Chad (châu Phi), Việt Nam (châu Á), Áo (châu Âu), miền Nam nước Mỹ (châu Mỹ) - ở những khu vực rất khác biệt trên thế giới này, lượng mưa cực lớn nhiều tuần qua đã cướp đi sinh mạng hàng nghìn người, tàn phá nhà cửa, gây ra lở đất khiến hàng triệu người rơi vào cảnh mất điện.
Theo New York Times, đó là điềm báo về các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, là dấu hiệu đặc trưng của biến đổi khí hậu, nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương thích ứng, ở cả quốc gia giàu lẫn nghèo.
Những trận mưa lớn khiến tình trạng ngập lụt ven biển và ven sông trở nên nguy hiểm, khó lường hơn bao giờ hết.
"Các sự kiện cực đoan đang trở nên mạnh hơn ở khắp mọi nơi, lũ lụt ngày càng lớn hơn bất kể chúng ta sống ở đâu. Không còn nghi ngờ gì nữa, những trận lũ lụt trên khắp thế giới đang trở nên tồi tệ hơn", Michael Wehner, một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ), cho biết.
Thảm họa do con người gây ra
Một số trận lũ lụt chết người gần đây, như trận lở đất ở Kerala, miền Nam Ấn Độ, vào đầu mùa hè này, có thể do tác động của con người. Nghiên cứu khoa học được công bố vào tháng 8 đã phát hiện rằng trận mưa với cường độ lớn hơn 10% là do biến đổi khí hậu bởi con người gây ra.
Chưa có nghiên cứu quy kết tương tự nào cho các trận lũ lụt trong những tuần gần đây. Mặc dù một số nghiên cứu đang được tiến hành, đơn giản là không có đủ nguồn lực để thực hiện nghiên cứu quy kết cho từng sự kiện.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh rõ ràng rằng: Bầu khí quyển ấm hơn giữ được nhiều độ ẩm hơn - có thể gây ra những đợt mưa lớn, ngoài các yếu tố khí tượng khác.
Ví dụ, bão Boris đã đổ lượng mưa lớn gấp 5 lần lượng mưa trung bình của tháng 9 trên khắp châu Âu kể từ khi nó bắt đầu vào tuần trước. Một luồng không khí lạnh ở cực đã va chạm với một luồng không khí Địa Trung Hải ấm áp dày đặc hơi nước, tạo ra cơn bão mạnh bất thường mang theo mưa lớn và gió mạnh. Theo Reuters, tính đến ngày 18/9, ít nhất 23 người đã tử vong ở Áo, Czech, Ba Lan và Romania.
Tại Mỹ, khu vực Bắc và Nam Carolina đang phải hứng chịu những cơn bão hiếm trong tuần này. Một số khu vực ghi nhận lượng mưa hơn 45 mm trong 12 giờ - lượng mưa lớn đến mức được coi là sự kiện nghìn năm có một.
Bão Yagi, một trong những cơn bão khác thường mạnh nhất trong khu vực châu Á, đã mang theo mưa và gió lên tới 204 km/giờ khi đổ bộ miền Bắc Việt Nam. Ít nhất 143 người đã thiệt mạng sau cơn bão, gồm 22 người tử vong sau một trận lũ quét và sạt lở đất ở tỉnh Lào Cai.
Cơn bão sau đó tiến vào Myanmar, giết chết ít nhất 110 người nữa do lũ quét và lở đất.
Bão Yagi đã tàn phá nhiều khu vực của miền Bắc Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. |
Lũ lụt gần đây xảy ra khi các mối nguy hiểm ngày càng gia tăng, làm giảm khả năng ứng phó của người dân.
Một số khu vực ở miền Bắc Nigeria, quốc gia Tây Phi, đã bị tàn phá bởi 7 ngày mưa lớn không ngừng, khiến một con đập bị vỡ, giết chết ít nhất 200 người và nhấn chìm một nửa thành phố Maiduguri. Các quan chức địa phương nói với Reuters rằng đây là trận lụt tồi tệ nhất trong hai thập kỷ. Trận mưa xảy ra chỉ vài tháng sau đợt nắng nóng thiêu đốt trước gió mùa. Thống đốc bang Borno cho biết lũ lụt đã khiến hơn một triệu người phải di dời và có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Tương tự, tại Chad, nơi đang phải vật lộn với nhiều năm xung đột và dòng người tị nạn từ các nước láng giềng, 341 người đã thiệt mạng vì lũ lụt trong những ngày gần đây, theo Liên Hợp Quốc.
