Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật sư nói gì về việc mũ bảo hiểm rởm tràn lan trên phố?

Nói về việc xác định chất lượng mũ bảo hiểm, luật sư cho rằng cơ quan chức năng đừng bắt người tiêu dùng phải trở thành người thông thái khi các loại MBH rởm vẫn bày bán tràn lan.

Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú cho rằng:  "Việc xác định rạch ròi giữa hàng giả và hàng thật, hàng tốt hàng xấu, thì đôi khi cơ quan chức năng cũng còn không phân biệt được. Trong khi người dân làm gì có máy móc kiểm định, để mà biết MBH chất lượng tốt hay xấu. Mặc dù Nhà nước có quy định dán tem để phân biệt giữa MBH tốt và MBH kém chất lượng, tuy nhiên thực tế là ngay cả loại tem này, cũng bị làm giả. Cơ quan chức năng còn chưa thể “thông thái” thì đừng bắt người tiêu dùng phải trở thành người thông thái. Tính khả thi của chương trình lần này, với những điều kiện không có gì chuyển biến hơn so với những lần trước, tôi cho rằng không cao, không thuyết phục được người dân".

Từ 1/7 sẽ phạt người đội mũ bảo hiểm không đủ 3 lớp

Từ 1/7, người tham gia giao thông bằng xe máy đội mũ bảo hiểm nhưng không đủ 3 lớp: vỏ, đệm xốp và quai đeo sẽ bị phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm.



Theo luật sư Trương Anh Tú, ở Việt Nam, với một thị trường MBH rất bát nháo như hiện tại, bản thân các cơ quan Nhà nước cũng chưa kiểm soát tốt. Bằng chứng là các loại MBH rởm vẫn bày bán tràn lan với giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng, thì khó có thể tin những loại MBH này là tốt. Cơ quan quản lý Nhà nước, nếu lại đá quả bóng này sang cho người dân, tức là người tiêu dùng rơi vào tình cảnh thiệt đơn thiệt kép. Vừa là nạn nhân của hàng giả hàng nhái, vừa không bảo vệ được mình khi xảy ra tai nạn, lại vừa bị cơ quan chức năng phạt, vì "tội" mua phải hàng giả hàng nhái về sử dụng.

Mũ bảo hiểm bán tràn ngập ở nhiều tuyến phố Sài Gòn.
Mũ bảo hiểm bán tràn ngập ở nhiều tuyến phố Sài Gòn.

Ở một chừng mực nào đó, người dân mua phải hàng giả hàng nhái, trong khi thực tế là họ cố tìm hàng thật để mua mà không thấy. Thì lẽ ra người tiêu dùng còn có quyền trách phạt, thậm chí "kiện" cơ quan Nhà nước, vì đã buông lỏng quản lý.

Do vậy, cơ quan chức năng trước hết phải làm tốt nhiệm vụ của mình đã, cụ thể là quản lý tốt thị trường và chất lượng MBH rồi sau đó hãy tính đến chuyện xử phạt. Nếu vẫn cứ để MBH nhái, rởm kém chất lượng bán tràn lan ngoài đường, thì đương nhiên người dân vẫn... "tránh trời không khỏi nắng". Cần phải xử lý tận gốc, đó là đối với hành vi sản xuất hàng giả hàng nhái, vì rõ ràng đây là dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chế tài xử lý hành vi này cũng rất mạnh, chúng ta sẽ dễ xử lý hơn rất nhiều, so với việc xử lý phần ngọn là người tiêu dùng.

"Tôi nghĩ rằng, cơ quan chức năng, cần nhìn nhận những nguyên nhân trên, thấy rõ vấn đề để có những giải pháp giải phù hợp, triệt để", luật sư Trương Anh Tú chia sẻ.  

http://phapluatxahoi.vn/2014052810062952p1001c1015/nguoi-dan-co-quyen-kien-co-quan-nha-nuoc-vi-buong-long-quan-ly.htm

Theo Lương Giang/ Báo Pháp luật Xã hội

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm