Sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7, TP.HCM), một lớp học tình thương vẫn đều đặn gieo ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh nghèo suốt 36 năm nay. Đó là lớp học của thầy giáo trẻ Phan Trung Hải (22 tuổi).
Trong căn phòng chỉ rộng chưa đầy 10 m2, hơn chục học trò của thầy Hải đang tập trung vào những phép tính lạ lẫm trên bảng cửu chương. Hôm nay các em được học môn Toán và bắt đầu tập tính phép nhân.
Mẹ Hải - cô Ngô Thị Mạnh Hòa - là người thành lập lớp học tình thương này, do đã có tuổi, cô truyền lại cho con trai tiếp tục duy trì.
Một căn phòng nhỏ, chỉ hơn chục bộ bàn ghế và một tấm bảng, cứ vậy mà suốt 36 năm qua, lớp học tình thương của cô Hòa, thầy Hải vẫn hàng ngày dạy chữ cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh.
Dù bận đến mấy, Hải vẫn duy trì 3 buổi/tuần đến lớp dạy cho các học trò. |
Từ quá khứ lêu lổng đến người thầy trách nhiệm
Ngày trước, chàng thầy giáo 9X từng có thời gian theo bạn bè ăn chơi, lơ là việc học. Ở ngưỡng cửa đầu tiên của cuộc đời, Hải vấp phải thất bại trên con đường học tập, anh trở nên chán nản, không biết mình thích gì, muốn trở thành người như thế nào. Cũng có lúc chàng trai trẻ muốn buông xuôi tất cả, sống một cuộc đời vô định.
Khi thấy con mình ngày càng tụt dốc, mẹ Hải đưa cho anh một cuốn sách và yêu cầu anh đọc hết. Hải kể nhờ cuốn sách này mà anh đã thức tỉnh lại và bắt đầu một cuộc sống mới.
“Hồi đó mình ham chơi lắm, mình không thấy được tầm quan trọng của việc học nên cũng bỏ bê nhiều. Mình không nhớ tựa đề cuốn sách, nhưng có một câu chuyện trong sách mà mình vẫn nhớ mãi đến bây giờ, nói về cánh cửa không bao giờ khép lại với bất cứ ai. Dù mình có như thế nào, ba mẹ vẫn không bao giờ bỏ rơi mình”, 9X tâm sự.
Đầu năm 19 tuổi, Hải bắt đầu quay lại trường học, chuyên tâm học hành và lấy được bằng tốt nghiệp chuyên ngành lái tàu biển tại trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thủy II vào tháng 10/2019.
Hải dành nhiều tâm huyết cho các em nhỏ ở lớp học tình thương. |
Chia sẻ với Zing, Hải cho biết lúc quyết trí “tu tâm dưỡng tính”, tập trung cho việc học, anh không dám nói mình là dân thành phố vì sợ bạn bè rủ rê đi chơi. Một ngày của Hải chỉ xoay quanh đi học, đi dạy và tham gia các hoạt động tích cực, rèn luyện bản thân.
Đây cũng là thời điểm Hải kế thừa lớp học tình thương của mẹ. Ban đầu, mẹ Hải không dám giao lớp cho anh vì chuyên ngành anh học khác xa với kiến thức sư phạm. Nhưng sau vài lần dạy thử, Hải dần lấy được lòng tin của mẹ, của các học trò và đứng lớp đến tận bây giờ.
Hiện Hải là người phụ trách toàn bộ hoạt động của lớp học từ chương trình giảng dạy đến các hoạt động ngoài giờ cho học sinh. Hải cũng xem đây là công việc chính của mình, ngoài ra anh cũng kiếm thêm một số dự án bên ngoài để có tiền trang trải lớp.
Mỗi tháng, Hải đều trích một phần thu nhập của mình để mua dụng cụ cho lớp học. |
Lúc tốt nghiệp, Hải cũng từng đi thử việc và được nhận làm nhân viên chính thức. Nhưng sau một tháng, anh nộp đơn xin nghỉ vì nghĩ đến lớp học tình thương không ai chăm lo.
“Giờ giấc làm việc của cái nghề lái tàu biển thất thường lắm, lênh đênh trên biển cả tháng cũng là chuyện bình thường. Nhưng như vậy thì ở nhà lớp học không ai lo, mình rất muốn duy trì lớp để các em có chỗ học tập. Nghỉ một công việc lương ổn định để dạy miễn phí cho lớp học tình thương, nhiều người nói mình hoang đường nhưng khi đã đặt hết cái tâm vào việc dạy học, biết được hoàn cảnh của tụi nhỏ mới hiểu tại sao mình làm như vậy”.
Tuy vậy, Hải vẫn dự tính học thêm một văn bằng nữa để tìm một công việc làm giờ hành chính, tiện cho việc quán xuyến lớp học. “Nhưng nếu không tìm được thì mình đi giao hàng cũng không sao, miễn là đi dạy được ca chiều tối với tụi nhỏ là được rồi”, Hải chia sẻ.