Thời tiết khắc nghiệt đặc biệt gây tốn kém cho các chính phủ châu Phi. Trung bình, các quốc gia châu Phi đang mất 5% nền kinh tế vì lũ lụt, hạn hán và nhiệt độ cao, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới. Nhiều quốc gia đang chi tới 1/10 ngân sách của họ chỉ để quản lý các thảm họa thời tiết khắc nghiệt.
Nhiều sự kiện cực đoan đó là do khí thải nhà kính làm nóng hành tinh, nhưng nghịch lý là châu Phi lại chỉ chiếm một phần nhỏ lượng khí thải hàng năm của thế giới.
Nước giàu và nghèo quản lý rủi ro
Những trận lũ kinh hoàng gần đây đã chứng minh rõ ràng rằng cả các nước giàu và nghèo đều cần đầu tư vào việc củng cố cơ sở hạ tầng vật chất cũng như các chính sách công để giảm thiểu tác động của thời tiết khắc nghiệt.
Liên Hợp Quốc đã thúc đẩy các chính phủ đưa ra nhiều hệ thống cảnh báo sớm hơn, tương đối rẻ và có khả năng hiệu quả trong việc cứu sống con người. Hiện tại, 101 quốc gia hiện có các giao thức cảnh báo sớm, ít nhất là trên giấy tờ, gấp đôi số quốc gia báo cáo là có vào năm 2015.
Lũ lụt ở thị trấn Jesenik của Czech vào tháng 9. Ảnh: RTE.ie. |
Có nhiều biện pháp khả thi để giảm thiểu thiệt hại về người do lũ lụt gây ra. Trong đó bao gồm trao tặng một khoản tiền nhỏ cho người dân để họ có thể di chuyển ra khỏi nơi nguy hiểm, lắp đặt hệ thống nước và điện khẩn cấp để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát sau lũ lụt.
Các quan chức địa phương và các chuyên gia quản lý thảm họa cho biết ngăn chặn nạn phá rừng và xây dựng ở những khu vực dễ xảy ra lũ lụt và lở đất là biện pháp khó thực hiện hơn nhưng thiết yếu. Lũ lụt ở Kerala ngày càng tàn khốc do nạn phá rừng tràn lan và phát triển không theo kế hoạch ở những khu vực nhạy cảm về mặt sinh thái.
Ở các quốc gia giàu có như Mỹ, chính quyền địa phương đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng đắt đỏ. Ví dụ, Bắc và Nam Carolina, đều từng bị tàn phá bởi các cơn bão mạnh, đã chi hàng triệu USD cải tạo đường sá để chịu được lượng mưa cực lớn tốt hơn và bắt đầu bảo vệ các rào chắn lũ lụt tự nhiên.
Ngược lại, các quốc gia nghèo khó hơn vốn đã bị ràng buộc và đè nặng bởi nợ nần nên không có khả năng bảo trì đường sá, chứ đừng nói đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng chống lũ lụt.
"Chúng ta cần phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng. Nếu làm đúng, ở một mức độ nào đó, có thể giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu", Olasunkanmi Habeeb Okunola, một nhà quy hoạch đô thị đến từ Nigeria, hiện làm việc với tư cách nhà khoa học thỉnh giảng tại Viện Môi trường và An ninh Con người thuộc Đại học Liên hợp quốc, cho biết.
Không còn nghi ngờ gì nữa, rằng biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết trở nên dữ dội và thất thường hơn. Điều đó đòi hỏi con người phải chuẩn bị cho những điều bất ngờ.
"Chúng ta không biết chính xác khi nào hoặc loại sự kiện nào sẽ xảy ra. Thật không may, không còn nghi ngờ gì nữa rằng những sự kiện nghiêm trọng hơn đang đến", Diana Urge-Vorsatz, giáo sư tại Đại học Trung Âu và phó chủ tịch của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.