạy đạo đức, lối sống cho học sinh. Đó cũng chính là văn trong cuộc sống.
Ngoài giờ dạy chính khóa, cô Nam Linh còn bận rộn với hai lớp dạy thêm, thời gian của cô gần như kín mít. Nhưng cô vẫn ưu ái dành cho lớp Niềm Vui một góc nhỏ trong đời mình. Cô coi đó như cách tạo niềm vui cho chính mình.
Một học sinh cũng dạy
Nhắc đến cô Nam Linh, nhiều giáo viên Trường THPT Lê Lợi đều nhớ câu chuyện mới xảy ra nửa năm trước. Đó là chuyện lớp phụ đạo văn (miễn phí) của cô Nam Linh cho học sinh trong trường, trước khi thi học kỳ II năm học 2014-2015.
Lớp phụ đạo này chỉ có đúng... một học sinh! Suốt mấy tuần liền, lớp một cô một trò vẫn miệt mài dạy và học cho đến mãi sau, khi cô Linh cập nhật câu chuyện này lên mạng xã hội Facebook để kêu gọi học sinh đến học. Sau đó, mới xuất hiện thêm học sinh thứ hai, thứ ba...
Hỏi về lớp học không kém phần đặc biệt này, cô Linh chỉ cười: “Một người mà cần học, tui cũng dạy như thường rứa thôi”.
Người yêu nghề đến kỳ lạ
Cô Nguyễn Thị Hồng Khuyên, hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, cho biết vợ chồng cô Lê Nam Linh đi lên từ hai bàn tay trắng. Sau đó, bằng nghề dạy học mà vợ chồng cô có được một gia đình nhỏ hạnh phúc đầm ấm, nên cô Linh muốn quay lại làm điều gì đó cho học sinh. Đó có thể là lý do ra đời của những lớp dạy văn miễn phí mà cô Linh mở liên tục trong những năm qua.
Theo cô Khuyên, cô Linh là người yêu nghề đến kỳ lạ. Cô như say đắm trong nghề dạy văn. Vậy nên khi cô Linh đề xuất nhà trường cho mượn phòng để mở lớp dạy văn miễn phí, nhà trường đồng ý ngay và ủng hộ luôn vấn đề điện nước cho lớp này.