Tran Thi Chang, Chủ tịch Câu lạc bộ Phụ nữ Việt tại Malaysia, bày tỏ sự lo lắng ngày càng nhiều trẻ em Việt Nam tại Malaysia lớn lên nhưng không có các lớp học tiếng Việt cho chúng.
Dẫu vậy, sau những nỗ lực của bà Chang và một số thành viên câu lạc bộ, “trái ngọt” đã đến khi lớp học miễn phí đầu tiên được mở vào tháng 10/2016 tại căn hộ ở quận Ampang, bang Selangor, theo Star2.com.
Học tiếng mẹ đẻ ở nước ngoài
Một buổi chiều, 9 trẻ em, tuổi từ 5 đến 8, ngồi quanh chiếc bàn lớn ở phòng khách. Khoanh tay trên bàn, cạnh những quyển sách giáo khoa, lũ trẻ chăm chú lắng nghe giáo viên Pham Hong Lam giảng bài.
Cô Lam là giáo viên tình nguyện cùng 6 thành viên khác của câu lạc bộ phụ nữ Việt ở Malaysia. Công việc của họ là hỗ trợ 2 giáo viên được trả lương, những người từng dạy học tại các trường trung học Lê Hồng Phong và Trưng Vương ở TP.HCM.
Lớp dạy học tiếng Việt cho trẻ em của câu lạc bộ phụ nữ Việt tại Malaysia. Ảnh: ANN |
Trúc Linh, chủ căn hộ nơi lớp học diễn ra, cho biết mỗi buổi học kéo dài 90 phút và được tổ chức 2 lần/tuần. Một lớp thường bắt đầu từ 14h30, kéo dài đến 16h, dành cho khoảng 13 học sinh chưa biết đọc hay viết tiếng Việt. Từ 16h30 đến 18h, một lớp học khác sẽ diễn ra dành cho từ 8 đến 10 em đã biết tiếng Việt.
Lớp học nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía các công dân Việt làm việc tại đất nước này. Hầu hết giáo viên tình nguyện là những phụ nữ có học thức và nghề nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, họ phải bỏ lại công việc để theo chồng sang Malaysia làm việc.
"Các giáo viên ở đây từng làm bác sĩ, giáo sư, giáo viên ở Việt Nam. Vì thế, không mấy khó khăn khi chúng tôi cùng nhau dạy tiếng Việt cho trẻ em ở đây, một phần cũng để tránh lãng phí nhân lực", giáo viên Lam - người từng là cựu quản lý của Nike tại Việt Nam - chia sẻ.
Cô Lam cùng gia đình đã sống ở nước ngoài gần một thập kỷ, 3 năm ở Canada và 6 năm tại Malaysia.
"Tôi có 2 con. Cháu gái lớn hiện là sinh viên năm 3 của một trường đại học, trong khi cậu út đang học trung học. Con gái tôi có thể nói trôi chảy tiếng Việt nhưng cậu út thì không. Đó là điều khiến tôi cảm thấy hối tiếc", cô Lam tâm sự.
Bà mẹ 2 con tin rằng dạy tiếng Việt cũng chính là dạy văn hóa Việt cho lũ trẻ: "Các bạn nhỏ cũng mặc áo dài và hát những bài tiếng Việt truyền thống trong các lễ hội hay sự kiện như ở Việt Nam".
Theo bà Chang, số lượng người Việt Nam sang Malaysia làm việc đang tăng đáng kể, hầu hết là lao động chân tay. Họ không có thời gian để dạy con cái tiếng mẹ đẻ.
"Việc gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Malaysia chưa được quan tâm đúng mức dù thực tế tiếng mẹ đẻ là yếu tố quan trọng nhất để kết nối thế hệ trẻ em Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài với truyền thống, văn hóa quê nhà", chủ tịch câu lạc bộ phụ nữ Việt ở Malaysia nhấn mạnh.
Không quên nguồn cội
Theo Cục quản lý lao động nước ngoài, hàng trăm nghìn người Việt đang làm việc tại Malaysia kể từ khi Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang đây 15 năm trước.
Nhi Ca, bà mẹ 3 con, kết hôn với một công nhân dầu mỏ ở Malaysia. Cặp song sinh của Nhi Ca mới 2 tuổi khi họ chuyển đến Malaysia. Con gái út thì vừa mới chào đời tại xứ người. Sau 6 năm xa Việt Nam, 3 đứa trẻ gần như không thể đọc hay viết tiếng Việt.
"Lũ trẻ chỉ có thể học ở các trường quốc tế bằng tiếng Anh. Tôi quyết định đưa các con tới lớp học tiếng Việt miễn phí này để chúng có thể nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ với ông bà hay đọc truyện cổ tích, cũng như sách tiếng Việt. Và sau khi gia nhập, các con tôi có thể viết, nghe và hiểu tiếng mẹ đẻ nhiều hơn", Nhi Ca nói.
Chau Thi Diem Kieu, một bà mẹ người Việt khác, cũng đưa 2 con tới lớp học tiếng Việt.
"Tại trường, con tôi học 3 ngôn ngữ là tiếng Anh, Trung và Malaysia. Dù lịch học của chúng khá dày, tôi vẫn quyết định cho các con học tiếng Việt để chúng không quên tiếng mẹ đẻ. Chồng tôi cũng ủng hộ quyết định này", chị Kieu chia sẻ.
Trúc Linh, chủ căn hộ nơi lớp học tiếng Việt diễn ra, cho biết việc tổ chức lớp học tại nhà đôi khi cũng làm gián đoạn cuộc sống của gia đình cô. Tuy nhiên, vì nhu cầu và sự cần thiết của các lớp học, Trúc Linh không nỡ từ chối lời thỉnh cầu của câu lạc bộ phụ nữ Việt.
Ngày càng nhiều phụ huynh yêu cầu cho con cái họ tới lớp học và phòng khách của nhà Trúc Linh không thể chứa nổi số học sinh. Các trang thiết bị phục vụ học tập cũng bị hạn chế.
"Chúng tôi hy vọng nhận được nhiều sự ủng hộ của các cơ quan và các nhà hảo tâm để mở rộng lớp học tới nhiều khu vực ở Malaysia, tiếp tục gìn giữ, truyền bá ngôn ngữ cũng như văn hóa Việt cho các thế hệ trẻ tại đây", bà Chang nói.