Nghe vậy, tôi thoáng giật mình, nghĩ ngay đến những tình huống nghịch ngợm, bày trò láu lỉnh của cậu con trai vốn không thích làm theo những gì khuôn mẫu. Thấy tôi có vẻ lo lắng, chồng tôi giải thích tiếp: “Con người ta toàn được 10, con mình toàn 9. Xấu hổ quá!”.
Thì ra nỗi buồn, sự xấu hổ của chồng tôi bắt nguồn từ những con điểm 9 của con trai!
Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ. |
Trước khi con vào lớp 1, vợ chồng tôi đã thỏa thuận với nhau là không cho con đi học thêm, ít nhất là ở bậc tiểu học, không đặt nặng vấn đề thành tích, miễn là con nắm được những kiến thức cơ bản và kỹ năng cần thiết phù hợp với từng lớp học.
Vậy mà giờ đây, khi con trai đạt toàn điểm 9 - mức điểm giỏi, chồng lại xấu hổ. Một sự xấu hổ bất bình thường, vì quan niệm: học sinh đi học thì chỉ có điểm 10 mới mang lại hạnh phúc cho cha mẹ, thầy cô! Một sự bất bình thường không chỉ trong gia đình tôi, gia đình nào mà cho cả nền giáo dục Việt Nam!
Ngày tôi học tiểu học, chỉ những học sinh thật sự vượt trội và xuất sắc mới có thể đạt điểm 10. Và để đạt được điểm 10 ấy, ngoài năng lực, rất cần đến sự nỗ lực, phấn đấu của các học sinh.
Vậy mà bây giờ, khi toàn xã hội đang hướng đến chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, nói “không” với bệnh thành tích, thì điểm 10 lại trở thành phổ biến như một điều hiển nhiên, không cần bàn cãi của những học sinh không có vấn đề gì bất thường về trí tuệ!
Cả lớp 50 học sinh thì đến hơn 2/3 lớp có điểm thi toàn 10. Học sinh nhận điểm 10, thầy cô vui, cha mẹ vui hớn hở vì “tất yếu là thế, đương nhiên là thế và phải thế chứ!”. Điểm 10 và học sinh giỏi trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi, hào hứng của các bậc phụ huynh mỗi khi gặp nhau, khoe trên Facebook... Cả xã hội đều vui khi con đạt điểm 10!
Hóa ra điểm 9 của con trai tôi lại trở thành điều đáng xấu hổ sao?