Lớp học sôi nổi
Chiếc xe chở đoàn công tác của Sở GD&ĐT Nghệ An xuất phát từ thành phố Vinh lúc hơn 5h sáng, lên đến trường Tiểu học Nậm Cắn 1 thì buổi học chiều vừa bắt đầu tiết 1. Vừa đến nơi, đoàn tỏa ra dự giờ các lớp. Chúng tôi ngẫu nhiên rẽ vào lớp 5A, ở đó cô giáo Nguyễn Thị Kiều cũng vừa viết lên bảng tên bài học “Khái niệm về số thập phân”.
Thấy khách, một bé gái có nước da ngăm ngăm đen mặc trang phục người Mông ngồi ở nhóm 3 đứng dậy dõng dạc hô: “Các bạn, đứng! Nghiêm!”. Chỉ vài giây sau cả lớp đồng thanh: “Chúng em chào các thầy, các cô ạ!”. Sau màn chào hỏi, các nhóm tiếp tục hoạt động bình thường, còn khách mỗi người chọn một góc phù hợp đứng quan sát hoặc đi loanh quanh trong lớp.
Cảnh học tập ở lớp 5A Trường Tiểu học Nậm Cắn 1. |
Lớp học rất sôi nổi, dù chỉ có 18 bạn. Bàn được xếp hình vuông, ghế kê xung quanh. Trong phòng học có 4 ô như vậy, tương ứng với 4 nhóm. Nhóm trưởng của mỗi nhóm yêu cầu các thành viên trong nhóm lấy vở ra ghi tên bài học, sau đó từng bạn lần lượt đọc mục tiêu bài học. Nhóm trưởng nêu câu hỏi, các bạn trong nhóm thi nhau trả lời. Tiếng đọc bài, tiếng hỏi - đáp phát ra suốt cả tiết học ở cả bốn nhóm. Cô giáo Kiều di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác, thỉnh thoảng dừng lại lâu hơn ở một nhóm nào đó trao đổi với học sinh.
Hết một hoạt động, cô Kiều kiểm tra lần lượt các nhóm xem các em nắm bắt kiến thức mới được đến đâu. Một em đứng lên trả lời, một em khác được yêu cầu nhận xét bạn trả lời đúng hay sai. Thấy có em nói còn ngập ngừng hoặc chưa chính xác, cô Kiều giảng giải lại cho cả lớp cùng nghe trước khi các nhóm chuyển sang hoạt động tiếp theo.
Trao đổi với phóng viên, cô Kiều cho biết, việc chia nhóm hoàn toàn ngẫu nhiên và nhóm trưởng không nhất thiết chỉ là một bạn. Các bạn trong nhóm sẽ được luân phiên làm nhóm trưởng. Tuy nhiên, với những tiết học khó và có nhiều kiến thức mới, cô giáo sẽ chỉ định bạn có học lực trội hơn làm nhóm trưởng để hoạt động học tập của nhóm thuận lợi hơn.
“Trừ hai em khuyết tật học hòa nhập, các em được học lớp mô hình trường học mới từ năm lớp 3 nên rất mạnh dạn, tự tin. Trong các giờ học, sau khi được hướng dẫn, các em đều có thể tự học hoặc hỗ trợ nhau. Chỉ thỉnh thoảng một vài em mới phải cần đến sự hỗ trợ của cô giáo”, cô Kiều nói.
Khi học sinh hết ngại giao tiếp
Từng chứng kiến lớp học kiểu mới này, anh Lầu Bá Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn nhận xét: “Trước đây các cháu rụt rè lắm. Đi trên đường là cứ cắm mặt xuống mà đi, gặp người lớn cũng chẳng biết chào hỏi. Mình có hỏi trước thì chúng nó cũng trả lời nhát gừng, hỏi tiếng phổ thông vẫn cứ trả lời bằng tiếng địa phương. Giờ ra ngoài thấy người lớn là biết chào, hỏi thì biết thưa gửi khi trả lời, mà toàn bằng tiếng phổ thông rất lưu loát. Thỉnh thoảng chúng tôi ghé vào thăm trường, thấy các cháu hoạt bát tự tin lắm. Trước đây thỉnh thoảng mới thấy có cháu viết chữ đẹp, giờ cháu nào cũng viết đẹp”.
Còn anh Và Bá Trỉa, người dân bản Tiền Tiêu khoe con mình bỗng nhiên trở nên thích đi học. “Nó khoe là đi học vui lắm. Được làm nhóm trưởng này. Rồi được viết thư cho bạn, cho cô giáo. Hôm trước cháu ốm, bố mẹ sợ ra gió lâu khỏi nên bảo nghỉ ở nhà. Nhưng rồi lại chẳng thấy nó đâu. Lên trên lớp thì thấy con ở đó rồi”, anh Trỉa kể. Cũng theo anh Trỉa, trẻ con bản Tiền Tiêu giờ đây đứa nào cũng như đứa nào, khách đến nhà đã biết hỏi bác đi đâu, tìm bố cháu có việc gì... chứ không cắm đầu chạy biến như trước đây.
Nói về lớp học thực hiện mô hình trường học mới, anh Trỉa hồ hởi: “Ban đầu khi chúng tôi cũng thấy lạ. Nhưng về sau thấy hiệu quả rõ rệt. Trước đây cô giảng trò nghe nên đa số các cháu học đến lớp 5 vẫn chưa nói sõi tiếng Kinh, chỉ viết được thôi. Giờ đi học là cô không nói nữa mà toàn các cháu nói nên đứa nào cũng biết ăn nói, biết ngoại giao”.
Các giáo viên trường Tiểu học Nậm Cắn 1 cũng ngỡ ngàng trước sự trưởng thành của học sinh mình. Cô Nguyễn Thị Phương, hiệu trưởng nhà trường kể: “Năm ngoái, trước khi nghỉ hè, các em học sinh khối 5 đã tự đứng ra tổ chức một lễ chia tay nhà trường. Các em tự trang trí lớp học, tự mua bánh kẹo – hoa quả, tự chia nhau đi mời các thầy cô. Đây là điều chưa từng xảy ra với học sinh dân tộc ở huyện Kỳ Sơn này”.
Theo ông Nguyễn Hồng Hoa, trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, với đặc trưng hầu hết học sinh của huyện Kỳ Sơn đều là người dân tộc thiểu số, lại sống ở vùng rẻo cao, khả năng giao tiếp của các em rất hạn chế. Nhờ mô hình trường học mới mà khả năng tiếng Việt của các em cải thiện rõ rệt, kéo theo chất lượng học tập các môn khác được nâng lên. “Điều này không chỉ thể hiện qua các kỳ khảo sát chất lượng mà khi tiếp xúc trực tiếp với các em chúng tôi thấy rất rõ”, ông Hoa nói.