Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 4, TP HCM cho rằng đối tượng và tâm lý học sinh chỉ vài năm đã khác nhau rõ rệt nhưng không hiểu vì lý do gì thông tư hướng dẫn về khen thưởng và thi hành kỷ luật các trường phổ thông được bộ ban hành từ năm 1988 đến nay vẫn không thay đổi, không có sự cập nhật.
Đối chiếu theo quy định để xử lý, học sinh chẳng sợ gì nữa, thậm chí còn tìm những kẽ hở để vi phạm mà vẫn an toàn như thường xuyên nghỉ học nhưng không quá thời gian 45 ngày vẫn được lên lớp. Trường mà làm khác quy định thì bị dư luận và phụ huynh phản ứng.
Ảnh minh họa. |
Vị hiệu trưởng này dẫn chứng đơn cử, trong thông tư của bộ GD-ĐT không quy định hình thức xử lý khi học sinh lên mạng nói xấu nhau, sử dụng các mạng xã hội như Facebook để chê bai, đả kích thầy cô, thách thức nhau. “Thông tư 08 từ năm 1988 cũng không quy định HS xăm mình, tóc xanh tóc đỏ vào trường thì thế nào… cũng khiến chúng tôi đau đầu trong hướng xử lý” - vị hiệu trưởng này nói.
Trong một hội thảo mới đây về ngăn chặn bạo lực học đường, Thạc sĩ Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác học snh - sinh viên, sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT đã quá cũ, không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Những hình thức xử phạt, kỷ luật theo thông tư này không còn đủ sức răn đe.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường phổ thông khác nhận định kể cả biện pháp đuổi học như quy định trong thông tư cũng hoàn toàn không khả thi bởi khi đuổi học. Học sinh mất hẳn một giai đoạn học tập, khi đi học lại thì thầy cô thêm cực vì mất thời gian dò bài. Trong khoảng thời gian bị đuổi học, các em lại dễ sinh tâm lý chán nản, ham chơi và càng dễ sa ngã.
Mới đây, sở GD-ĐT TP HCM ban hành thêm văn bản về công tác quản lý học sinh nội trú, bán trú tại các trường phổ thông, trong đó quy định thêm nhiều chi tiết nhằm quản lý chặt chẽ nhưng theo một chuyên gia giáo dục, quy định này cũng chỉ phù hợp với những địa phương có nhiều trường ngoài công lập, nội trú nhiều như Hà Nội và TP HCM. Còn ở các địa phương khác, rất cần một quy định kịp thời, đủ sức răn đe để nhà trường căn cứ vào đó mà răn đe, giáo dục, đặc biệt là học sinh cá biệt.