Lớp học đầy tiếng cười, tình thương
Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đến đúng 5 giờ chiều 2-4-6, các học trò nhỏ lại tập trung đến lớp để học cùng thầy Hải. Mỗi em có một hoàn cảnh riêng, nhưng đa số đều thuộc gia đình khó khăn, không có khả năng đến trường.
Nhiều em sáng phải đi nhặt ve chai, phụ giúp cha mẹ, chiều cắp sách đi học rồi tối lại đi làm tiếp. Có em bị bệnh từ nhỏ nên tiếp thu bài vở chậm, phải giảng riêng, dạy thêm ngoài giờ. Nhưng tất cả đều có chung tinh thần hiếu học, lễ phép và quý mến lẫn nhau.
Có những hôm Hải mở cửa lớp sớm, thấy phòng sáng đèn, các em rủ nhau đến ôn lại bài hoặc chơi đùa trước giờ học. Khi thầy chia quà, mỗi em chỉ nhận đủ phần mình và chủ động chừa lại cho bạn khác.
Dù là lớp học nhỏ nhưng Hải vẫn giao bài tập, kiểm tra mỗi kỳ giống như trên trường chính quy. |
Ngày 20/11, không có nhiều tiền, các học trò tặng Hải những ngôi sao xếp bằng giấy đựng trong lọ thủy tinh, tuy không có giá trị cao nhưng chan chứa tấm lòng dành cho người thầy.
Ngoài môn Văn, Toán, các học sinh tại lớp tình thương của Hải còn được học về đạo đức. Đó là những buổi trải lòng, dạy làm người, chia sẻ về cuộc sống, bài học quý báu được đúc kết từ kinh nghiệm của Hải.
“Mình luôn cố gắng truyền đạt cho các bé không chỉ về kiến thức mà còn về đạo đức, lối sống để trở thành người tốt. Tuy gia cảnh khó khăn nhưng vẫn sống tử tế, không đi vào con đường sai lầm”, 9X bày tỏ.
Ngoài 3 môn chính, Hải còn tìm thêm giáo viên dạy tiếng Anh, Hàn, Nhật… giúp các em được thêm ngoại ngữ khác cho "bằng bạn bằng bè".
Tính đến nay, lớp có hơn 20 em từ 6-16 tuổi, nhưng hiện chỉ có khoảng 10 học sinh vẫn đến lớp học chữ. Số còn lại Hải tách những bé có đam mê với thể thao, mời thầy dạy võ về dạy với mục tiêu giúp các em vào được đội tuyển TP.HCM, từ đó có thể phát triển thành nghề nghiệp sau này.
"Mới đầu còn bỡ ngỡ nhưng đến bây giờ, mình quen thuộc với công việc này luôn rồi. Tuy là không làm ra tiền, hay tiền lương này nọ nhưng mình thấy vui và hạnh phúc", Trung Hải nói với Zing. |
Ngoài cho con chữ, Hải còn bỏ tiền riêng của mình mua sách vở, dụng cụ học tập, gạo, sữa hoặc những phần quà trong dịp lễ, Tết, Quốc tế Thiếu nhi để tiếp thêm động lực cho các em đến lớp. Những học sinh được đi học võ, Hải đều hỗ trợ đưa đón tận nơi hoặc chuẩn bị vé xe buýt cho tiện di chuyển.
Hôm chúng tôi đến gặp cũng là lúc Hải vừa đi hiến máu về, xách trên tay bịch lớn đầy những hộp sữa được tặng, Hải nói mang đến lớp để chia cho các em như phần quà khích lệ tinh thần học tập. Nhiều lần như vậy, cứ được nhận quà bánh gì, Hải đều cất lại để phát cho các học trò của mình.
“Đôi khi mình nghĩ chữ “thầy” rất là nặng, nên mình luôn muốn làm tốt hơn nữa nghĩa vụ của một người thầy. Mình giúp các em chăm lo về tóc tai, quần áo, thậm chí là những bữa ăn hàng ngày. Trong dịch Covid-19, mình đi quyên góp gạo để phát cho gia định tụi nhỏ. Tụi nhỏ đã gọi mình một tiếng thầy thì mình phải hỗ trợ hết mình, có trách nhiệm đến nơi đến chốn”.
Để nắm vững kiến thức dạy cho các học sinh, Hải vẫn thường nghiên cứu, soạn giáo án trước khi lên lớp. |
Nhìn lại thành quả suốt 3 năm đứng lớp, Hải nói mình hạnh phúc vì đã thực hiện được ước mơ đến trường của nhiều em nhỏ, giúp các học trò đến đây biết đọc, biết viết. Niềm vui hiện tại của Hải là được nhìn thấy các em ê a đọc bài, giải toán, tiến bộ hơn mỗi ngày.
Đánh đổi nhiều thứ để thắp sáng ước mơ cho các học trò. Với Hải, mong ước lớn nhất của anh dành cho tụi nhỏ là em nào cũng có tương lai tốt đẹp, trở thành người tốt, có ích cho xã hội.
“Nghề nào cũng vậy, không có nghề nào thấp hèn cả. Chỉ mong tụi nhỏ có cuộc sống bình yên, hạnh phúc là mình vui rồi”.