Giáo dục
Lớp ngoại ngữ cho cô dâu lấy chồng Hàn Quốc
- Thứ sáu, 2/10/2015 11:45 (GMT+7)
- 11:45 2/10/2015
Học tiếng Hàn không chỉ để xin visa kết hôn mà quan trọng hơn là hoà nhập với gia đình nhà chồng, cũng như bảo vệ tương lai của những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc.
|
Sau khi đăng ký kết hôn với một người Hàn Quốc, mấy tháng nay, chị Liêu Thị Thuận (32 tuổi, quê Thạch Thất - Hà Nội) gác lại việc buôn bán ở quê để dành toàn bộ thời gian vào việc học tiếng Hàn. "Ở đây, chúng em học tiếng và luyện thi là chính. Ngoài ra, cuối mỗi buổi, cô giáo cũng giới thiệu thêm về những nét chính của văn hoá Hàn Quốc, đặc biệt là cách ứng xử trong gia đình", chị Thuận cho biết. |
|
Theo quy định mới của chính phủ Hàn Quốc áp dụng từ 1/4/2014, các trường hợp xin cấp mới visa kết hôn, trừ một số trường hợp đặc biệt, đều bắt buộc phải có chứng chỉ năng lực tiếng Hàn Quốc TOPIK I (cấp 1-2 trên tổng số 6 cấp). Yêu cầu này khiến cho các cô dâu Việt Nam mới hoặc chuẩn bị kết hôn với người Hàn Quốc chiếm tỷ lệ lớn trong nhiều lớp tiếng Hàn sơ cấp. |
|
TOPIK là kỳ thi nhằm phổ cập giảng dạy và học tiếng Hàn Quốc cho đối tượng là người nước ngoài và kiều bào Hàn Quốc đang sống ở nước ngoài không sử dụng tiếng Hàn như ngôn ngữ mẹ đẻ. Để có chứng chỉ TOPIK I, người học ở Việt Nam thường phải trải qua khoá học từ 4 đến 6 tháng (khoảng 220 giờ học), trước khi thi lấy chứng chỉ. |
|
Theo quy định mới, đối với trình độ TOPIK I, thí sinh sẽ phải làm bài thi Đọc (40 câu) và Nghe (30 câu), thời gian 100 phút. |
|
Giảng viên Bùi Thị Hà (Trung tâm Ngoại ngữ - Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: Do đây là trình độ thấp nhất nên tỷ lệ đạt chứng chỉ của học viên các khoá khá cao, khoảng 80%. Những trường hợp không đạt chủ yếu do học viên hay nghỉ học. Ngoài ra, một số học viên đã lớn tuổi, không có kinh nghiệm học ngoại ngữ nên thiếu quyết tâm học sẽ không thể đạt được chứng chỉ. |
|
Chị Phạm Thuý Hà (phải, 30 tuổi, quê Quảng Ninh) cho biết: "Trước đây, chồng em làm việc tại Việt Nam. Mặc dù không làm cùng nhưng do có người giới thiệu nên hai bên đã tìm hiểu và kết hôn hai năm. Công việc thay đổi nên chồng em trở về Hàn Quốc trước. Từ ngày đi học, em nói chuyện với chồng và bố mẹ chồng dễ dàng hơn". |
|
Mới trở về từ xứ sở kim chi, chị Nguyễn Thị Kim Dung tâm sự, bốn năm trước kết hôn với một người Hàn Quốc, nhưng khi sang sống với chồng một thời gian thì chia tay. Sau đó, chị tiếp tục ở lại làm công nhân và chồng sắp cưới của chị là người Hàn Quốc làm cùng xưởng. |
|
Dù đã có thời gian dài ở Hàn Quốc nhưng trình độ tiếng Hàn của chị Dung vẫn còn khá hạn chế do không được học bài bản. "Thực ra có chứng chỉ không phải chỉ để xin visa mà cái chính là để tốt cho mình. Bởi vì nhiều mâu thuẫn gia đình dẫn tới các vụ đánh đập rồi đổ vỡ là do vợ chồng bất đồng ngôn ngữ", chị Dung chia sẻ kinh nghiệm. |
|
Chồng mất sớm, một mình nuôi hai con trưởng thành, ở tuổi 43, chị Vương Thị Lương quyết định dành nửa còn lại của cuộc đời mình ở đất nước mới chỉ biết qua những bộ phim. Chị tâm sự: "Nhiều người cứ quan niệm rằng lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc là vì lý do kinh tế chứ chẳng mấy ai nghĩ đến vấn đề tình cảm. Mình và anh ấy làm quen qua mạng, đã tìm hiểu rồi mới kết hôn. Anh ấy hơn mình 6 tuổi, cũng đã qua một lần đò nên cũng dễ đồng cảm hơn"... |
ngoại ngữ
luyện thi
kết hôn
Hàn Quốc