- Đúng 1 tháng Cơ quan điều tra của Bộ Công an có quyết định khởi tố, bắt tạm giam, ông Đinh La Thăng bị đưa ra xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
- Cùng bị đưa ra xét xử với ông Thăng lần này còn có 21 người khác, trong đó có Trịnh Xuân Thanh.
- Hơn 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Đây là một trong những phiên tòa đầu tiên được áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự mới (có hiệu lực từ 1/1/2018), không vành móng ngựa.
- Tội Cố ý làm trái có khung phạt cao nhất 20 năm tù, còn tội Tham ô tài sản có khung phạt cao nhất là tử hình.
Hơn 11h30, TAND Hà Nội đã tạm nghỉ phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và 21 người khác. Khi được dẫn giải xuống phòng chờ nghỉ trưa, một số bị cáo dùng ô để che chắn.
Chiều nay, đại diện VKSND Hà Nội tiếp tục đọc bản cáo trạng dài 44 trang.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa. Ảnh: P.D. |
Trước đó, lúc 6h15 ngày 8/1, 2 xe thùng chở CSCĐ đến tòa làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự. Ít phút sau đó, các xe chở phạm nhân đã vào tới cổng tòa. Ngoài cổng, cảnh sát giao thông được huy động phân luồng.
Khoảng 2 giờ sau, phiên tòa bắt đầu với phần kiểm tra căn cước các bị cáo. Ông Thăng là người trả lời đầu tiên.
Tiếp đó, HĐXX hỏi đại diện nguyên đơn dân sự PVN, PVC và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác: ông Trịnh Xuân Giới (bố bị cáo Trịnh Xuân Thanh), chi cục thuế tỉnh Quảng Bình…
Luật sư Nguyễn Văn Chiến (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh) đề nghị khi hỏi đến những người làm chứng liên quan cần phải cho họ cách ly vì quyền lợi của họ có thể đối lập nhau. Ngoài ra, ông cũng đề nghị cho các bị cáo được cách ly khi hỏi.
Luật sư Chiến nói với những tài liệu phát sinh, liên quan đến thân chủ ông đề nghị tòa cần cho sao chụp....
Sáng nay, bên trong phòng đưa tin được TAND Hà Nội bố trí có khoảng 50 nhà báo. Đại diện Đại sứ quán Đức cũng có mặt tại đây. Đến gần 10h, đại diện VKSND Hà Nội đọc bản cáo trạng dài 44 trang.
Phiên tòa dự kiến kéo dài từ ngày 8 đến 21/1. Chủ tọa phiên tòa là Nguyễn Ngọc Huân, thẩm phán thứ 2 là ông Trương Việt Toàn, ngoài ra còn có 3 hội thẩm nhân dân.
Ba kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử gồm Phó viện trưởng VKSND Hà Nội Đào Thịnh Cường cùng 2 kiểm sát viên cao cấp là Nguyễn Minh Đồng và Nguyễn Mạnh Thường.
'Đảm bảo tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội'
Trong số 22 bị cáo, ông Đinh La Thăng và 11 người khác bị VKSND Tối cao truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165, khoản 3 - Bộ luật hình sự năm 1999.
8 bị cáo khác bị truy tố về tội Tham ô tài sản, quy định tại Điều 278, khoản 4. Riêng Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) bị truy tố về cả 2 tội trên.
Có hơn 40 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Ông Đinh La Thăng dự kiến có 3 luật sư, Trịnh Xuân Thanh dự kiến có 6 luật sư...
Chia sẻ với Zing.vn trước ngày diễn ra phiên xử, thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó chánh tòa Hình sự TAND Hà Nội) cho biết phiên xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm là một trong những phiên tòa đầu tiên được áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự mới (có hiệu lực từ 1/1/2018). Đó là chú trọng, đảm bảo tối đa quyền tranh tụng của những người tham gia tố tụng.
"Việc này phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng, Nhà nước đề ra, đồng thời đảm bảo quyền con người tốt hơn nữa cho các bị cáo cũng như đảm bảo tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội với bị can, bị cáo", thẩm phán Trương Việt Toàn nói đồng thời khẳng định HĐXX sẽ đảm bảo tối đa tính độc lập, không chịu sự tác động và can thiệp nào, chỉ tuân thủ theo pháp luật.
"HĐXX sẽ áp dụng tất cả các quy định mới trong việc điều hành, điều khiển quá trình xét xử. Phiên tòa này cũng không vành móng ngựa", thẩm phán Toàn chia sẻ.
Bị cáo Đinh La Thăng được áp tải đến tòa với còng số 8 trên tay. Ảnh: TTXVN. |
Ký gói thầu, ứng tiền tạm ứng sai quy định
Tài liệu của cơ quan tố tụng xác định cuối năm 2007, ông Đinh La Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng công ty Sông Hồng về làm Tổng giám đốc, sau thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC nhằm xây dựng Tổng công ty này trở thành đơn vị xây lắp chuyên ngành dầu khí hàng đầu Việt Nam.
Gần 2 năm sau, ông Thăng tiếp tục đưa Vũ Đức Thuận, người liên quan đến việc sụt giảm kinh doanh của Tổng công ty Sông Đà, về làm Phó tổng giám đốc, sau là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC.
Sau khi yêu cầu PVC nhận lại các khoản đầu tư kém hiệu quả từ các đơn vị khác, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí đã tạo điều kiện để công ty của Trịnh Xuân Thanh để hoạt động. Cụ thể, PVN đã chỉ định nhiều gói thầu và miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền tạm ứng cho PVC. Nhưng đến cuối năm 2009, tình hình tài chính của đơn vị này lâm vào khó khăn, toàn bộ tài sản ngắn hạn của tổng công ty này không đủ bù đắp nợ ngắn hạn.
Để giúp PVC khắc phục khó khăn về tài chính, ông Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, đồng thời yêu cầu cấp dưới làm thủ tục để PV Power (đơn vị được giao thực hiện dự án) ký hợp đồng bàn giao lại gói thầu trái quy định, qua đó để PVC tạm ứng số tiền 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.
Bên trong phòng xử vụ án không còn chỗ trống. Ảnh: P.D. |
Cáo trạng xác định hành vi của Đinh La Thăng phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999. Quá trình điều tra, bị can thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Huy Thiệp, một trong ba luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng, cho biết quan điểm của ông Thăng là sai đến đâu, ông sẽ nhận trách nhiệm đến đấy, cái gì không sai thì cần xem xét.
Ông Thiệp dẫn lại lời của thân chủ: “Nếu được phép thì tôi xin tha cho những người đã thực hiện lệnh của tôi, mà lệnh đó là sai”. “Còn ai đã chiếm đoạt dù chỉ một đồng thì ông dứt khoát không xin cho họ”, luật sư Thiệp nói.
Trịnh Xuân Thanh cùng cấp dưới tham ô tiền tỷ
Trong vụ án này, bị can Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi chỉ đạo bị can Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh xuất hiện tại tòa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sau đó, cựu Chủ tịch HĐQT PVC cùng đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 119 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương, cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh (Phó tổng giám đốc PVC) lập khống hồ sơ, rút 13 tỷ đồng đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.
Trong số này Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị can khác về việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng đánh giá hành vi của Trịnh Xuân Thanh phạm vào các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản quy định theo khoản 3 Điều 165 và khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999.
Quá trình điều tra, Thanh khai báo không thành khẩn, quanh co, chối tội, sau khi phạm tội bị can đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra.
Ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là 1 trong số 5 bị can bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Tội Cố ý làm trái và Tham ô tài sản bị xử lý thế nào?
Theo Điều 165 Bộ luật hình sự, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 15 đến 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Còn theo Điều 278 (Tội tham ô tài sản), người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 50.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Gây hậu quả nghiêm trọng; Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Trường phạm tội có tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm, phạm tội nhiều lần, chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
Người phạm tội bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
Lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ người ra vào tòa Hà Nội sáng 8/1. Ảnh: Hoàng Hà. |
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.