Lúc 7h30 ngày 15/9, 4 xe chuyên dụng của Bộ Công an áp giải các bị cáo chính trong đại án Oceanbank đến sân tòa Hà Nội.
Bị cáo Hà Văn Thắm bước xuống xe đầu tiên, hé nụ cười khi có người chào hỏi. Trong khi đó, Nguyễn Xuân Sơn (cựu tổng giám đốc) lộ rõ vẻ căng thẳng, mệt mỏi, trái ngược với tâm trạng thoải mái thường thấy mỗi khi bị cáo này bước xuống xe phạm trong hơn chục buổi xét xử đã qua.
Vì sao Bộ Công an khởi tố thêm 3 vụ liên quan đại án Hà Văn Thắm?
Hôm nay, phiên xét xử đại án Oceanbank tiếp tục với phần tranh luận. Đầu giờ, HĐXX cho phép luật sư Nguyễn Thị Minh Phương (một trong bốn luật sư bào chữa cho Sơn) lên tranh tụng. Luật sư Phương nói, theo căn cứ diễn biến mới, Bộ Công an vừa khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) và khởi tố bổ sung đối với bị can Ninh Văn Quỳnh. Trong 3 vụ án vừa bị khởi tố có đến 2 vụ xảy ra ở 2 doanh nghiệp Vietsovpetro và Lọc hóa dầu Bình Sơn, nơi Sơn khai rằng trước đó có đưa tiền chi "chăm sóc" cho một số cán bộ ở đây.
Luật sư Nguyễn Thị Minh Phương bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Việt Hùng. |
Bà tiếp tục nêu quan điểm, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) với số tiền gửi lớn tại Oceanbank thì liệu có nhận được tiền “chăm sóc” của nhà băng này hay không, trong khi nhiều công ty con của tập đoàn này nhận được. Vị luật sư băn khoăn và đặt ra câu hỏi vì sao Bộ Công an phải khởi tố vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại 3 công ty liên quan đến ngành dầu khí?
Nữ luật sư cho rằng HĐXX cần phải trả hồ sơ vụ án đề điều tra bổ sung. Theo bà Phương, trong thời gian bị cáo buộc phạm vào tội Tham ô tài sản, ông Sơn không phải là Chủ tịch thành viên PVN, không được giao quản lý vốn, không điều hành PVN. “Đây là quyền hạn của hội đồng thành viên PVN và không có Sơn trong đó", luật sư Phương nói.
Bào chữa cho thân chủ vừa bị đề nghị án tử hình, luật sư Phương đặt câu hỏi rằng dựa vào căn cứ nào để cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn quản lý tài sản và rút tiền của Oceanbank. "Sơn không thể là chủ thể của tội Tham ô", nữ luật sư nêu quan điểm.
Tiếp tục bào chữa cho thân chủ của mình về cáo buộc chiếm đoạt số tiền 69 tỷ đồng thông qua Công ty BSC và 167/246 tỷ đồng do Hà Văn Thắm đưa chi đối ngoại cho PVN, bà Phương nêu nhiều dẫn chứng, quan điểm cho rằng các báo buộc mà cáo trạng nêu chưa chính xác.
Nguyễn Xuân Sơn được áp giải đến tòa sáng ngày 15/9. Ảnh: Việt Hùng. |
Luật sư đề nghị dừng tòa để điều tra thêm
Sau luật sư Phương, luật sư Nguyễn Huy Thiệp được HĐXX cho phép bào chữa cho Hà Văn Thắm - bị cáo vừa bị đề nghị mức án chung thân với 3 tội danh. Vị luật sư này nói bản thân “ngỡ ngàng” với phần đề nghị mức án mà VKS đưa ra nếu dựa trên tình trạng hồ sơ, chứng cứ đã có cùng diễn biến phiên tòa những ngày qua.
Giống như nhiều đồng nghiệp khác, ông Thiệp nói VKS đề nghị mức án cho thân chủ của ông là vội vàng và có dấu dấu hiệu oan về cả mức án và tội danh. Bổ sung vào phần bào chữa của luật sư Phương ở trên, ông Thiệp nói nếu một ngày đẹp trời, quá trình điều tra 3 vụ án trên được làm rõ là những người có liên quan đã nhận tiền của Oceanbank thì phải làm sao khi án đã tuyên và thi hành. “Khi đó có tái thẩm, phúc thẩm được không”, ông Thiệp đặt giả thiết.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp - người bào chữa cho Hà Văn Thắm. Ảnh: Việt Hùng. |
Bước vào phần tranh tụng để bảo vệ cho thân chủ Hà Văn Thắm với cáo buộc Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản số tiền 246 tỷ của Oceanbank và 69 tỷ thông qua BSC, ông Thiệp nói dù bản thân là luật sư bào chữa cho Thắm, nhưng ông sẽ bào chữa cả cho Sơn bởi “bào chữa cho Sơn cũng là bào chữa cho Thắm”.
Dựa vào diễn biến phiên tòa những ngày qua khi Bộ Công an khởi tố 3 vụ án hình sự, ông Thiệp nhìn nhận HĐXX cần dừng tòa để điều tra thêm. Trong phần trình bày của mình, luật sư nêu nhiều luận cứ gỡ tội cho cả Sơn và Thắm về cáo buộc tham ô, chiếm đoạt tài sản số tiền 246 tỷ của Oceanbank và 69 tỷ thông qua BSC.
Chủ tọa "quay" luật sư bào chữa cho tiến sĩ luật
Sau 2 phần bào chữa của luật sư cho bị cáo Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn, HĐXX mời nhóm 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Hoàng Giang (Tổng giám đốc Công ty BSC Việt Nam) lên tranh tụng. Một ngày trước, Giang bị VKS đề nghị mức án 8-9 năm tù với tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư Vũ Gia Trưởng, ông không đồng tình với mức án mà VKS đề ra với thân chủ của mình. Để chứng minh cho luận điểm của mình, luật sư nêu 2 căn cứ. Thứ nhất, Giang không phải đồng phạm với Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn trong việc ký hợp đồng thu phí dịch vụ khống để giúp Sơn chiếm đoạt 69 tỷ đồng thông qua công ty BSC. Ông Trưởng nói luật hiện hành quy định đồng phạm phải có 2 người trở lên cùng bạn bạc. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và quá trình thẩm vấn công khai tại tòa, Giang nói không bàn bạc với Thắm và Sơn, không tiếp nhận ý trí của hai sếp Oceanbank về việc ký hợp đồng dịch vụ khống để thu phí.
“Bản thân Thắm tại tòa cũng khai không chỉ đạo và bàn bạc với Giang về việc thu phí bất hợp pháp”, vị luật sư bào chữa nêu.
Bị cáo Hà Văn Thắm đến tòa sáng 15/9. Ảnh: Việt Hùng. |
Theo quan điểm của luật sư Trưởng, thân chủ của ông bước chân vào Công ty BSC không biết công ty này sinh ra làm gì. Giả sử Thắm thành lập Công ty BSC với mục đích phạm pháp thì cũng không nói với Giang về việc đó. Nếu Giang có làm thì cũng phải đòi chia chác chứ không thể chỉ nhận 10 triệu đồng tiền lương. "Theo tôi, ông chủ không bao giờ nói với người làm công rằng công ty của mình làm việc bất hợp pháp", luật sư lập luận khi chứng minh Giang không đồng phạm với Sơn và Thắm.
Thứ 2, ông Trưởng bào chữa rằng Giang không có hành vi chiếm đoạt tài sản khi ký các hợp đồng dịch vụ từ BSC, không bàn bạc, ăn chia 69 tỷ đồng với các bi cáo khác. Luật sư nói, giả sử Giang biết đây là hành vi bất hợp pháp thì cần làm rõ xuất phát từ mục đích gì mà Giang biết sai mà vẫn làm. Thân chủ của ông là luật sư, tiến sĩ luật học, không thể nhận 10 triệu đồng chỉ để ngồi ký những hợp đồng mà biết là sai.
"Tại tòa, các bị cáo cũng khai thân chủ của tôi không đòi chia chác gì. Vậy động cơ nào Giang biết sai vẫn làm", luật sư đặt câu hỏi.
Kết thúc phần trình bày của mình, ông Trưởng thừa nhận quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, ông từng gặp Giang và nói với thân chủ của mình “có hành vi sai phạm”. Song vị luật sư bào chữa nói sai phạm đó không đến mức bị đề nghị truy tố tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, không thể chịu mức 8-9 năm tù.
Thẩm phán Trương Việt Toàn nghe vậy hỏi ông Trưởng: Theo luật sư nếu không phạm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì là tội gì, mức án nhẹ hơn là bao nhiêu. Nghe vậy, vị luật sư nói sẽ có đề nghị cụ thể với HĐXX sau.
Đồ họa: Hiền Đức. |
Lúc hơn 11h, phiên tòa tạm dừng sau phần phát biểu của nhóm 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Hoàng Giang. Chiều nay, HĐXX dự kiến dành thời gian để nhóm 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hoàn (cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank) tranh tụng. Một ngày trước, bị cáo Hoàn bị VKS đề nghị mức án 20-24 năm tù giam cho 2 tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Một ngày trước (14/9), đại diện cơ quan công tố tại tòa đã trình bày bản luận tội Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn (cựu tổng giám đốc Oceanbank) cùng 49 bị cáo liên quan. Mức án đề nghị cao nhất với Sơn là tử hình, Thắm là chung thân. Người có liên quan đến vụ án được đề xuất mức án nhẹ nhất là 18 tháng tù treo.